18/02/2019 08:44 GMT+7

27 năm phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Gần 30 năm nay, người phụ nữ ấy âm thầm chăm sóc một bà mẹ Việt Nam anh hùng neo đơn, đau yếu mà không nề hà, đắn đo.

27 năm phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng - Ảnh 1.

Chị Liễu quạt cho mẹ trong lúc hai mẹ con trò chuyện - Ảnh: MY LĂNG

Buổi chiều cuối tuần, chị Huỳnh Thị Bích Liễu, phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phổ Minh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), đi chợ về liền đi bộ qua ngôi nhà cấp 4 cách đó hơn trăm mét. Căn nhà nằm lùi sâu sau cánh cổng tre, lẻ loi, đơn độc giữa thinh lặng ruộng vườn. Trước cửa nhà, có một người phụ nữ tóc bạc đang ngồi lặng nhìn ra cổng, tựa như đang chờ chị qua thăm. Đó là mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Thịnh.

Mẹ chồng tôi mất hồi chiến tranh do trúng bom, khi chồng tôi mới 6 tuổi. Tôi không có mẹ chồng nên coi mẹ như mẹ chồng mình vậy. Chúng tôi sẽ lo cho mẹ đến cuối đời...

Chị Bích Liễu


Người mẹ cô đơn

Thấy chị Liễu sang, mẹ nhìn cái dáng quen thuộc, gương mặt buồn hiu chợt rạng rỡ, tươi tắn hẳn. Chị Liễu lấy cái chổi quét sơ bậc thềm, hiên nhà rồi lấy cái quạt nan quạt cho mẹ. Giữa nhà, góc trang trọng nhất, là bàn thờ chồng và con cùng các bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Độc lập... 

Nói về chị Liễu, mẹ tủm tỉm bảo: "Nó như đứa con gái của tui vậy. Tui coi nó như con. Gì cũng con Liễu. Có người cho trái cây ngon cũng để dành cho nó...".

Mẹ Huỳnh Thị Thịnh năm nay 89 tuổi. Chồng mẹ, ông Trần Sung, tiểu đội trưởng, hi sinh trong kháng chiến chống Pháp. 23 tuổi, góa chồng, mẹ ở vậy nuôi con. Hai em trai mẹ là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Em gái đi dạy học bị địch bắn chết. Các em chẳng còn ai. 

Anh Trần Hoàng Phương - người con trai duy nhất - lớn lên cũng xin đi theo du kích chiến đấu giết giặc. Và rồi một lần nữa tin dữ ập đến. Giọt máu duy nhất, chỗ dựa tinh thần duy nhất của mẹ cũng không về với mẹ nữa... Anh Trần Hoàng Phương, đội viên du kích, hi sinh khi chưa tròn 20 tuổi, tháng 12-1967.

Con của mẹ hi sinh, địch bắt mẹ tra tấn vì có con tham gia kháng chiến và chúng nghi mẹ hoạt động cách mạng. Bị đánh đập khảo tra, mẹ không khai nửa lời, bảo: Nó lén đi đâu sao tui biết, tui ở nhà làm ruộng, đăng lưới kiếm cái ăn còn không có, lấy gì nuôi bộ đội... 

Con mẹ hi sinh, người dân chôn xác. Khi mẹ được thả về mới đi tìm mộ con. Đến ngày hòa bình, mẹ mới đưa hài cốt con về nghĩa trang liệt sĩ.

Việc mất đi những người thân yêu nhất khiến mẹ quay quắt, kiệt quệ trong đau buồn, đến nỗi không dám đi bước nữa. Mẹ sợ lại chịu thêm nỗi đau mất mát. Cứ thế, mẹ sống côi cút và lặng lẽ trong căn nhà lụp xụp chống chịu qua bom đạn chiến tranh và cả dông bão thiên nhiên.

27 năm trước, khi lập gia đình, chị Liễu theo chồng về đây. "Ở đây mẹ không có người thân, họ hàng gì để nương tựa. Tôi thấy mẹ cô đơn, lủi thủi một mình khổ quá, tội quá nên thương. Mẹ sống rất tình cảm, hay quan tâm giúp đỡ mọi người nên hàng xóm quý lắm. Mẹ thương người lắm. Mẹ ăn không bao nhiêu, tiền có thì toàn cho những người khổ. Hồi tôi ốm nghén không ăn được gì, mỗi lần qua thăm mẹ, nhà chỉ có mấy quả trứng gà ta nhưng mẹ vẫn luộc, ép ăn cho bằng được, chẳng tiếc gì, căn dặn đủ thứ. Từ chỗ đó tôi thấy mến" - chị Liễu kể.

Chăm còn hơn chăm mẹ ruột

Từ lòng cảm mến, bắt đầu từ năm 1992, chị Liễu tới lui thường xuyên và dần dần như người con gái của mẹ. Mỗi lần đi chợ, chị ghé qua nhà hỏi mẹ cần gì để mua giùm vì mẹ không biết đi xe. Ngày mẹ giỗ chồng, giỗ con, chị nấu nướng sửa soạn giúp mẹ. Sau một thời gian, mỗi lần đi chợ chị Liễu lại tự bỏ tiền túi mua thêm một phần cho mẹ. 

Hồi đó mẹ còn khỏe, chị Liễu chỉ mua đồ ăn về rồi mẹ tự nấu. Sau, mắt mẹ mờ, sức yếu, chân tay run rẩy hơn, mẹ không nấu được, không tự dọn cơm được, cũng không tự tắm giặt được nữa. Mỗi ngày hai lần chị Liễu chạy sang nhà nấu cơm cho mẹ. Trưa làm về chị Liễu ghé qua nhà cắm cho mẹ nồi cơm, phụ mẹ làm thức ăn rồi mới chạy về nhà mình chuẩn bị bữa trưa. 

"Tất bật lắm. Chiều nào cũng 15h30 chạy về nấu cơm giúp mẹ. Mẹ ăn tối sớm lắm. 16h mẹ ăn rồi. Mắt mẹ yếu, tay chân run rẩy, tôi sợ để mẹ tự nấu lỡ cắm điện không may điện giật nên dặn mẹ: Thôi giờ thà ăn trưa trễ một chút, ăn tối trễ một chút mà an toàn. Mẹ đợi con về con nấu. Bữa nào đi đâu xa không về được thì nhờ con cháu qua nấu giúp nhưng cũng không an tâm, cứ phải gọi điện về hỏi thăm mẹ ăn uống ra sao" - chị Liễu nói.

Trước năm 2014, chị vừa chăm cha chồng vừa chăm mẹ. Cha chồng chị lúc đó đã 94 tuổi, nằm một chỗ 3 năm. Chị Liễu cho hay: "Tối ông xã ở nhà canh cha, còn tôi qua ngủ với mẹ. Sáng tôi về cùng chồng nấu nước tắm cho cha, giặt quần áo. Chồng tôi động viên ráng nuôi bà chớ hoàn cảnh bà vậy, bỏ tội lắm. Mấy anh ở xã cũng động viên mình. Gia đình mẹ cũng vì chiến tranh mà mất hết người, mình phải chia sẻ một phần với mẹ. Mẹ còn sống ngày nào thì mình chăm ngày đó, ráng làm tích đức cho con...".

Biết được việc làm rất đáng trân trọng của chị Liễu, cơ quan cũng thông cảm và tạo điều kiện cho chị. "Bữa nào có việc nhiều thì làm tới 10h30 cho tôi được về sớm, còn bữa nào ít việc thì 9h tôi chạy từ cơ quan về, cắm giúp mẹ nồi cơm, làm giúp ít thức ăn. Mỗi tháng ủy ban xã hỗ trợ tiền phụng dưỡng mẹ" - chị Liễu cho biết.

Mẹ giờ yếu đến nỗi ngồi xuống không đứng dậy được, đi lụm cụm. Quần áo của mẹ, chị giặt. Tối mẹ đi vệ sinh, chị dậy bật điện dẫn mẹ đi. Có bữa mẹ đau bệnh, không đi được, chị phải dìu mẹ ra nhà vệ sinh. Sáng trước khi đi làm, chị phải ngó qua nhà coi mẹ mở cửa chưa, không thấy mở cửa là chạy qua, lo có chuyện gì... 

"Thấy mẹ còn khỏe mới yên tâm đi làm. Mẹ ruột mình còn không về bưng được chén cơm chén cháo. Mẹ mình có 4 con dâu, lại có con trai ở gần, con dâu đầu rất chu đáo. Còn mẹ ở đây chỉ biết nương tựa mình, sống nhờ chòm xóm" - chị Liễu nói.

Chị Liễu bảo, có một điều vợ chồng chị trăn trở bao lâu nay, đó là ước có tiền để xây lại căn nhà cho mẹ. Nhà làm đã gần 30 năm, bị mục, dột, ẩm mốc. Các bằng khen của chồng, con lồng trong khung cũng bị ố vàng. "Chồng, con đều là liệt sĩ, gia đình cách mạng là thế nhưng mẹ không bao giờ đòi hỏi gì. Mình chỉ mơ mẹ có được cái nhà tươm tất hơn để mẹ ở đến cuối đời" - chị Liễu ao ước.

Thương mẹ côi cút một mình

methinh 1

Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Thịnh - người đã mất cả chồng và con trai duy nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ - Ảnh: MY LĂNG

Thương mẹ lớn tuổi ở một mình đêm hôm trái gió trở trời đau bệnh không ai hay, tối nào ăn cơm xong chị Liễu cũng sang ngủ với mẹ đến 5h sáng mới về. Tối đi đâu, làm gì chị cũng phải canh giờ về với mẹ. Mưa gió, lũ lụt, chị vẫn qua nhà mẹ. Hồi năm 2014, lụt ngập đường ngập đất, chị chống ghe đi qua nhà mẹ.

"Mấy hôm đầu mới lên ngủ với mẹ cũng sợ lắm, không dám ngủ, nhà vắng vẻ quá. Sau tôi quen dần. Mẹ giờ già yếu rồi. Tối nào tôi cũng bóp chân bóp tay cho mẹ, trò chuyện với mẹ mãi rồi mới ngủ. Bữa nào thấy mẹ tối ngủ không được, tôi dậy bật đèn hỏi han mẹ, xức dầu cho mẹ" - chị Liễu kể.

Phụng dưỡng người dưng Phụng dưỡng người dưng

TT - Hai mô hình này có ý nghĩa xã hội rất lớn, phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách". Quan trọng nhất là giúp đỡ, động viên tinh thần, là chỗ dựa cho các cụ, các em.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên