03/06/2015 09:48 GMT+7

3 năm chỉ 71 trường hợp oan sai là không thực tế

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Oan sai và bồi thường oan sai một lần nữa làm nóng hội nghị trực tuyến “Tăng cường giải pháp phòng chống oan sai và đảm bảo bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự”.

Anh Khâu Sóc, một trong 7 người bị oan sai trong vụ án nhận tiền bồi thường - Ảnh: Tịnh Ngọc

Hội nghị do Viện KSND tối cao tổ chức sáng 2-6.

“Oan sai trong hình sự để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều trường hợp không khắc phục được hậu quả vì người ta đã bị tuyên tử hình. Vì vậy, hạn chế và tiến tới hủy bỏ oan sai là nhiệm vụ rất quan trọng” - Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Doãn Khánh nhấn mạnh.

Dẫn hai vụ án có bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) và vụ bảy thanh niên bị oan ở Sóc Trăng, ông Vũ Đăng Khoa, cục trưởng Cục điều tra Viện KSND tối cao, cho rằng hai kiểm sát viên trong hai vụ án nêu trên đã bị khởi tố “là bài học đau đớn cảnh tỉnh cho các kiểm sát viên và cho toàn ngành kiểm sát”.

Báo cáo kết quả giám sát oan sai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy trong ba năm, cả nước có 71 trường hợp bị hàm oan, trong đó có 27 trường hợp oan sai thuộc trách nhiệm của viện kiểm sát.

Tuy nhiên tại hội nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho biết con số đó chưa phản ánh đúng thực tế.

Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong thừa nhận nhiều vụ án oan sai do viện kiểm sát chủ động phối hợp không tốt, kiểm sát viên chưa làm đủ trách nhiệm, không kiểm soát chặt chẽ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nhiều trường hợp còn lúng túng trong tranh tụng, không nghiên cứu hồ sơ, không cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, ông Phong cho biết các trường hợp oan sai thuộc trách nhiệm của viện kiểm sát thì viện kiểm sát sẽ tiến hành bồi thường vì “đã thò bút phê chuẩn thì phải bồi thường”.

* Đại biểu Quốc hội, trung tướng Trần Văn Độ - nguyên phó chánh án TAND tối cao, chánh án Tòa quân sự trung ương:

Có vụ án dùng bức cung nhục hình mà hồ sơ rất đẹp

Luật bồi thường nhà nước đã quy định cơ quan nào ra phán quyết cuối cùng mà xảy ra oan sai thì cơ quan đó chịu trách nhiệm.

Còn trách nhiệm về chính trị, trách nhiệm về nghề nghiệp thì không đơn thuần là cơ quan ra phán quyết cuối cùng mà tất cả những người tham gia tố tụng đều phải chịu trách nhiệm: điều tra, kiểm sát, tòa án.

Đặc biệt trong cơ chế tố tụng thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa dựa vào hồ sơ do cơ quan công an lập thì rõ ràng tác động từ hồ sơ vụ án là rất lớn. Đặc biệt có những vụ án dùng bức cung nhục hình mà hồ sơ vụ án rất đẹp, ra tòa bị cáo vẫn nhận tội.

Cho nên cũng phải thông cảm với rất nhiều thẩm phán. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa anh làm oan thì không phải chịu trách nhiệm. Ở góc độ nào đó có xem xét nhưng phải chịu trách nhiệm. 

VIỄN SỰ ghi

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên