![]() |
Chiếc xe bị nạn dưới vực sâu - Ảnh Ngọc Như |
Chiếc ôtô BKS 29N-6472 đã lao xuống vực sâu gần 80m...
Tin dữ được cấp báo về UBND xã Đăk Man và UBND huyện Đăk Glei. Hơn 30 phút sau khi tai nạn xảy ra, y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei và nhiều cán bộ của các cơ quan trong huyện cùng 13 công nhân của Đội truyền tải điện Đăk Glei đã khẩn trương triển khai các biện pháp cứu hộ. Ông Nguyễn Ba (trưởng Phòng tổ chức - lao động huyện) và anh Phạm Tuấn Linh (lái xe đội truyền tải điện) là những người có mặt đầu tiên tại hiện trường, cho biết do dốc đứng, hiểm trở nên khi mọi người tìm cách xuống đáy vực mới phát hiện trong xe có 29 người chết tại chỗ trong số 33 người trên xe (trong đó có một cháu gái khoảng 13-14 tuổi). Bốn người (hai đàn bà và hai đàn ông) bị thương nặng.
|
Cả bốn người được ưu tiên đưa trước về cấp cứu tại TTYT huyện, nhưng trên đường đi hai người đã chết. Lực lượng cứu hộ đã đập phá cửa xe lần lượt khiêng từng thi thể lên mặt đường cao 80m. Do địa hình hiểm trở nên thời gian khiêng các nạn nhân kéo dài từ khoảng 8g40 đến 15g30.
Được biết đến 19g15, hai nạn nhân còn hôn mê sâu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kontum, một người tên Đỗ Đình Vạn (khoảng 65 tuổi, là cựu chiến binh) và anh Nguyên (trạc 35-37 tuổi) được xác định ban đầu là tài xế hoặc lái phụ.
Trước đó, một nạn nhân là đàn bà khoảng gần 60 tuổi cho biết tên là Yến trên đường đưa về TTYT huyện đã đọc số điện thoại nhà riêng tại Hà Nội và chỉ kịp nói thêm địa chỉ “nhà ở Ô Chợ Dừa...” rồi tắt thở.
Tại hiện trường cho thấy hằn một vệt phanh in trên đường kéo dài khoảng 150m, nhiều trụ bêtông chắn hai bên lề đường đã bị chiếc xe tông đổ trước khi lao xuống vực. Cảnh sát giao thông huyện Đăk Glei cho biết đây là cung đường quanh co, ngoằn ngoèo, nhiều đoạn là những vòng cua hẹp liên tiếp nhau, một bên là vực sâu, một bên là vách núi. Nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc này đang được làm rõ.
Một không khí tang tóc bao trùm lên cả huyện Đăk Glei, những người dân bàng hoàng xúc động trước tin dữ. Một nhân chứng kể lại có một vài người vẫn còn thoi thóp, chỉ đủ sức nói số điện thoại gia đình rồi tắt thở.
![]() |
Thi thể các nạn nhân |
Theo tài liệu Công an tỉnh Kontum và huyện Đăk Glei xác định cho biết: trừ hai tài xế và một cháu gái, còn lại 30 người đều là cựu chiến binh phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội đi tham quan vào Tây nguyên và Nam bộ, điểm đến cuối cùng là Cà Mau. Công an Kontum cho chúng tôi xem một tập nhật ký hành trình của một nạn nhân tên là Phạm Minh Thanh, trong những dòng cuối của hành trình được viết vào ngày 21-4 ghi rõ “đây là ngày thứ ba của cuộc hành trình xuyên Việt...” và một bài thơ “Đêm Khâm Đức” viết lúc 7g sáng 21-4, một giờ trước khi tai nạn xảy ra, trong đó có đoạn:

Đó là những câu thơ mãi mãi dang dở, mãi mãi cùng tác giả nằm lại giữa cung đường Trường Sơn - nơi mà chính họ và những người đồng đội đã hi sinh cả một thời trai trẻ vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Một chiến sĩ trẻ đã nấc lên nghẹn ngào thành kính thắp nén hương trước vong linh những người lính già: “Các bác hãy thanh thản yên nghỉ vĩnh hằng, đã có đồng đội bên cạnh. Ngay ngày mai, những người thân và chính những người lính đang làm nhiệm vụ ở Trường Sơn sẽ đưa các bác về lại quê nhà...”.
Tại nơi tập trung thi thể các nạn nhân, có rất đông người đến chia buồn người bị nạn. Bên cạnh các bác sĩ và những người lính lo tẩm liệm là những cụ già người dân tộc Jẻ Triêng. Các già làng khấn Yàng và thần linh theo phong tục của họ cầu nguyện cho linh hồn những cựu chiến binh được yên nghỉ trong lòng đất buôn làng. Một cụ già Jẻ Triêng râu tóc bạc phơ than thở: “Ngày xưa ác liệt bởi bom đạn, bộ đội đánh giặc không chết, giờ sao lại chết, Yàng ơi!”.
Đêm càng khuya, tiếng cồng chiêng đâu đó vọng lại thật buồn. Đêm nay, Đăk Man, Đăk Glei không ngủ với nỗi buồn tiễn biệt...
|
--------------------------
Ngày tang tóc ở phường Kim Liên
Trưa 21-4, ngay khi nhận được tin về vụ tai nạn thảm khốc xảy ra đối với chuyến đi xuyên Việt của các cựu chiến binh (CCB) phường Kim Liên, một cuộc họp khẩn cấp của lãnh đạo UBND phường đã diễn ra... Bên ngoài sân ủy ban, hàng chục người nhà nạn nhân đã có mặt với hi vọng nhận được những thông tin tốt lành về người thân của mình. Những khuôn mặt thất thần, hoảng loạn, níu tay bất kỳ ai có thể để hỏi thông tin... Nhưng rồi tất cả như sụp đổ, những tiếng khóc bật lên.
* Chiều 21-4-2005, UBND thành phố Hà Nội quyết định phối hợp với UBND tỉnh Kontum tổ chức cứu chữa các nạn nhân bị thương và đưa các thi hài về Đà Nẵng, cử các đoàn công tác đến các địa phương khắc phục và giải quyết vụ việc. Theo nguyện vọng và đề nghị của các gia đình nạn nhân, thành phố giao Sở LĐ-TB&XH tổ chức đoàn xe lạnh lên đường ngay tối 21-4 vào thành phố Đà Nẵng để đón các nạn nhân ra Hà Nội và chuẩn bị các điều kiện bảo quản thi hài, truy điệu tang lễ theo yêu cầu của các gia đình, đảm bảo tận tình, chu đáo. * Ngay sau khi nhận được tin báo vụ tai nạn, ông Nguyễn Xuân Phúc - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - quyết định trích ngân sách tỉnh để hỗ trợ khẩn cấp cho các nạn nhân mỗi người 1 triệu đồng, đồng thời huy động lực lượng đến địa điểm xảy ra tai nạn để giúp tỉnh Kontum giải quyết hậu quả vụ tai nạn. |
“ Ba mất rồi... Dũng ơi” - Phạm Thanh Tâm cũng chỉ nói được thế với người em trai của mình qua điện thoại rồi lại lặng đi, vật vã trước tấm di ảnh của cha. Bước qua cái tuổi thất thập, cựu chiến binh Phạm Quốc Hùng vẫn chỉ một mong ước ngày nào đó được về lại chiến trường xưa, được thắp cho những đồng đội năm nào một nén nhang nghĩa tình. Chỉ mới đây thôi, ông còn chạy đi khoe cả khu tập thể rằng ước mơ của ông sắp trở thành sự thật. Thế mà bây giờ ông đã về, về hẳn với những người đồng đội đã hi sinh của mình.
Người giữ được bình tĩnh duy nhất là con gái CCB Lê Quý Long (B20, Kim Liên). Chị kể rằng bác Long do dự mãi vì cả nhà can ngăn, đến 4g sáng hôm ấy mới quyết định lên đường. Mẹ chị thì nằm khóc vật vã ở nhà. Là người duy nhất trong nhà ý thức được việc phải làm, chị chạy tới trụ sở phường, hối hả sao chụp những tư liệu cần thiết, ghi vào sổ tay địa chỉ nơi xảy ra tai nạn, địa chỉ bệnh viện, lấy giấy giới thiệu và đi đặt vé máy bay.
Trong danh sách 31 CCB tham gia đoàn đi xuyên Việt có vợ chồng bác Nguyễn Đình Vân và bác Đặng Thị Cúc. Tuy nhiên, bác Vân không tham gia chuyến đi ngay từ đầu mà dự kiến sẽ bay vào TP.HCM sau rồi mới nhập với đoàn. Ai ngờ đâu rằng lần chia tay vợ hôm 18-4 vừa qua là lần chia tay mãi mãi của hai ông bà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận