11/09/2004 13:00 GMT+7

3 năm sau sự kiện 11-9

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTCN - Từ Mỹ... Theo chúng tôi hay theo khủng bố “Hôm nay, lối sống của chúng ta (nguyên văn: our way of life), nền tự do tối thượng của chúng ta bị tấn công bởi một loạt hành động khủng bố sát nhân cố ý...

i1mkzNsV.jpgPhóng to
Chôn cất những nạn nhân trẻ em của vụ khủng bố tại Beslan, Nga

Hoa Kỳ trở thành mục tiêu tấn công chính vì chúng ta là ngọn đèn biểu trưng sáng chói nhất của tự do và vận hội trên thế giới này. Song chẳng ai có thể ngăn không cho ngọn đèn đó thắp sáng”.

20g30 ngày 11-9-2001, Tổng thống Bush đã lý giải như trên về những lý do của cuộc tấn công khủng bố tàn bạo vừa giáng xuống nước Mỹ.

Ông còn nêu ra một số lý do khác. Thế nhưng, trước những cụm từ thuộc ngôi thứ nhất số nhiều như “lối sống của chúng ta”, “nền tự do tối thượng của chúng ta” (tức Hoa Kỳ), bất cứ ai không phải là người Mỹ, tuy chia sẻ những mất mát của nhân dân Mỹ cũng không thể không đặt câu hỏi: Liệu ông Bush khi nói thế đã chẩn đoán đúng và đủ các nguyên nhân của hành động khủng bố chưa từng thấy này hay chưa?

10g30 sáng hôm sau, 12-9-2001, ông đọc bài diễn văn mới trong đó có đoạn: “Kẻ thù này không chỉ tấn công nhân dân chúng ta, mà cả những ai yêu chuộng tự do tại khắp nơi trên thế giới... Chúng ta sẽ tập hợp thế giới. Các quốc gia yêu chuộng tự do trên thế giới sát cánh với chúng ta”. Chỉ một đêm, từ khái niệm “chúng ta” chật hẹp mang ý nghĩa “Hoa Kỳ mà thôi”, ông đã chuyển sang khái niệm “thế giới”.

9 giờ sáng 15-9-2001, trong bài diễn văn then chốt trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, ông đã chính thức đặt vấn đề với thế giới: “Mọi quốc gia, mọi khu vực giờ đây đều phải quyết định. Hoặc quí vị theo chúng tôi, hoặc quí vị theo khủng bố. Từ ngày hôm nay trở đi bất cứ quốc gia nào tiếp tục chứa chấp hay hỗ trợ khủng bố sẽ bị Hoa Kỳ xem như là một chế độ đối nghịch”. Bằng phát biểu kiểu nhị nguyên này, Bush đã chia thế giới thành hai phe: theo Mỹ hoặc chống Mỹ. Yêu cầu “hoặc... hoặc...” của Bush là phi lý do lẽ nếu đúng như lời ông Bush, lối sống của Hoa Kỳ, nền tự do của Hoa Kỳ đã là mục tiêu tấn công thì không nhất thiết lối sống của Hoa Kỳ cũng như nền tư do của Hoa Kỳ phải là lối sống và nền tự do của mỗi nước khác.

Nhà nghiên cứu Hoa Kỳ John Gershman viết trên Foreign Policy in Focus, chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại, tháng 9 -2004: “Cuộc chiến chống khủng bố của chính quyền Bush phản ánh thất bại nặng nề trong công việc lãnh đạo, và càng làm dân chúng Mỹ dễ trở thành nạn nhân hơn là được an toàn hơn. Chính quyền đã chọn con đường chống khủng bố làm suy yếu các định chế đa phương và phung phí thiện chí quốc tế. Ông Bush không chỉ thất bại trong việc tái thiết Afghanistan một cách hiệu quả, mà cuộc chiến tranh và chiếm đóng Iraq đã khiến Hoa Kỳ trở nên dễ bị tấn công hơn, tạo ra một mặt trận mới và một công cụ tuyển mộ khủng bố, trong khi đó lại làm sứt mẻ đi mọi tài nguyên cần thiết cho các nỗ lực an ninh nội địa”.

John Gershman đã vạch ra sáu sai lầm của ông Bush, trong đó có việc “không nhắm vào nguồn gốc của nạn khủng bố quốc tế và các bối cảnh xã hội chính trị... cũng như cách thức mà sự nghèo khó và bất công có thể tạo điều kiện cho các khủng bố”.

Địa ngục là kẻ khác, ở nơi khác

UwL1t95B.jpgPhóng to
Stephen E. Flynn, trong bài viết “Mặt trận quốc nội bị lơ là” trên chuyên san Foreign Affairs, của Hoa Kỳ, số tháng 9 và 10-2004 đã nhận xét về chọn lựa chống khủng bố của chính quyền Bush, qua đó giải thích tại sao chính quyền Bush lại hăng say chọn những mục tiêu ở nước ngoài: “Ngày 4-7-2004, Tổng thống Bush phát biểu: Chúng ta sẽ giao chiến với kẻ thù ở các nước đó (Iraq và Afghanistan) và trên khắp thế giới, sao cho chúng ta đừng phải đối diện kẻ thù trong nội địa”.

Nói cách khác, nếu như chủ nghĩa khủng bố quốc tế gieo rắc khủng bố (không hẳn là khắp nơi), thì Hoa Kỳ cũng lan truyền và gieo rắc chống khủng bố khắp nơi qua phương châm “giao chiến với kẻ thù... trên khắp thế giới” căn cứ vào “luật chơi” được ông Bush đề ra tối 15-9-2001: “Hoặc theo chúng tôi, hoặc theo khủng bố”.

Đến Nga“Lỗi tại ta”

Cũng trong ba năm qua, nước Nga đã trải qua không ít vụ khủng bố giết người hàng loạt mà tính cách tàn nhẫn có phần kinh hãi hơn: bắt, cầm giữ trong kinh hoàng, và sát hại con tin, kể cả trẻ em! Đó cũng là một cuộc chiến do khủng bố quốc tế gây ra. Thành phần nhóm khủng bố bị bắt ở Beslan cho thấy đây là một hỗn hợp màu da. Tổng thống Putin đã nhận xét như sau về tính quốc tế của nạn khủng bố ở Nga: “Chúng ta đang phải đối mặt không chỉ các hành động rải rác, các tên khủng bố lẻ tẻ, mà là cả một sự can thiệp của chủ nghĩa khủng bố quốc tế chống lại Nga, trong một cuộc chiến toàn diện, tàn nhẫn và qui mô lớn” (Le Monde, 6-9-2004).

Thế nhưng, ông Putin lại có một cách tiếp cận vấn đề khác ông Bush. Nếu như mãi đến khi “Ủy ban 11-9” công bố bản điều tra về những sai sót trong công tác an ninh nội địa, ông Bush mới chịu nhìn vào thực tế và nay đang tìm cách sửa sai bằng ý định cải tổ bộ máy an ninh, thì ông Putin đã thẳng thắn nhìn ngay vào sự thật: “Chúng ta sống trong một đất nước mà các xung đột nội bộ và bất đồng giữa các chủng tộc ngày càng nghiêm trọng hơn. Trước kia, những bất đồng này bị trừng trị bởi ý thức hệ thống trị. Chúng ta đã thôi để ý đến vấn đề này và để cho tham nhũng len lỏi đến các hệ thống an ninh và tư pháp”.

Phải nhìn nhận rằng chúng ta đã không hiểu được rằng những diễn biến trong đất nước chúng ta và trên thế giới phức tạp, nguy hiểm đến đâu. Lẽ ra chúng ta đã có thể phản ứng hiệu quả hơn nếu như chúng ta hành động đúng lúc và một cách chuyên nghiệp. Chúng ta đã không phản ứng một cách thích hợp. Chúng ta đã tỏ ra yếu ớt. Và kẻ nào yếu thì bị đánh. Chúng ta không thể cứ vô tư như trước được nữa” (trích bài phát biểu của Tổng thống Putin ngày 4-9-2004 đăng trên Pravda).

Vô tư hay vô tâm?

Nhật báo Izvestia số thứ bảy 4-9-2004 đã đăng một bài bình luận “bốc lửa” của Irina Petrovskaia, chỉ trích kịch liệt thái độ vô tâm/ vô tư này: hai đài truyền hình nhà nước Pervy Kanal và Rossia vào lúc cuộc chiếm đóng ngôi trường ở Beslan diễn ra, 13 giờ trưa thứ sáu 3-9-2004, vẫn cứ tiếp tục chương trình của mình, đài này chiếu phim, đài kia chiếu phim tài liệu, trong khi các đài CNN, BBC và Euronews đã nhanh chóng ngưng chương trình thường lệ để chuyển qua truyền hình trực tiếp từ Beslan.

aVoeiX62.jpgPhóng to
Đến 14 giờ, Đài Pervy Kanal mới dành cho sự kiện này được 10 phút, sau đó lại tiếp tục phát bộ phim truyện nhiều tập Những người phụ nữ đang yêu! Đài Rossia, sau khi dành cho sự kiện Beslan được đúng một giờ, đã lại tiếp tục chương trình chiếu phim gián điệp Nhà nguyện đỏ. Đài tư nhân NTV thì đã lên sóng trực tiếp ngay từ lúc 13 giờ, đến khi các vụ nổ bắt đầu, đài này ngưng phát trực tiếp.

Đặc phái viên Vadim Fefilov chỉ biết nói với: “Tôi không bình luận được các hoạt động quân sự đang diễn ra”. Oleg Pafilov, một phụ trách báo chí, thừa nhận: “Cách duy nhất để hiểu việc gì đang diễn ra là nghe đài Tiếng vọng Matxcơva hoặc vô Internet. Chúng tôi chịu không hoàn thành được trách nhiệm”.

Irina Petrovskaia kết thúc bài bình luận “cay xè” của mình bằng nhận xét chua chát sau: “Để kết thúc vụ này, chúng ta sẽ khóc rồi sẽ lại tiếp tục sống trong một bầu không khí an bình, ổn định, quần chúng hậu thuẫn, cho đến khi nổ ra một vụ khủng bố khác” (nguồn: Le Monde 6-9-2004).

Có lẽ không thừa khi nhắc lại nhận xét thành thật của Tổng thống Putin: “Chúng ta không thể cứ vô tư như trước được nữa”.

Đứng ở đâu?

Chống khủng bố là nghĩa vụ tất nhiên của mọi thành viên cộng đồng quốc tế. Song, vấn đề là chống khủng bố vì ai trước hết? Câu trả lời duy nhất phải là: vì ta trước hết. Khủng bố là một nạn dịch có xu hướng thống trị toàn cầu, nhất là khi nó mang màu sắc tôn giáo cực đoan. Ngược lại, cũng đang có những sức ép liên minh chống khủng bố như yêu cầu gửi quân tham gia, yêu cầu cho máy bay quân sự bay qua không phận...

Vấn đề là cần tỉnh táo thấy rằng kẻ thù của A có thể cũng là kẻ thù của B, C hay D, song không có nghĩa cũng sẽ là kẻ thù của... E đến Z. Nữ Tổng thống Philippines Arroyo đã chịu nhịn nhục gửi quân sang Iraq “vác tù và hàng tổng” để được “yên ổn” ra tranh cử tổng thống và đắc cử, và sau vụ công dân nước mình bị bắt làm con tin ở Iraq đã khôn khéo xoa tay giũ nợ, bảo vệ được công dân của mình và tìm lại vị trí trung lập: “Chúng tôi rút quân khỏi Iraq. Làm ơn thông cảm vì Philippines có 1,5 triệu người lao động đang kiếm sống ở Trung Đông”.

Ba năm sau vụ 11-9, hoạt động chống khủng bố sôi nổi hơn bao giờ hết. Song cũng có thể thấy mỗi nước cũng đã tự xác định xem nguy cơ khủng bố đất nước mình đến từ đâu để ngăn chặn cho bản thân mình trước hết. Nếu rủi như có hoạt động khủng bố nào “dính” qua lãnh thổ mình, thì là chuyện “vạn đại bất đắc dĩ”, chứ chẳng mấy nước khơi khơi a dua theo đặng khi không gây thù chuốc oán một cách vô cớ.

Một nguy cơ khác là nguy cơ “cháy từ bên trong”. Những gì xảy ra ở Indonesia, Nam Tư cũ, ngày nay ở Caucase, cho thấy luôn có những âm mưu “chia năm xẻ bảy” những nước đang là hay có tiềm năng là một thế lực... Bất cứ một sơ sẩy nào trong các vấn đề nội bộ cũng có thể bị lợi dụng. Như vụ Chechnya. Tổng thống Putin đã vạch ra rất rõ: “Một số kẻ muốn tước của chúng ta một miếng rõ to. Có ngay những kẻ giúp đỡ chúng. Họ giúp đỡ bởi vì họ vẫn còn xem nước Nga, một cường quốc hạt nhân, như là một đe dọa đối với họ. Và thế là mối đe dọa đó phải bị loại bỏ...”.

Ba năm sau sự kiện 11-9, vấn đề của mỗi nước là đứng ở đâu và đừng để cho bên ngoài có cớ nhảy vào.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên