28/12/2015 10:43 GMT+7

3 chia sẻ quý gửi cha mẹ có con tuổi "bất trị"

NGUYỄN VĂN CÔNG
NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - "Ở độ tuổi mà người ta thường gọi là “khủng hoảng”, là “bất trị”, các em có sự khác biệt, do vậy phải tùy vào diễn biến tâm lý để có biện pháp tác động phù hợp".

Hai bức thư tuyệt mệnh của nữ sinh ở Bình Phước viết gửi bố mẹ được tìm thấy trong balô  - Ảnh: Hoài Phương

Trên đây là đúc kết của bạn đọc Nguyễn Văn Công - giảng viên tâm lý học Trường đại học Nguyễn Huệ (Đồng Nai) - gởi đến Tuổi Trẻ Online chia sẻ sau cái chết thương tâm của Nữ sinh nhảy hồ tự tử vì “không đạt ước mơ bố mẹ”.

Để góp thêm một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết này: 

"Vụ việc nữ sinh 16 tuổi ở Bình Phước đang học lớp 11 nhảy xuống hồ Phước Hòa tự tử, để lại thư tuyệt mệnh với lý do “vì không hoàn thành được ước mơ… của bố mẹ”, một lần nữa khiến người lớn chúng ta phải suy nghĩ. 

"Luôn hiểu năng lực của con mình đến đâu để từ đó từng bước tư vấn, định hướng cho con trong các mục tiêu của cuộc đời. Đừng bao giờ kỳ vọng một cách mù quáng, thiếu thực tế. Đừng nghĩ rằng con cái phải trở thành người thế này, người thế kia, là công an, bác sĩ… thậm chí con mình sau này là một người thợ hồ, một công nhân bình thường cũng có sao đâu"
Nguyễn Văn Công - giảng viên tâm lý học Trường ĐH Nguyễn Huệ

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Phải chăng quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày nay càng lỏng lẻo? Người lớn thì không hiểu trẻ, còn trẻ chẳng bao giờ dám chia sẻ với cha mẹ? Cha mẹ của nữ sinh này có lỗi không? Nền giáo dục có vô can được trong chuyện này?...  

Có lẽ đây là giọt nước làm tràn ly để người lớn cần phải được trang bị kiến thức và kỹ năng trong quan hệ với con trẻ, nhất là tuổi thiếu niên cũng như giai đoạn đầu của của thanh niên. 

Theo tôi, có những vấn đề sau đây các phụ huynh cần lưu ý:

1 - Nắm vững đời sống tâm lý

Hiện nay, một số phụ huynh không hiểu biết được những diễn biến tâm lý của thiếu niên, độ tuổi mà người ta thường gọi là “khủng hoảng”, là “bất trị”. Vì vậy, nhất thiết người lớn cần hiểu rõ đặc điểm về tâm sinh lý của trẻ. Tuổi thiếu niên thường được xác định từ 11-16 tuổi, sự phát triển mạnh mẽ về cơ thể, nhất là chiều cao và những biến đổi giới tính.

Đặc biệt giao tiếp là hoạt động chủ đạo, cùng với những biến đổi tâm lý mạnh mẽ dẫn đến nhu cầu giao tiếp, chia sẻ của trẻ rất lớn. Độ tuổi này trẻ thường xuyên xuất hiện những mâu thuẫn, muốn khẳng định mình nhưng khả năng lại có hạn, muốn được người lớn tôn trọng nhưng luôn lại bị coi là trẻ con, muốn được tò mò, khám phá thì người lớn lại cấm đoán…

Do vậy cha mẹ phải thường xuyên nắm vững những diễn biến tâm lý trong đời sống tâm hồn của trẻ, thử xem các em đang cần những nhu cầu gì? Tại sao khi được đáp ứng các em lại không cảm thấy thỏa mãn mà lại đòi hỏi? Vì sao hằng ngày các em biểu hiện bình thường nhưng thiếu niềm tin với những người thân?...

Nếu như cha mẹ chú ý đến các hành vi của con, của những người bạn mà con thường giao lưu, hoặc những cử chỉ, động tác của trẻ hằng ngày thì người lớn sẽ hiểu được và có thể tìm cách tháo gỡ. Độ tuổi thiếu niên cũng diễn ra có sự khác biệt, có em kéo dài đến 16, 17, có em phát triển sớm trong giai đoạn 9, 10 tuổi…do vậy phải tùy vào diễn biến tâm lý để có biện pháp tác động phù hợp.

2- Điều chỉnh cảm xúc                        

Nếu như cảm xúc tiêu cực quá mạnh, kéo dài thì càng nguy hiểm cho trẻ, coi đó là điều không thể chịu nổi của tuổi thiếu niên.

Người lớn nắm vững được quy luật này thì họ sẽ không can thiệp thô bạo mà là điểm tựa tinh thần cho những cảm xúc tích cực phát triển.

Tất cả những can thiệp thô bạo của người lớn đều là cho trẻ cảm thấy mình bị chế giễu, xúc phạm và đương nhiên là hậu quả khó lường.

Đặc biệt, mong muốn của trẻ cũng như kỳ vọng, lý tưởng, hoài bão của trẻ thường phát triển mạnh mẽ, song ở độ tuổi này thường khó biểu hiện. Không ít gia đình, cha mẹ thì luôn kỳ vọng vào con cái, thậm chí sự kỳ vọng thái quá lại trở thành áp lực khi chính bản thân các em không có khả năng đạt được.

Trở lại vụ tự tử ở Bình Phước vừa qua cho thấy em chỉ là học sinh trung bình, bản thân em luôn muốn trở thành công an, bác sĩ nhưng chính bản thân em nhận thấy đó là việc quá sức, và sự kỳ vọng của gia đình quá lớn lại càng tạo ra áp lực cho chính bản thân em.

Hơn nữa, cảm xúc phát triển mạnh lấn át kinh nghiệm và kỹ năng ở tuổi 16, các em không được sự hỗ trợ, thiếu điểm tựa của người lớn và kết cục là hành vi tự tử. 

3- Thật sự là điểm tựa vững chắc

Hơn bao giờ hết, cha mẹ phải thật sự là những người luôn đồng hành cùng trẻ, nhất là giai đoạn cuối của thiếu niên, đầu của sự trưởng thành. Do vậy, người lớn cần có những cách ứng xử phù hợp, thường là chia sẻ, động viên, khen ngợi, thuyết phục, cùng trẻ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Luôn hiểu năng lực của con mình đến đâu để từ đó từng bước tư vấn, định hướng cho con trong các mục tiêu của cuộc đời. Đừng bao giờ kỳ vọng một cách mù quáng, thiếu thực tế. Đừng nghĩ rằng con cái phải trở thành người thế này, người thế kia, là công an, bác sĩ… thậm chí con mình sau này là một người thợ hồ, một công nhân bình thường cũng có sao đâu.

Có thể nói, tuổi vị thành niên tuy không quá dài nhưng lại diễn biến phức tạp. Những bế tắc được giải tỏa khi người lớn là điểm tựa tinh thần để hiểu, để biết, để điều chỉnh và ứng xử phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi".

NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên