18/09/2010 21:54 GMT+7

30 năm ấy dài quá chừng...

NGUYỄN TRƯỜNG UY
NGUYỄN TRƯỜNG UY

TTO - “Về thăm quê náo nức bao nhiêu thì bây giờ trở lại Hà Lan lòng tôi nghĩ ngợi bấy nhiêu” - ông Hải, người đàn ông Việt Nam duy nhất trên chuyến bay đến đất nước Hà Lan xa xôi cùng chúng tôi, nói.

sN3bung0.jpgPhóng to
Xe bán chả giò hiếm hoi của người Việt ở ven đường tại Heerenveen - một thị trấn nhỏ của vùng Friesland phía bắc Hà Lan. Ông Lập - chủ quán - đã định cư ở đây 20 năm - Ảnh: N.T.U.

Ông Hải dáng người khắc khổ, lặng thinh suốt chuyến đi. Chỉ đến khi chúng tôi gợi chuyện, ông mới mở lời và nói về “một trời câu chuyện” như ông bảo. Ông mới về thăm quê nhà ở Sóc Trăng lần đầu tiên sau 30 năm xa xứ.

Ngày tạm biệt má ở Sóc Trăng để lên TP.HCM trở về Hà Lan, ông phải nói dối má là lên TP.HCM để chữa bệnh vài ngày. Từ TP.HCM, trước khi ra sân bay, ông gọi điện về chào má.

“Tôi không sao có thể đứng trước má nói ra lời chia tay được. Tôi biết cả má, cả tôi sẽ không sao giữ được nước mắt. Cả hai mẹ con đều không muốn xa nhau lần nữa”, ông nói như nghẹn.

Ông lại nhớ đến hôm từ Hà Lan về Việt Nam, về Sóc Trăng. Bao nhiêu năm xa cách, vậy mà giây phút trùng phùng người con trai dù đã sương gió nửa đời người ấy không đủ sức nhìn vào gương mặt nhăn nheo của má mình. Ông, người đàn ông rắn rỏi bao nhiêu ấy, vờ quay mặt đi chỗ khác để giấu giọt nước mắt cứ chực trào ra với niềm thương nhớ của người con xa xứ.

30 năm trước, ở tuổi thanh niên, ông đến Hà Lan, định cư tại một thị trấn nhỏ sát thành phố La Haye ở miền nam.

Không nghề nghiệp, ông bắt đầu đời "thợ đụng" trên xứ người, cái gì cũng làm, miễn chỉ kiếm được chút tiền để sống. Rồi chàng thanh niên ấy lấy vợ, rồi ba đứa con ra đời. “Có con có cái cho vui chứ không thì cô độc trên đất khách”.

Bây giờ nhìn lại, ông nói đó là cả một hành trình cực nhọc, chỉ đủ sinh nhai cũng đã là may mắn. Ông cúi đầu, mím môi nhìn lại: “Với tôi, bao nhiêu năm lập nghiệp ở xứ người là bấy nhiêu năm tưới mồ hôi lao động miệt mài quên ngày quên tháng”.

Cộng đồng người Việt ở Hà Lan có khoảng 19.000 người, sống rải rác ở khắp nơi. Ở những thành phố lớn như Amsterdam hay Rotterdam, hình như mỗi nơi chỉ có một quán ăn Việt mà cũng chủ yếu bán thức ăn Thái Lan và Trung Hoa. Các thành phố khác cũng vậy, tìm được một người Việt sao mà khó quá.

Đời sống bà con mình nơi đây xem ra cũng không khá giả như cộng đồng người Việt ở Mỹ, Úc... Ai cũng cắm đầu với công việc, tất bật suốt ngày. Ông Hải là một trong số đó.

Nhà ông lặng lẽ ở một khu ít người Việt sinh sống. Nhà này cách biệt nhà kia. Tính ông lại ít giao du. Ngày nào cũng như ngày nào, sáng ông đi làm ở hãng sản xuất ống điện nước, tối về mệt nhoài lủi thủi với vợ con.

Và lủi thủi với nỗi nhớ quê nhà, nhớ đến nhói lòng mỗi đêm. Nỗi nhớ như dòng suối ngầm, lặng lẽ cuộn chảy cả một thời tuổi trẻ với bao nhiêu mộng ước tuổi đôi mươi khi tìm đến xứ sở hoa tulip lập nghiệp đến hôm nay, khi tóc đã nhuốm bạc tuổi 50. Quá nửa đời người rồi còn gì...

“Mỗi tối, thường là giữa đêm, sau khi tạm xong mọi việc, tôi ngồi một mình, lắng lòng lại với quê nhà Sóc Trăng, không hiểu sao cứ như ẩn hiện trước mắt. Sống ở quê người mà lúc nào chân cũng nhấp nhổm như muốn ra mua vé máy bay về thăm nhà” - mắt ông Hải đỏ hoe.

Nhưng một mình làm thợ nuôi vợ và ba con, tiền làm ra chỉ đủ ăn lấy đâu tiền về thăm quê. Dành dụm qua năm tháng, mỗi lúc dư ra chút đỉnh ông lại để vợ về thăm quê trước, lòng nhủ lòng: mình phải về, phải về, nhất định sẽ về.

Song cuộc mưu sinh cứ cuốn đi khiến ngày trở về của ông cứ lần lữa, đến 30 năm dài.

Đến khi ông Hải đánh liều gác lại mọi chuyện để về thì ba ông không còn. Ông nheo mắt như kềm nén: “Má tôi nói nếu biết 30 năm tôi mới gặp lại như vậy thì hồi đó đã không cho tôi đi. Má nào có biết đó cũng là suy nghĩ của tôi...”.

Về, tận mắt thấy quê nhà thay đổi nhiều lắm. Cuộc sống bà con ở quê đã khá, ông Hải càng trăn trở về chuyện ra đi của mình hơn.

Con trai đầu của ông năm nay tốt nghiệp đại học, đang tìm việc làm. Nghe chúng tôi nói sẽ đến thăm trụ sở Hãng sữa FrieslandCampina tại thành phố Amersfoort, ông hỏi: “Hình như làm ở hãng đó thu nhập cao lắm hả?”; rồi tư lự: “Chỉ mong đời mấy đứa con khá hơn cha nó...”.

Ông bảo đừng ghi tên thật của ông lên báo, cứ gọi ông là Hải được rồi. Cũng đừng đăng kèm ảnh của ông. Ông lo bà con ở quê nhà sẽ buồn.

“30 năm mới về thăm quê là chuyện chẳng đặng đừng. Cả đời tôi lo cho tụi nhỏ, giờ tụi nhỏ đã lớn. Từ nay thu nhập đã khá hơn trước chút đỉnh, tôi sẽ về nhiều hơn. Việt Nam mình bây giờ sống khá lắm rồi, sướng lắm rồi - mắt ông lóe lên niềm vui - Mai này lo cho con xong xuôi vợ chồng tôi sẽ về luôn quê nhà, chứ ở xứ người làm gì”.

Ông nói như trút nỗi lòng. Chỉ mong ông không lỡ hẹn như 30 năm dài nhớ đau đáu quê nhà đã qua...

NGUYỄN TRƯỜNG UY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên