06/12/2010 12:50 GMT+7

30 năm chinh phục Đồng Tháp Mười - Kỳ 3: Chuyện người khai phá

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Vượt hơn 100km đường dằn xóc chúng tôi mới tới nhà ông Nguyễn Văn Thành ở ấp Kinh Cũ, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng (Long An). Đây là một trong những xã xa nhất của tỉnh Long An, nằm ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.

5mCU6dzK.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Văn Thành đang làm đất chuẩn bị xuống giống cho mùa vụ mới - Ảnh: Vân Trường

Kỳ 1:Ký ức thời hoang dãKỳ 2: Hồi sinh vùng “đất chết”

Giữ đất

Ở tuốt vùng xa này nhưng nhà ông xài tivi màn hình tinh thể lỏng với dịch vụ truyền hình theo yêu cầu My TV của VNPT, chứ không phải sử dụng ăngten trời bình thường như những gia đình khác. Quanh nhà là bốn chiếc máy cày, ba máy gặt đập liên hợp, cả chục máy bơm nước và một lò sấy lúa công suất 10 tấn/ngày.

Hỏi có bao nhiêu đất, ông Thành cười hiền từ: “Có 60 ha thôi chú ơi. Ở đây có mấy người làm cả trăm hecta nữa kìa. Còn số người làm 20-30ha thì đếm không xuể đâu”.

Ông Thành leo lên chiếc máy cày nổ máy rồi nhấn ga chạy ra cánh đồng đầy nước sau nhà. Ông bảo đang làm đất gấp để chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân cho kịp lịch thời vụ. Giờ ông làm ruộng bằng máy hết, chỉ trừ lúc gieo sạ mà thôi.

Trên chiếc máy cày, ông Thành hồi tưởng chuyện khai hoang vùng đất này hơn 30 năm trước. Quê ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), nhưng năm 1976 ông Thành đã có mặt tại nơi này để lập nghiệp. Khi đó đất đai ở đây bạt ngàn nhưng chỉ toàn cỏ dại, rắn rùa, muỗi mòng. Vợ chồng ông kéo dây đo 100m bề ngang mặt kênh và bề sâu 1.000m ở khu đất gần nhà để đốt cỏ khai hoang.

Sau nhiều tháng miệt mài làm sạch cỏ, ông đem lúa giống rải xuống nhưng... lúa chết sạch, ông phải đào kênh dẫn nước vào để súc rửa phèn! Cực nhọc mấy năm thì lúa sống được nhưng không xanh tốt như bây giờ. Những vụ nào may mắn lắm thì kiếm được chừng 100 giạ/ha (2 tấn), nhưng chuyện mất mùa xảy ra thường xuyên hơn.

Năm 1978-1979 xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam. Pol Pot đưa quân tràn sang huyện Tân Hưng giết chóc, đốt phá nhà cửa buộc người dân phải bỏ xứ lánh nạn. Ông Thành tham gia bộ đội bám trụ chiến đấu và cuối cùng cũng đẩy lùi quân Pol Pot về bên kia biên giới.

Do đất đai nhiễm phèn nặng và tình hình không yên ổn nên rất nhiều người ra đi nhưng ông vẫm bám trụ. Ông tâm sự: “Vợ chồng tôi đã bỏ công sức và cả tính mạng để khai hoang nên bằng mọi giá phải ở lại để chờ ngày hái quả ngọt”.

Năm 1980 ông đưa ruộng đất vô hợp tác xã và được chia lại chỉ 2,1 ha. Đó cũng là diện tích đất mà gia đình ông sở hữu khi hợp tác xã giải tán năm 1987. Sau nhiều năm cải tạo, ruộng lúa của ông cho năng suất 4-5 tấn, rồi 6-7 tấn/ha. Ngoài ra ông còn sắm máy bơm nước, cày bừa thuê để tích lũy mua thêm mỗi năm 1-2 ha đất.

Đến nay ông Thành có được 60 ha ở nhiều xã trong huyện Tân Hưng. Hỏi giá trị đất ông nhẩm tính: “Trung bình đất ở đây 250 triệu đồng/ha, nên chỉ riêng đất của tôi có giá 15 tỉ đồng. Ngoài ra máy móc sản xuất nông nghiệp cũng cỡ vài tỉ nữa”.

Bắt sỏi đá phải thành cơm

Ở gần đường biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng (Long An), ông Nguyễn Văn Phi ở ấp Cả Trốt là người khá nổi tiếng. Câu chuyện chinh phục cánh đồng hoang Đồng Tháp Mười để làm giàu của ông Phi rất đáng nể. Năm 1991 vợ chồng ông Phi dắt theo người con trai vào vùng Khánh Hưng để vỡ đất khai hoang.

Ông kể: “Lúc đó vùng này không có bóng người. Đất đai xám xịt vì nhiễm phèn. Cỏ cao quá đầu người, đụng chỗ nào cũng thấy rắn hổ to bằng cổ tay con nít, thấy mà phát ngán”. Vợ chồng ông kiên trì nhổ từng cây tràm, đám cỏ, vỡ từng tấc đất để trồng lúa.

Rắn hổ quá nhiều nên vợ ông cầm cây đập vào cỏ tạo tiếng động để rắn bò đi nơi khác, còn ông Phi phát cỏ, đào đất. “Vậy mà nhiều lúc quơ cái phảng qua một cái nhìn lại thấy rắn đứt hai ba khúc lẫn với cỏ” - ông Phi nhớ lại. Phải mất năm năm ròng rã hai vợ chồng ông mới khai phá xong được khoảng 60% trong số 11 ha đất Nhà nước giao.

Đất đai bằng phẳng rồi ông đem lúa giống rải xuống, chỗ thì lúa sống được, chỗ chết trụi. Năm nào may mắn lắm thì làm được 2 vụ/năm, năng suất 1-2 tấn/ha. Bỏ biết bao nhiêu công sức, vốn liếng nhưng lúa thu hoạch bán không bao nhiêu làm vợ chồng ông nản chí, nhiều lần có ý định trở về quê.

Những lúc như thế ông động viên vợ con bằng câu nói của ông cha ngày trước: “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Rồi họ lại ra đồng cặm cụi đào kênh dẫn nước ngọt xả phèn cho đất. Rồi những năm sau năng suất lúa tăng lên 4-5 tấn/ha, có khi lên tới 7-10 tấn/ha.

Có tiền, ông mua thêm đất của những người bỏ của chạy lấy người vì không chịu nổi vùng đất khắc nghiệt này. Đến năm 2010 ông Phi đã sở hữu 40ha đất ở xã Khánh Hưng, có máy gặt đập liên hợp, máy cày.

Tổng giá trị tài sản của gia đình ông bây giờ gần chục tỉ đồng. Hiện vợ chồng ông tất bật chăm sóc lúa đông xuân xuống giống được hơn một tháng. “Vụ này hi vọng sẽ lời ít nhất 10-15 triệu đồng/ha” - ông Phi lạc quan.

Không thể chỉ thuần nông

“Sau hơn 30 năm miệt mài vỡ đất, con người đã chinh phục thành công vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười. Thế mạnh hiện nay của khu vực này là đất đai phì nhiêu, nước ngọt dồi dào, người dân có kinh nghiệm sản xuất.

Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần hoạt động về nông nghiệp thì người dân sẽ rất khó làm giàu. Diện tích canh tác ở Đồng Tháp Mười không thể mở rộng thêm, năng suất lao động cũng có giới hạn.

Trong khi sản xuất nông nghiệp vốn lệ thuộc thiên nhiên, chịu nhiều yếu tố rủi ro và ngày càng khó khăn hơn, nhất là khi phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu. Cần phải công nghiệp hóa trên cơ sở nông nghiệp, đầu tư khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp để làm cơ sở cho tiến trình công nghiệp hóa nông thôn.

Trong phát triển công nghiệp, nên ưu tiên những ngành sử dụng nguyên liệu từ nông nghiệp theo hướng làm tăng giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp (như sản xuất giấy từ gỗ tràm, đay...)”.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang (nguyên giám đốc Ty Nông nghiệp, nguyên giám đốc Sở KH-CN&MT Đồng Tháp)

______________________

Ba mươi năm trước, Đồng Tháp Mười được chinh phục thành công bởi sự “biết lắng nghe nhau” của những nhà quản lý, nhà khoa học và người dân. Đất phèn đã được xả rửa bằng chính mồ hôi, nước mắt và máu của thế hệ đi trước, còn bây giờ thách thức nào đang chờ phía tương lai?

Kỳ cuối: Thách thức của tương lai

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên