07/12/2010 04:12 GMT+7

30 năm chinh phục Đồng Tháp Mười - Kỳ cuối: Thách thức của tương lai

Ông DƯƠNG QUỐC XUÂN(chủ tịch UBND tỉnh Long An)
Ông DƯƠNG QUỐC XUÂN(chủ tịch UBND tỉnh Long An)

TT - Dưới con mắt một nhà khoa học cả đời gắn với cây lúa, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, “quá trình khai phá Đồng Tháp Mười có một sự phối hợp, biết lắng nghe nhau của nhà quản lý và nông dân, nhà khoa học một cách tuyệt vời”.

Đó là nhà quản lý biết lắng nghe và vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm thực tiễn từ nông dân về cách ém phèn ở Đồng Tháp Mười. Còn nông dân thì vừa thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước, vừa biết áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất.

Kỳ 1: Ký ức thời hoang dã Kỳ 2: Hồi sinh vùng “đất chết” Kỳ 3: Chuyện người khai phá

NOOZ4Hpj.jpgPhóng to

Quang cảnh một buổi diễn văn nghệ phục vụ công trường đào kênh khai hoang Đồng Tháp Mười của thanh niên Tiền Giang năm 1978 - Ảnh tư liệu

Ý chí chinh phục đồng hoang

Nói về thành công trong việc chinh phục Đồng Tháp Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Dương Quốc Xuân cho rằng nếu không có quyết tâm của lãnh đạo từ tỉnh đến trung ương, không có tinh thần và ý chí vượt khó của con người thì không thể có Đồng Tháp Mười xanh tươi, màu mỡ như hôm nay.

Năm 1978, ông Dương Quốc Xuân là bí thư Đoàn huyện Bến Thủ (nay là hai huyện Bến Lức và Thủ Thừa, tỉnh Long An). Khi tỉnh ủy - UBND tỉnh quyết định khai hoang, chinh phục Đồng Tháp Mười, ông Xuân đã phát động phong trào “Xung kích tiến về Đồng Tháp Mười”. Hàng ngàn đoàn viên thanh niên từ biệt gia đình vác cuốc cùng ông Xuân thẳng tiến về các huyện Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng đào kênh, đắp đường.

Ông Xuân nhớ lại: “Phong trào thanh niên lúc đó sôi nổi lắm. Sau chiến thắng 30-4-1975, dân mình tuyệt đối tin Đảng. Chính vì vậy, khi Đảng quyết định khai phá Đồng Tháp Mười, ai ai cũng tình nguyện tham gia dù biết vào đó sẽ rất gian khổ và nguy hiểm”. Suốt năm năm ròng, ông Xuân và hơn 5.000 lượt đoàn viên thanh niên huyện Bến Thủ đã đào rất nhiều kênh, mở rất nhiều con đường mới ngang dọc trên vùng đất vốn không có dấu chân người.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Công Bình cũng cho rằng quyết định đúng của Đảng là một phần trong cuộc chinh phục Đồng Tháp Mười. Yếu tố quan trọng nhất chính là ý chí của người Việt. Ông giải thích: “Tinh thần tình nguyện xông pha của thanh niên, phụ nữ ngày ấy đáng nể lắm. Họ không hề tính toán thiệt hơn, không than thở khi phải làm việc nặng nhọc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu ăn, thiếu nước ngọt để uống. Nhờ vậy mà con kênh 500 ở Tân Phước dài gần 20km họ chỉ đào có ba tháng là xong”.

Phát huy tinh thần ấy, năm sau (1978) tỉnh tiếp tục vận động tuổi trẻ tham gia đào kênh Trương Văn Sanh rộng hơn, dài hơn. Hàng chục ngàn người lại lên đường vào “cánh đồng hoang” che lều bạt sống tạm bợ và làm việc ròng rã một năm trời để đào con kênh dẫn nước ngọt rửa phèn cho cả vùng.

Ông Nguyễn Đắc Hiền - nguyên phó bí thư tỉnh ủy, hiện là chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp - cũng cho rằng công lao đó trước hết là của nông dân. Ông nói thêm: “Vì họ tin Đảng, chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ để biến chốn hoang hóa thành vùng đất trù phú. Không có lực lượng này cùng kinh nghiệm và sự cần cù, sáng tạo thì chủ trương, nghị quyết cũng nằm trên giấy thôi”.

Thách thức và cơ hội

Tại lễ tổng kết 30 năm khai phá Đồng Tháp Mười tổ chức ngày 1-12 vừa qua tại Đồng Tháp, GS.TS Võ Tòng Xuân băn khoăn: đời sống một bộ phận nông dân vẫn còn khó khăn. Vấn đề đặt ra tới đây là Đồng Tháp Mười sẽ đi lên bằng mô hình nào hay cứ dựa mãi vào cây lúa? Như vậy liệu người dân có thể giàu lên được không? Rồi ông kiến nghị: “Cơ cấu kinh tế hiện nay ở Đồng Tháp Mười trong nhiều năm tới vẫn là nông nghiệp. Do vậy cần công nghiệp hóa, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Đồng thời cần tổ chức sản xuất theo liên kết bốn nhà cho chặt chẽ”.

"Đất phèn Đồng Tháp Mười được xả rửa bằng chính những giọt mồ hôi, nước mắt và có khi bằng máu của biết bao người dân. Vì thế những ai đang sống và làm ăn trên mảnh đất này đều phải xem đó là vinh dự và phải làm tốt hơn thế hệ cha anh trước đây"

Thách thức đối với Đồng Tháp Mười ngay bây giờ và trong tương lai là rất lớn. Ông Dương Quốc Xuân cho rằng đó cũng là cơ hội để con người tiếp tục chứng tỏ tài trí chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt như từng làm hơn 30 năm qua.

Là một người từng đổ mồ hôi khai phá Đồng Tháp Mười, ông Xuân hiểu được giá trị to lớn của từng mét vuông đất màu mỡ bây giờ. Ông nói một cách hình tượng: “Đất phèn Đồng Tháp Mười được xả rửa bằng chính những giọt mồ hôi, nước mắt và có khi bằng máu của biết bao người dân. Vì thế những ai đang sống và làm ăn trên mảnh đất này đều phải xem đó là vinh dự và phải làm tốt hơn thế hệ cha anh trước đây”.

Theo ông Xuân, tỉnh Long An đã quy hoạch năm huyện Đồng Tháp Mười thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh và cả nước. Hiện nay vùng Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và một phần huyện Thủ Thừa, Bến Lức đã sản xuất hơn 60% sản lượng lúa toàn tỉnh. Tới đây tỉnh Long An tập trung đầu tư đưa vùng này thành vùng chuyên canh nông nghiệp kỹ thuật cao để nâng giá trị, chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập của nông dân. Năm năm tới nông thôn nơi này sẽ là “nông thôn mới” gắn với những đô thị ở các cụm dân cư đông đúc.

Tiền Giang, Đồng Tháp cũng đã và đang quy hoạch, kêu gọi đầu tư các ngành công nghiệp vào Đồng Tháp Mười như Long An đã làm. Đi một vòng Đồng Tháp Mười, chúng tôi thấy có nhà máy sản xuất giấy từ cây đay; nhà máy sản xuất ván dăm từ gỗ tràm; viên năng từ tinh dầu tràm, trấu (sản phẩm thải ra từ chế biến lúa gạo) ở Long An.

Tại Tiền Giang có Khu công nghiệp Long Giang và một khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị đang hình thành ở huyện Tân Phước. Vùng nguyên liệu khóm bạt ngàn đã có nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu tiêu thụ. Trong tương lai không xa nhiều nơi trong vùng Đồng Tháp Mười sẽ có những khu dân cư, đô thị sinh thái mọc lên; những khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp nằm xen trong những ruộng lúa, rừng trà, ruộng khóm bạt ngàn.

Khi đề nghị ông phác họa bức tranh toàn cảnh về Đồng Tháp Mười 10-20 năm tới, ông Xuân đáp không do dự: “Thu nhập bình quân đầu người của nông dân Đồng Tháp Mười đến năm 2015 sẽ đạt 50 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức trung bình toàn tỉnh.

Đồng Tháp Mười sẽ có những đô thị sầm uất giữa những cánh đồng lúa bạt ngàn cò bay thẳng cánh; đường sá sẽ được trải nhựa; nhà máy, xí nghiệp dày đặc trong các vùng nguyên liệu lúa gạo, đay, tràm; du khách khắp thế giới sẽ đến nườm nượp để tham quan vùng đất phèn ngập nước độc đáo của thế giới; tìm hiểu về tinh thần và ý chí tuyệt vời của người Việt trong việc chinh phục Đồng Tháp Mười”.

__________

Đón đọc số tới:

Nước mắt voi rừng

Những xung đột giữa voi và người diễn ra gay gắt. Trong khi cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng hướng giải quyết thì cuộc sống người dân bị xáo trộn, còn voi rừng ở tình trạng nguy hiểm...

Ông DƯƠNG QUỐC XUÂN(chủ tịch UBND tỉnh Long An)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên