GS Herbert Covert và học trò Lê Khắc Quyết trong một chuyến thực địa ở Tây Bắc - Ảnh: NVCC
GS Herbert Covert, Đại học Colorado (Mỹ), là một trong những "sứ giả giáo dục" thế hệ đầu của chương trình Fulbright sau khi Việt Nam và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Ông hai lần sang Việt Nam (năm 2001 và 2009) trong tư cách học giả của chương trình.
Ngày 1-11-1945, Hồ Chủ tịch đã có thư gửi cho ngoại trưởng Mỹ lúc đó là James Byrnes đề nghị gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường [2011-2014] cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng đến hợp tác về giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật với Mỹ.
Gắn kết qua say mê khoa học
Nhưng những trải nghiệm Việt Nam của GS Covert bắt đầu sớm hơn thế, từ năm 1998, khi ông cùng các cộng sự Việt Nam của mình ở Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội và Viện Sinh học nhiệt đới khảo sát và tiến hành các nghiên cứu sinh học tại nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trên khắp đất nước.
"Năm 1998 khi tôi đến Việt Nam lần đầu, đất nước này trong mắt nhiều người Mỹ vẫn bị coi là "kẻ thù" với những đối lập sâu sắc trong hệ thống chính trị và hệ tư tưởng. Tuy nhiên, khi đặt chân đến mảnh đất này, tôi lại được rất nhiều người Việt Nam chào đón, đặc biệt là các cộng sự ở Đại học Khoa học tự nhiên.
Họ dành cho tôi tình cảm chân thành giữa những người nghiên cứu. Chúng tôi gắn kết với nhau bởi lòng say mê khoa học. Tất cả tạo nên những chất xúc tác mạnh mẽ để tôi thấy mình thuộc về nơi này" - ông Covert nói với Tuổi Trẻ.
Đã 16 năm trôi qua, GS Herbert Covert vẫn chưa quên những cảm xúc của mình trong lần đầu tiên nhìn thấy một con voọc mũi hếch từ khoảng cách 30m. Đó là một buổi sáng tháng 6 mát lạnh trên núi đá Hà Giang, ông Covert theo chân học trò của ông - TS Lê Khắc Quyết, người sau này trở thành phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp - trên hành trình tìm kiếm những quần thể linh trưởng đặc chủng trong các cánh rừng Tây Bắc.
"Ông là người nước ngoài đầu tiên được nhìn thấy loài linh trưởng này, Quyết nói với tôi như thế. Nhiều năm đã trôi qua, nhớ lại câu nói đó tôi lại thấy vô cùng tự hào" - ông chia sẻ. Theo GS Covert, hợp tác trong môi trường học thuật là một trong những yếu tố đem hai đất nước đến gần nhau hơn, đồng thời mở mang cho các nhà nghiên cứu những cái nhìn mới mẻ và ý tưởng độc đáo.
Hơn 20 năm đi về giữa Việt Nam và Mỹ đã mang đến cho GS Covert những tình bạn đẹp với các học giả địa phương. Nhiều người trong số đó đã trở thành những người tiên phong trong bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Bên phía Việt Nam, một trong những nhân vật cũng góp công vào chiếc cầu nối ấy có thể kể đến ông Trần Đức Cảnh, hiện là thành viên Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực 2016-2021.
Sinh ra tại Khánh Hòa và sang Mỹ năm 1975, thời điểm mới 19 tuổi, ông Trần Đức Cảnh đã trải nghiệm nhiều ngành học khác nhau, từ kỹ sư hàng không cho tới kinh tế, chuyên về kinh tế lao động. Nhưng sau đó ông lại thấy mình phù hợp khi đi sâu vào mảng phát triển nguồn nhân lực.
Trong vai trò này, ông Cảnh đã đóng góp ở lĩnh vực quản lý nhà nước trong chính quyền bang Massachusetts, phụ trách nhiều vấn đề như trợ cấp xã hội, thực phẩm, y tế, nhà cửa, tạo công ăn việc làm cũng như đào tạo nguồn nhân lực.
Trong vài chục năm qua, ông Cảnh đã trở thành một trong những nhân vật nổi bật đóng góp cho giao lưu giáo dục Việt - Mỹ. Cựu cố vấn hội đồng tuyển sinh Đại học Harvard này còn nhớ rõ những ngày đầu khi các nhóm hoạt động muốn đưa chương trình Fulbright vào Việt Nam.
"Vì hai nước chưa có liên hệ với nhau, vì vậy phải sử dụng một địa chỉ trung gian tư nhân là Đại học Harvard để 'hợp thức hóa' một chương trình đào tạo của Mỹ tại Việt Nam" - ông Cảnh kể.
Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường trong một lần gặp cựu tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: NVCC
Phá vỡ những nghi kỵ
Chuyện giáo dục giúp xóa nhòa hoài nghi lẫn nhau cũng được cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường cảm nhận. Công tác giai đoạn
2011-2014, ông Nguyễn Quốc Cường là đại sứ thứ tư của Việt Nam ở Mỹ thời hậu chiến, nhưng lại là vị đại sứ Việt Nam đầu tiên từng du học ở Mỹ theo chương trình Fulbright.
Từ năm 1992 đến nay, đã có khoảng 600 người Việt Nam từng được nhận học bổng danh giá này. Nhiều trong số đó đang giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu, các cơ sở kinh tế nhà nước và tư nhân của Việt Nam.
Ông Cường cho biết: "Nhìn rộng ra, các chương trình hợp tác về giáo dục hay hợp tác về y tế giữa hai nước vào đầu những năm 1990 có thể coi là những bước khai phá quan trọng theo kênh chúng ta vẫn gọi là ngoại giao nhân dân, góp phần phá vỡ tảng băng, phá vỡ những nghi kỵ để hai nước tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 1995".
Tại thời điểm ông Cường còn giữ vai trò đại sứ ở Mỹ, đã có khoảng 16.000 du học sinh Việt Nam tại khắp các bang. Trong 5 năm qua, con số này đã tăng gấp đôi, hơn 30.000, đưa Việt Nam thành quốc gia gửi học sinh sang Mỹ đông nhất trong các nước thuộc ASEAN.
"Số du học sinh này, cùng với các du học sinh Việt Nam ở nhiều nước khác trên thế giới là nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai" - ông Cường nhận định.
Dạy tiếng Việt ở đại học Mỹ
Nguyễn Thị Thu Thảo, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, là người đặt viên gạch đầu tiên cho chương trình tiếng Việt của Đại học Notre Dame bang Indiana, Mỹ. Theo chị Thảo, Viện Nghiên cứu châu Á của trường nhận thấy có một số lượng sinh viên người Mỹ gốc Việt đang học tập tại đây, và số lượng đó ngày càng tăng dần lên nên đã đặt vấn đề với chương trình Fulbright.
Bên cạnh việc dạy tiếng Việt ở Đại học Notre Dame, cô giáo đến từ Hà Nội cũng có cơ hội truyền bá tiếng mẹ đẻ của mình cho học sinh một trường tiểu học địa phương, nơi nhiều trẻ em của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang theo học.
Chị dạy cho các bạn câu xin chào, cảm ơn trong tiếng Việt, đọc cho các bạn nghe những câu chuyện cổ tích Việt Nam, về "Con Rồng - Cháu Tiên", về 54 dân tộc anh em đang cùng chung sống trên mảnh đất hình chữ S bên kia bờ Thái Bình Dương.
"Có thể nó chỉ đi theo các bạn một thời gian ngắn thôi. Trẻ con vốn hay quên. Nhưng những ấn tượng tốt thì sẽ còn mãi mà từ đó những thiện cảm được xây dựng và khiến cho người ta dễ mở lòng với nhau hơn" - chị Thảo chia sẻ.
* Còn nữa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận