Phóng to |
Ông Trần Quang Vũ - Ảnh: C.V.Kình |
- Có thể mọi người nghĩ rằng Vinashin là con tàu sắp đắm. Tuy nhiên, tôi đã có hơn một năm làm ở tập đoàn, tôi vẫn cho rằng bên cạnh khó khăn mà báo chí đã nêu thì tập đoàn cũng đã làm được nhiều việc lớn. Khi chưa có Vinashin, không ai biết VN có thể đóng tàu. Và chúng ta chỉ đóng được những con tàu nhỏ bé, khoảng 3.000 tấn, đăng kiểm quốc tế họ không công nhận. Giờ VN đã đóng được tàu 53.000 tấn, kho nổi 150.000 tấn, tàu chở ôtô... Về mặt kỹ thuật, trình độ công nhân của tập đoàn phát triển rất tốt. Tất nhiên, với tình trạng tài chính của Vinashin hiện nay, thách thức sắp tới sẽ rất lớn.
“200 công ty con cháu là quá nhiều”
* Theo ông, nguyên nhân nào khiến Vinashin gặp cảnh khó khăn như hiện nay và trách nhiệm của lãnh đạo tập đoàn như thế nào?
"Sẽ phải giải quyết triệt để những dự án lớn nhưng không ra sản phẩm để tập trung cho lĩnh vực chính" |
- Nhìn chung, Vinashin gặp khó khăn vì đã phát triển quá nóng và quản lý còn hạn chế. Đúng là nếu chúng tôi tập trung đầu tư trọng điểm thì sẽ không có khó khăn lớn như ngày hôm nay. Có nhiều dự án quy mô khổng lồ, đầu tư rất nhiều tiền, tiền đó Vinashin phải chịu lãi vay, phải nuôi bộ máy trong khi dự án chưa tạo ra sản phẩm. Đóng một con tàu, nếu tổ chức khoa học, cung ứng vật liệu tốt, hoàn thành đúng hạn chúng tôi có thể lãi 5-7 triệu USD. Nhưng chậm tiến độ là có thể lỗ 5-7 triệu USD.
Chúng tôi có khoảng 200 công ty con cháu là quá nhiều. Chúng tôi đã kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc. Từ chủ tịch HĐQT, các ủy viên HĐQT, tổng giám đốc đều phải kiểm điểm cả trách nhiệm cá nhân và tập thể để báo cáo Thủ tướng. Khó khăn đúng là có do khủng hoảng nhưng chủ quan cũng chiếm phần lớn. Ngoài lý do chủ quan, chúng tôi cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình.
* Thủ tướng ra quyết định tái cơ cấu Vinashin, theo ông, đây là một cơ hội hay một mất mát cho Vinashin?
- Chúng tôi cho rằng việc tái cơ cấu này xét về lợi ích chung của đất nước thì rất lợi. Chúng tôi có nhiều đất đai, nhiều dự án dở dang. Đó cũng là tài sản nhà nước. Nếu chờ tình hình tốt trở lại Vinashin tiếp tục đầu tư thì mất rất nhiều thời gian và lãng phí.
Trong khi đó, nhiều đơn vị có khả năng tài chính có thể làm tốt hơn trong thời điểm hiện nay. Tôi cho rằng tái cơ cấu là cần thiết, ở thời điểm hiện nay nó cũng giảm bớt cho chúng tôi nhiều khó khăn và áp lực. Quyết định tái cơ cấu, Vinashin được một số cái lợi nhưng nếu tính căn cơ từng dự án thì cũng có một số thiệt hại.
Cân bằng tài chính dần dần
* Vinashin chuyển doanh nghiệp, dự án đi thì các đơn vị nhận sẽ phải chuyển lại cho Vinashin vốn. Sắp tới Vinashin sẽ nhận được khoảng bao nhiêu?
- Vinashin chỉ chuyển đi 15-18% tổng tài sản, đa số là dự án dở dang và ngành nghề không phải kinh doanh chính. Số lượng cán bộ phải đi là 7.000-8.000 trên tổng số 55.000 người. Chúng tôi chuyển doanh nghiệp, dự án đi theo quyết định của Thủ tướng, đúng là các đơn vị nhận sẽ phải chuyển lại cho Vinashin vốn.
Nhưng nguyên tắc rất sòng phẳng, những cái gì Vinashin đã tạo nên, mọi khoản vay tại các doanh nghiệp mà Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải sắp nhận thì họ sẽ kế thừa, xử lý. Những gì chúng tôi đã bỏ tiền vào thì các đơn vị tiếp nhận sẽ chuyển trả lại. Nghĩa là chúng tôi đã bỏ vào bao nhiêu thì chỉ lấy lại bấy nhiêu.
* Sau khi tái cơ cấu, khoản nợ còn lại của Vinashin là bao nhiêu và khả năng trả nợ thế nào?
- Hiện chúng tôi chưa tính toán và có số liệu cụ thể nhưng nợ hiện nay ước khoảng 90.000 tỉ đồng. Nhưng tài sản của chúng tôi còn rất nhiều, có nhiều tàu đóng dở dang, chỉ cần đầu tư tiếp là có thể thu hồi vốn. Hiện Vinashin vẫn đang trả nợ quốc tế đều, đúng hạn và sẽ tiếp tục như vậy.
Với cân đối tài chính sau tái cơ cấu, tôi cho rằng Vinashin sẽ có thêm nguồn tài chính quan trọng, trước mắt cần tập trung nguồn vốn thu được trong quá trình chuyển giao doanh nghiệp, dự án là phải ưu tiên giải quyết đời sống cho cán bộ công nhân viên để giữ lực lượng. Thứ hai là phát triển sản xuất để có nguồn thu, sau đó sẽ giải quyết công nợ với các đơn vị và tổ chức tài chính. Dần dần chúng tôi sẽ lấy lại cân bằng tài chính cho Vinashin.
Sẽ rõ ràng, minh bạch
* Sau khi tái cơ cấu, những định hướng sắp tới của Vinashin thế nào để vượt qua khó khăn và hoạt động hiệu quả?
- Vấn đề của Vinashin không chỉ có tiền mà là chiến lược thế nào để đồng tiền phát huy hiệu quả. Chúng tôi cần lược bỏ tất cả những lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành nghề chính khi chưa đủ lực về tài chính và con người. Ngay tại thời điểm này, tôi đã đề ra kế hoạch ngắn hạn cho mình và việc phải làm ngay là giải thích, nói rõ cho cán bộ công nhân viên biết những vấn đề của tập đoàn, động viên để họ vững tâm. Chúng tôi phải lấy lại niềm tin của họ để bắt đầu giai đoạn mới.
Bên cạnh đó là chiến lược cả gói. Chúng ta không thể lấy bình bọt đi chữa cháy khắp nơi vì chữa nơi này sẽ cháy nơi khác. Sẽ phải giải quyết triệt để những dự án lớn nhưng không ra sản phẩm để tập trung cho lĩnh vực chính.
Ngoài những công ty, dự án sẽ chuyển giao, các dự án đầu tư ngoài ngành khác sẽ được tiếp tục cơ cấu, chúng tôi sẽ bán dần để tập trung vào đóng tàu và Vinashin sẽ chỉ tập trung vào đóng tàu, chế tạo thiết bị liên quan đến đóng tàu. Ngoài ra, ở Vinashin, tôi không hiểu sau tái cơ cấu nếu không công khai, minh bạch thì tập đoàn sẽ đi đến đâu. Chúng tôi tiếp tục bước đi công khai, minh bạch mọi hoạt động của tập đoàn.
* Vinashin vẫn được cấp thêm vốn, sắp tới sẽ phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu nữa, vậy theo ông, bao giờ Vinashin sẽ ra khỏi khó khăn và ông có cam kết gì?
- Bổ sung vốn cho Vinashin là theo kế hoạch, không phải do tái cơ cấu. Kế hoạch phát hành trái phiếu chúng tôi phải tính toán kỹ, nếu hiệu quả mới phát hành, không thì thôi vì Vinashin phải tập trung sản xuất để trả nợ. Cả tập đoàn sẽ phải cố gắng vượt khó và theo đánh giá của chúng tôi, khoảng ba năm sau Vinashin sẽ hết khó khăn, lấy lại được cân bằng. Năm năm sau chúng tôi sẽ lấy lại được tên tuổi.
Tin bài liên quan:
Vinashin nợ hơn 80.000 tỉ đồngVinashin vẫn phải trả khoản nợ nước ngoài
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận