23/11/2006 19:16 GMT+7

26 học sinh lớp 6 "ngồi nhầm lớp"

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Tại trường THCS Trần Phú (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), cô phó Hiệu trưởng Huỳnh Thị Thúy Diễm rất bất ngờ khi phát hiện đến 26 học sinh lớp 6 đọc chưa thông, viết chưa thạo.

m2wyZanX.jpgPhóng to
Học lớp 6 nhưng không ít em vẫn đọc viết chưa thành thạo

Trong đó, có 12 em vẫn chưa nhận biết hết 24 chữ cái. Vì đâu lại có sự thật đáng buồn này?

Học sinh THCS chưa đọc thông viết thạo: Chuyện nghiêm trọng trong quản lý giáo dụcBình Định: Một trường "sáng lớp 1, chiều lớp 6"Kiên Giang: đã học cấp II nhưng đánh vần chưa trôi chảy!Phú Thọ: Học đến lớp 9 vẫn… đọc, viết chưa rành

Lớp 6: Cộng trừ tắc tị!

Nhắc đến cô bé H’Nhoan, đang học lớp 6A2, tất cả học sinh trong Trường THCS Trần Phú đều biết là vì em này chưa nhận biết hết 24 chữ cái mà học sinh lớp 1 vốn phải nằm lòng. Không đọc và viết được nên mỗi khi vào lớp, cô bé cứ ngồi im thin thít.

Để kiểm chứng sự thật, chúng tôi mời em ra ngoài để trò chuyện. Với bảng chữ cái, dù đã rất cố gắng nhưng H’ Nhoan chỉ có thể đọc đúng được vài chữ như a, b, c... Các chữ còn lại, cô bé lắc đầu, lí nhí nói: “Em không biết”.

Một học sinh khác tên Nay Y Sơn cũng chẳng khá hơn. Cho dù cô giáo đã ghi sẵn mẫu chữ rõ ràng, trên bảng rồi yêu cầu viết lại cho giống, vậy mà Sơn vẫn không viết được. Còn hai em Lê Anh Tú và Trần Thương Mãi đang học lớp 6A3, phải vất vả đánh vần từng âm tiết mới đọc được chữ. Đọc, viết khó khăn nên Tú và Mãi cũng... "mù tịt" bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia.

Toàn trường có đến 26 trường hợp như vậy nên ban giám hiệu đành phải “gom” các em vào lớp kém. Giờ học chính khóa, các em vẫn đến lớp bình thường, học được chữ nào hay chữ ấy. Riêng ngày thứ bảy, nhà trường phụ đạo 2 tiết, dạy lại những kiến thức cơ bản của lớp 1. Sau gần một tháng, một số học sinh đã có sự tiến bộ, nhưng để học được chương trình lớp 6 thì rất khó khăn.

Cô Diễm nói: "Chỉ với thời gian 2 tiết/tuần, dù có phụ đạo hết năm học này các em cũng khó mà lấp lại đủ những kiến thức bị hổng từ bậc tiểu học".

Nhãn tiền bệnh thành tích

26 học sinh lớp 6 không biết làm phép toán cơ bản, đọc chữ không trôi đều là con em của thị trấn Hai Riêng, nơi mà hiệu quả chất lượng giáo dục được đánh giá cao nhất trong địa bàn huyện Sông Hinh. Do đó, khi biết được “sự cố” này, nhiều người rất ngỡ ngàng!

Nhiều giáo viên ở địa phương nói thẳng: Tại nhà trường đặt các em ngồi nhầm lớp. Thay vì học lực mới chỉ ở mức tiểu học (còn chưa đạt yêu cầu), các em lại được đôn lên lớp 6! Còn học sinh cũng không hiểu tại sao mình lại được lên lớp.

Em H’Nhi thật thà: “Em học 2 môn chính tả và bài tập toán lúc nào làm cũng sai mà không biết sao lại được lên lớp?”. Em H’Yên thì tội nghiệp hơn: “Bảng cửu chương cũng không thuộc nên em bị các bạn trong lớp chọc hoài, xấu hổ lắm”. Một phụ huynh bất ngờ nói: “Tụi nó đến trường thì có nhà trường lo. Vì dạy chữ là của thầy cô giáo, chớ chúng tôi thì chịu thôi!”.

Thầy Huỳnh Xuân Mận, hiệu trưởng Trường TH số 1 Hai Riêng - nơi cung cấp nguồn “nhân lực tiểu học” cho trường THCS Trần Phú, phân trần: Mỗi lớp học có tối thiểu 35 học sinh nên khó tránh khỏi chuyện không đồng đều về kết quả học tập. Nhưng nếu cứ thẳng tay cho ở lại lớp là ngay lập tức các em bỏ học”.

Học sinh không chịu đi học, giáo viên và nhà trường sẽ “lãnh đủ”. Họ phải đến tận nhà năn nỉ các em trở lại lớp, nếu không, trường sẽ không đạt các chỉ tiêu thi đua.

Nói về hướng giải quyết tình hình trên, ông Phan Phi Hùng, phó trưởng phòng Giáo dục huyện Sông Hinh, cho biết: “Trước mắt, ngành giáo dục huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để những học sinh này được phụ đạo thường xuyên. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ chất lượng đào tạo ở các cấp học, bậc học để tìm biện pháp giáo dục phù hợp cho từng đối tượng học sinh”.

Còn thạc sĩ Trần Văn Chương, giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, thừa nhận: “Đây là một thực trạng đáng buồn. Tôi rất mong giáo viên và nhà trường cần nghiêm túc, tự giác hơn nữa trong đánh giá kết quả giáo dục - đào tạo của trường mình. Đã đến lúc chúng ta cần phải chịu đau đớn và nhất là phải chữa cho lành nỗi đau để rồi có sức lực đi xa hơn nữa”...

THẠCH BÍCH - THÚY HẰNG

Sóc Trăng: Học cấp II nhưng không biết làm toán cộng

Đây là chuyện có thật ở Trường THCS Đại Ân 2, huyện Long Phú, Sóc Trăng. Giáo viên trường này cho biết có rất nhiều học sinh khối lớp 6 đọc sai chữ, viết sai tên, họ của mình và không biết làm toán cộng. Các phép tính đơn giản còn lại như: trừ, nhân, chia các em cũng không làm được nên giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong giảng dạy.

Để kiểm chứng, chúng tôi cho em Lý Thị Hằng ở lớp 6A3 viết tên, họ của mình thì Hằng viết thành: Lỳ Thi Hằng. Khi cho bài toán cộng, đơn giản là 7+2 thì Hằng ghi kết quả bằng 7; toán nhân Hằng cũng làm sai, ví dụ như: 3x4=9, 5x2=5 (?)…

Mặc dù các giáo viên cho biết mỗi lớp 6 có khoảng 4-5 em “mù chữ” như vậy nhưng hiệu trưởng Thái Đình Nhu lại khẳng định rằng Trường THCS Đại Ân 2 không hề có tình trạng học sinh yếu kém như vậy.

Bà Lê Thị Nhành, trưởng Phòng Giáo dục huyện Long Phú, cho biết đã chỉ đạo các trường tổ chức kiểm tra chất lượng đầu năm nhằm sàng lọc những học sinh yếu kém và phân ra thành từng nhóm để bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em.

HỒNG DÂN

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên