Ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số.
Chỉ số chuẩn đánh giá thừa cân, béo phì người châu Á
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa thừa cân và béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức hoặc không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe.
WHO khuyên dùng “chỉ số khối cơ thể” (Body Mass Index – BMI), được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (mét), để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người trưởng thành.
Theo khuyến nghị chung của WHO, một người trưởng thành khỏe mạnh, dinh dưỡng hợp lý, BMI của họ dao động trong giới hạn nhất định từ 18.5 – 24.9; nếu BMI ≥ 25 thì được coi là thừa cân, BMI ≥ 30 thì là béo phì.
Từ năm 2000, WHO khu vực Tây Thái Bình Dương và Hội Nghiên cứu béo phì Quốc tế đã phối hợp với Viện Nghiên cứu bệnh đái tháo đường Quốc tế (IDI), Trung tâm Hợp tác dịch tễ học đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm của WHO để đưa ra khuyến nghị về chỉ tiêu phân loại thừa cân, béo phì cho cộng đồng các nước châu Á (IDI & WPRO, 2000).
Theo khuyến nghị này thì người được coi là thừa cân nếu BMI ≥ 23 và người được coi là béo phì khi BMI ≥ 24.9.
Bảng phân loại thừa cân và béo phì khuyến nghị cho các nước châu Á:
Béo phì - nguyên nhân và những hệ lụy
Nguyên nhân căn bản của thừa cân béo phì là do tình trạng mất cân bằng về năng lượng giữa lượng calo đưa vào cơ thể và lượng calo được sử dụng.
Các nhà dịch tễ học nhận định rằng xu hướng gia tăng tỉ lệ thừa cân, béo phì trong cộng đồng hiện nay chủ yếu là do gia tăng tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng, có hàm lượng chất béo cao cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động.
Béo phì cũng liên quan đến yếu tố gia đình do có cùng đặc điểm về lối sống, được thể hiện qua việc trẻ dễ bị thừa cân khi có cha hoặc mẹ bị thừa cân, béo phì.
Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm, tiêu biểu như các bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường tuýp 2 và một số bệnh ung thư… Nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong càng cao khi chỉ số BMI càng lớn.
Theo WHO, chi phí cho quản lý và điều trị thừa cân, béo phì có thể lên đến 2% - 7% tổng chi phí cho chăm sóc y tế của các nước phát triển.
Có thể chia chi phí cho thừa cân béo phì thành 3 nhóm:
- Chi phí trực tiếp: các chi phí liên quan đến việc chữa trị thừa cân béo phì, như chi phí cho thuốc giảm cân, các phẫu thuật…
- Chi phí gián tiếp: các chi phí chữa trị các bệnh lý gây nên do thừa cân béo phì như đái tháo đường, tăng huyết áp…
- Chi phí cơ hội: bao gồm các chi phí phát sinh do giảm khả năng lao động, tử vong sớm có nguyên nhân từ thừa cân, béo phì.
Phòng chống thừa cân, béo phì
Có thể thấy các yếu tố xã hội và môi trường tác động nhiều đến cân bằng năng lượng hơn là tác động vào các yếu tố sinh học và di truyền.
Do đó, các chuyên gia nhận định có thể can thiệp vào hai yếu tố là dinh dưỡng và hoạt động thể lực để làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì một cách hiệu quả.
Theo WHO, có hai cách tiếp cận chính trong phòng chống thừa cân béo phì là phòng ngừa tăng cân và thúc đẩy giảm cân.
Phòng chống thừa cân, béo phì thực hiện theo các nguyên tắc: tập trung làm giảm các yếu tố môi trường đang tạo thuận lợi cho thừa cân, béo phì; làm giảm các yếu tố nguy cơ tác động đến các cá nhân hay nhóm có nguy cơ; đồng thời quản lý từng trường hợp cho các đối tượng đã bị thừa cân, béo phì.
Đối với mỗi cá nhân, để chủ động phòng thừa cân, béo phì thì cần thực hiện những khuyến nghị sau: - Duy trì cân nặng hợp lý - Hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa - Hạn chế ăn đường và muối - Tăng cường ăn rau và trái cây - Thường xuyên hoạt động thể lực, ít nhất 150 phút/tuần đối với người trưởng thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận