19/04/2019 12:21 GMT+7

30 doanh nghiệp quanh Notre Dame chưa dám mở cửa vì lo ngại

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) đã phủ bóng đen lên công việc làm ăn của khoảng 30 doanh nghiệp trong khu vực khi họ không thể mở cửa buôn bán do lo ngại nguy sơ sụp đổ từ nhà thờ.

30 doanh nghiệp quanh Notre Dame chưa dám mở cửa vì lo ngại - Ảnh 1.

Các chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris tập trung tại quán cà phê Quasimodo ở Paris - Ảnh: AP

Các nhà hàng, cửa hàng bán quà lưu niệm, tiệm hoa và chợ trong khu vực gần nhà thờ được biết đến như một "ngôi làng" đối với cư dân tại đây. Chủ của các doanh nghiệp này ngày 18-4 đã tập trung tại một quán cà phê để bàn về những ảnh hưởng từ thảm họa ngày 15-4.

Hãng tin AFP cho biết tất cả các doanh nghiệp này buộc phải đóng cửa kể từ khi đám cháy phá hủy một trong những di sản thế giới nổi tiếng nhất. Trong cuộc họp tại quán cà phê Quasimodo - đặt tên theo tiểu thuyết Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà của văn hào Victor Hugo - một số chủ doanh nghiệp lạc quan về cơ hội mở cửa lại hoạt động kinh doanh trong tương lai gần.

Cảnh sát chỉ cho phép cư dân và các chủ doanh nghiệp lên đảo Ile de la Cite trên dòng sông Seine. Đây là nơi Nhà thờ Đức Bà Paris tọa lạc.

"Chúng tôi thường đón nhiều du khách, hơn 500 người một ngày nhưng bây giờ chẳng có ai. Chúng tôi thậm chí không thể đến và tưới hoa của chúng tôi" - Virginie Aranda, chủ một quầy hoa trên đảo, cho biết.

Bà Aranda và những người trong cuộc họp nói rằng việc mở rộng vành đai an ninh trong khi kiểm tra độ an toàn tại Nhà thờ Đức Bà Paris có thể khiến họ chịu tổn thất lớn.

"Chúng tôi đang đứng trước nguy cơ mất đi mọi thứ" - Betty Toullier, chủ một cửa hàng hoa khác trên đảo, chia sẻ.

Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Nhà thờ Đức Bà, ông Patrice Le Jeune thông tin lại sau cuộc họp giữa ông và các quan chức thành phố rằng các con đường trên đảo có thể sẽ đóng cửa trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng.

Các doanh nghiệp hi vọng rằng chính sách bảo hộ sẽ giúp họ bù đắp chi phí lợi nhuận và hàng hóa bao gồm hoa héo, thực phẩm hư tại các cửa hàng.

Tuy nhiên đến nay cơ quan chức năng Pháp vẫn không tuyên bố khu vực này là vùng thảm họa. Điều này có nghĩa là chính sách bảo hộ sẽ không được kích hoạt và các chủ doanh nghiệp cũng không thể nộp đơn xin hỗ trợ lên chính quyền thành phố cho những nhân viên buộc phải nghỉ làm của họ.

Ông Le Jeune cho biết ông sẽ sớm gặp người chịu trách nhiệm mảng du lịch trong chính quyền của thị trưởng Paris Anne Hidalgo để kêu gọi ngừng các chính sách về thuế và thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên nếu việc đóng cửa kéo dài, các doanh nghiệp trên đảo Ile de la Cite sẽ không thể chịu nổi tiền thuê nhà, tiền lương nhân viên và các khoản vay.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên