* Hà Tĩnh: dự kiến sơ tán hơn 27.000 người* Quảng Trị: triển khai ứng cứu tại chỗ* Thừa Thiên - Huế: Nhà máy thủy điện Hương Điền xả lũ* Quảng Bình: sẵn sàng di dời 5.000 hộ dân* Hoãn, hủy nhiều chuyến bay nội địa do bão số 4
Từ sáng 26-9, nhiều tỉnh, thành miền Trung đã hết sức khẩn trương, chạy đua với thời gian để ứng phó với bão số 4 sắp đổ bộ vào khu vực này, đặc biệt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Phóng to |
Phóng to |
Đêm nay, bão số 4 đổ bộ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - HuếBão gần chưa qua, bão xa xuất hiện
Bão số 4 cách bờ biển Thừa Thiên - Huế 140 km Hồi 22 giờ ngày 26-9 vị trí tâm bão cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Quảng Nam khoảng 140 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 27-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7. Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của bão vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to đến rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. |
Huế: Chuẩn bị di dời 25.000 hộ dân
Chiều 26-9, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt tại Nhà máy thủy điện Hương Điền (xã Hương Vân, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), nơi có hồ chứa lớn nhất tỉnh, với dung tích chứa hơn 800 triệu m3, nằm ở thượng nguồn sông Bồ. Tại đây, hồ chứa của nhà máy đã mở hai cửa xả lũ tạo thành hai cột nước cao hàng chục mét, tung bọt trắng xóa, đổ nước ào ạt về vùng hạ du.
Phóng to |
Hồ thủy điện Hương Điền xả lũ chiều 26-9, với lưu lượng 320m3/s - Ảnh: Nguyên Linh |
Ông Trịnh Xuân Khoa, phó giám đốc Nhà máy thủy điện Hương Điền, cho biết thực hiện theo sự chỉ đạo của bí thư Tỉnh ủy và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên - Huế, chiều 26-9, nhà máy đã mở hai cửa van, xả lũ với lưu lượng 320m3/s (trong đó, lượng nước chạy qua máy phát điện là 120m3/s).
Việc xả lũ này nhằm giảm tải cho hồ chứa, đồng thời có dung tích đón đợt lũ mới. Sau khi nhà máy thủy điện xả lũ, đến 19g30 tối nay, mực nước tại sông Bồ đã cao dâng thêm khoảng 30cm, trên báo động 1 khoảng 0,5m. Được biết, hiện lưu lượng nước đổ về hồ thủy điện Hương Điền là 442m3/s.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã tìm thấy thi thể hai nạn nhân trú tại phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy bị chìm đò mất tích ngày 25-9 tại bờ sông Đại Giang vào trưa nay.
Nạn nhân là ông Phan Thăng (sinh năm 1963) và vợ là Lê Thị Chân (sinh năm 1970), do đi thả lưới bị chìm đò. Chính quyền địa phương đã đến động viên và hỗ trợ gia đình nạn nhân 10 triệu đồng để lo hậu sự.
Chiều nay, đường Hồ Chí Minh tại đoạn đèo PêKe xã Hồng Thủy (A Lưới) tiếp tục sạt lở taluy dương với khối lượng 1.353m3 đất đá khiến giao thông đi lại khó khăn; trong khi đó Quốc lộ 49A đi huyện miền núi A Lưới, đoạn qua xã Hồng Hạ đến Bốt Đỏ tiếp tục sạt lở một số đoạn, khiến giao thông bị tắc trong nhiều giờ.
Tối 26-9, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên kế hoạch dự kiến di dời 25.130 hộ, với hơn 102.031 nhân khẩu ở vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ bị lũ quét và trượt lở đất đến nơi an toàn để đối phó khi tình huống xấu có thể xảy ra.
Hoãn, hủy nhiều chuyến bay nội địa do bão số 4 Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, do bão số 4 ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực biển miền Trung, tính đến chiều tối 26-9, Vietnam Airlines đã phải hủy 28 chuyến bay nội địa từ TP.HCM, Hà Nội đến Buôn Ma Thuột, Huế; từ Đà Nẵng đến Buôn Ma Thuột và từ TP.HCM đến Vinh, Đồng Hới. Dự kiến, ngày 27-9, hãng sẽ hủy thêm 8 chuyến bay và hoãn 4 chuyến nữa trên 8 đường bay đến Buôn Ma Thuột, Huế, Vinh và Đồng Hới. 8 chuyến dự kiến hủy gồm: VN1370/ 1371, VN1372/ 1373 (hành trình TP.HCM - Huế - TP.HCM); VN1541/ 1540 (hành trình Hà Nội - Huế - Hà Nội); VN1591/ 1590 (hành trình Hà Nội - Đồng Hới - Hà Nội). 2 chuyến VN1262/1263 thuộc hành trình TP.HCM - Vinh - TP.HCM, dự kiến sẽ hoãn 10 tiếng và 2 chuyến VN1400/ VN1401 hành trình TP.HCM - Đồng Hới - TP.HCM sẽ hoãn 4 tiếng so với giờ khởi hành dự kiến. Các chuyến bay bù trong ngày 27-9: VN7414/ 7415 TP.HCM - Buôn Ma Thuột - TP.HCM Các chuyến bay bù trong ngày 28-9: VN7370/ 7371 TP.HCM - Huế - TP.HCM VN7541/ 7540 Hà Nội - Huế - Hà Nội Vietnam Airlines cũng cho biết, hãng sẽ bố trí cho hành khách bị ảnh hưởng đi trên các chuyến bay thường lệ và các chuyến bay bù trong các ngày tiếp theo. Theo Vietnam Airlines, hiện hãng đã chủ động chuẩn bị các phương án dự phòng, tăng cường lực lượng trực điều hành 24/24, chuẩn bị máy bay và nguồn lực để tăng chuyến và bay bù trong trường hợp cần thiết, sẵn sàng đối phó với diễn biến của cơn bão và sẽ cố gắng thông tin tới hành khách sớm nhất về kế hoạch khai thác của hãng. Hãng hàng không này cũng khuyến nghị hành khách chủ động theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và điều chỉnh kế hoạch đi lại của mình trong giai đoạn trên, đồng thời mong nhận được sự chia sẻ và thông cảm từ hành khách. |
Hà Tĩnh: ngư dân chủ động tránh bão
Hà Tĩnh có 3.800 tàu thuyền đánh bắt cá trên biển. Hiện có 56 tàu với 414 lao động đánh bắt xa bờ đã liên lạc và đang tìm nơi trú ẩn. Hơn 3.744 tàu thuyền chưa vào nơi trú ẩn an toàn. Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển đang phối hợp với bộ đội biên phòng, các huyện ven biển tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn và sắp xếp về khu neo đậu.
Để đối phó với cơn bão số 4, rà soát số lượng các hộ dân cư đang sống ở các khu vực vùng xung yếu ven biển, cửa sông và chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Dự kiến phải sơ tán 27.403 người ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân... Ông Võ Kim Cự, chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, đã có công điện khẩn yêu cầu các huyện vùng biển tập trung hướng dẫn người dân và các tổ chức giằng, chống nhà cửa, trường học, bệnh viện trạm xá…
Trước diễn biến của cơn bão số 4, sáng 26-9 hàng nghìn người dân huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tập trung ra đồng gặt lúa trước khi bão vào. Cẩm Xuyên có hơn 8.000 ha lúa, nhưng mới thu hoạch gần 5.000 ha.
Ông Nguyễn Đình Hải, chủ tịch huyện Cẩm Xuyên, cho biết để đảm bảo lúa của người dân không bị ngập úng do mưa bão, ngay từ sáng sớm huyện đã huy động trung đoàn 814, toàn bộ lực lượng công an trên địa bàn về các xã như Cẩm Huy, Thiên Cầm, Cẩm Phúc... gặt lúa giúp người dân.
Sáng nay huyện Cẩm Xuyên kêu gọi 842 tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, đồng thời nghiêm cấm tất cả tàu thuyền ra khơi, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, tổ chức di dân ở các vùng xung yếu ven biển, ven cửa sông... Sáng cùng ngày, huyện Lộc Hà kêu gọi được 300 tàu thuyền trên địa bàn toàn huyện trú ẩn tại âu thuyền. Hiện 15 tàu đánh cá đang trên đường về tránh bão, chín tàu đã kịp thời vào tránh bão ở đảo Bạch Long Vĩ.
Quảng Bình: Gấp rút di dời 130 hộ dân nơi có nguy cơ sạt lở
Chiều 26-9, lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch đã trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện di dời 130 hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở thuộc địa bàn xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch
Phóng to |
Gấp rút di dời 130 hộ dân ở xã Nhân Trạch, Bố Trạch - Ảnh: Sông Son |
Ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, huyện đã lên phương án di dời các hộ dân nằm trong vùng sạt lở đến nơi an toàn trước nguy cơ bão số 4 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Bình.
Đến thời điểm hiện tại, huyện Bố Trạch còn 500 ha lúa hè thu chưa được thu hoạch trong tổng số 3000 ha của toàn huyện. Lãnh đạo UBND huyện cũng đã động viên bà con nhanh chóng thu hoạch các diện tích lúa còn lại, đồng thời lưu ý bà con nông dân bảo quản tốt số lúa đã được thu hoạch.
Cũng trong chiều nay, lãnh đạo UBND, Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đã đi kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo phương án phòng chống bão với các công trình đang thi công trên địa bàn huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy như công trình Kè Kiến Giang, đường ven biển Lệ Thủy, đập Mỹ Trung.
Đà Nẵng: 3 ngư dân trôi dạt trên biển
Lúc 10g30 sáng 26-9, tàu cứu nạn của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 2 Đà Nẵng (Đà Nẵng MRCC) đã lai dắt thuyền cá cùng 3 ngư dân của tỉnh Thừa Thiên - Huế về đến Vùng 3 hải quân (Đà Nẵng).
Phóng to |
Ngư dân Trần Văn Phú cùng hai ngư dân khác được cứu thoát bão trên biển- Ảnh: Đoàn Cường |
Ngay khi cập cảng, các bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 đã khám sức khỏe cho 3 ngư dân bị nạn này. Theo các bác sĩ, dù 3 ngư dân bị trôi dạt trên biển gần 20 giờ trong điều kiện mưa gió, lạnh buốt nhưng sức khỏe vẫn ổn định. Ngay sau đó, xe cấp cứu đã đưa 3 ngư dân này ra tỉnh Thừa Thiên - Huế để tiếp tục theo dõi.
Trước đó, lúc 10gsáng 25-9, thuyền cá gồm 3 ngư dân Trần Văn Long (36 tuổi), Trần Văn Tranh (32 tuổi) và Trần Văn Phú (26 tuổi) cùng trú xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang kéo lưới rê trên vùng biển Phú Vang cách đất liền 6 hải lý thì bị hỏng máy.
Do ảnh hưởng của bão số 4 khiến khu vực thuyền bị nạn có sóng to, gió lớn. Chiếc thuyền cùng 3 ngư dân bị sóng đánh trôi dạt trên biển gần 30 hải lý đến gần vùng biển Đà Nẵng.
Đến 16g20 ngày 25-9, tỉnh Thừa Thiên - Huế huy động lực lượng tham gia ứng cứu tàu bị nạn nhưng không tiếp cận được thuyền do sóng quá to. Sau đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị Đà Nẵng MRCC tham gia cứu nạn.
Đến 9g30 sáng 26-9, tàu cứu nạn đã tiếp cận được thuyền bị nạn và lai dắt vào bờ an toàn.
Quảng Ngãi: Nứt núi, sạt lở nhiều nơi
Tin từ UBND huyện Ba Tơ cho biết mưa lớn liên tục nhiều ngày qua khiến cho quốc lộ 24B đi qua địa bàn huyện xảy ra nhiều điểm sạt lở. Nặng nhất là tại km 31, gần 6.000 m3 đất đá từ một ngọn núi ven đường đổ nhào lấp toàn bộ mặt đường khiến cho xe cộ qua lại trên tuyến quốc lộ bị ách tắc nhiều giờ liền.
Phóng to |
Xe cơ giới được đưa đến các điểm sạt lở thu dọn đất đá trên nhiều tuyến đường xảy ra sạt lở - Ảnh: D. QUẤT |
Ngay sau đó sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi đã huy động lực lượng tiến hành thu dọn số đất đá trên. Đến sáng 26-9 giao thông qua tuyến đường trên cơ bản đã thông suốt trở lại. Tuy nhiên theo ông Trần Ngọc Thương phó chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, trên địa bàn huyện có ba điểm có nguy cơ sạt lở cao. Nguy hiểm nhất là điểm thôn làng Diều xã Ba Bích (Ba Tơ) xuất hiện nhiều vết nứt trên ba ngọn núi Prây, núi Pốc, núi Kềnh có nguy cơ sạt lở cao đe dạo tính mạng của gần 150 người dân tộc thiểu số. Nhiều tuyến đường liên xã bị chia cắt bởi sạt lở núi.
Tại huyện Sơn Tây, mưa lớn khiến cho nhiều đoạn của tuyến đường Trường Sơn Đông đang thi công bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn qua các xã Sơn Mùa, Sơn Long bị chia cắt giao thông hoàn toàn. Tại huyện Trà Bồng trên những ngọn núi cao xuất hiện nhiều điểm nứt núi có nguy cơ sạt lở cao đe dọa tính mạng hàng trăm người dân như thôn Tây, xã Trà Sơn (Trà Bồng) xuất hiện vết nứt sâu 2m dài hơn 200m vắt ngang trên giữa núi đe dọa tính mạng của gần 150 người dân.
Còn tại huyện Tây Trà, 39 hộ dân nằm trong lòng hồ của dự án hồ chứa nước Nước Trong vẫn chưa được di dời trong khi tại đây nước đã mấp mé vườn nhà. Số còn lại (gần 400) hộ dân đã dỡ bỏ nhà cửa nhưng đến nay vẫn sống tạm bợ.
Xuất hiện vết nứt sâu 8m trong khu dân cư
Chiều ngày 26-9, ông Nguyễn Tấn Nông - Chủ tịch UBND thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) cho biết, tại Khu dân cư số 14, tổ dân phố 3 - thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức xuất hiện một hiện tượng lạ chưa từng xảy ra gây hoang mang cho hàng chục hộ dân trong vùng. Một vết nứt dài và sâu hơn 8m vừa được phát hiện quanh khu đất vườn nhà dân và trên đường giao thông.
Mỗi ngày, vết nứt sụt lún này cứ lan rộng hơn và sâu hơn. Một số hộ dân đã phải chủ động di dời đi nơi khác để đảm bảo an toàn.
Trước hiện tượng lạ này, người dân địa phương rất hoang mang. Đến thời điểm này, chưa thể xác định được phạm vi xuất hiện các vết nứt ở khu dân cư số 14 cũng như nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Trước mắt, để đảm bảo an toàn tình mạng cho người dân trong vùng, UBND thị trấn Mộ Đức đã khẩn cấp lên kế hoạch triển khai di dời những hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Trong ngày 26-9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Mộ Đức cũng đã kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, xác định nguyên nhân để có biện pháp khắc phục khẩn cấp nhằm ổn định đời sống của người dân tại đây.
Quảng Nam: Lũ cuốn trôi 1 cháu bé
Chiều 26-9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cho biết bão số 4 đã gây một số thiệt hại trên địa bàn.
Cụ thể, đã có một trường hợp bị mất tích là cháu A lăng Thạch (7 tuổi, xã Bhalee, huyện Tây Giang) khi đi bắt cá cùng mẹ thì bị lũ cuốn trôi. Trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Nam Trà My) hiện vẫn còn 14 hộ dân đang sinh sống không chịu di dời. Tỉnh Quảng Nam đang chuẩn bị cưỡng chế các trường hợp này.
Còn tại huyện Duy Xuyên có 3 thuyền nhỏ đánh cá của dân ở xã Duy Nghĩa bị nước cuốn trôi. Huyện Thăng Bình có khoảng 300 ha lúa bị úng ngập. Tại huyện Đại Lộc có khoảng 400 ha ngô và rau màu bị ngập úng nhẹ. Tỉnh Quảng Nam vẫn còn 51 tàu đánh bắt xa bờ hoạt động ngoài khơi. Trong đó có 12 tàu hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Thừa Thiên - Huế: Nhà máy thủy điện Hương Điền xả lũ
Để đối phó với bão số 4, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 200.000 lít xăng dầu. Tại các địa phương đã tích trữ được hơn 120.000 tấn gạo, hơn 14.000 tấn mì ăn liền, riêng huyện miền núi A Lưới đã tích trữ hơn 30 tấn gạo và 20.000 gói mì ăn liền và hơn 30 tấn muối.
Bốn tàu cứu hộ của Hải đội 2, có công suất 1.100CV và 345CV đã túc trực tại cảng Thuận An để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn. Tỉnh đã lên kế hoạch di dời 508 hộ dân vùng cửa sông, sạt lở, thấp trũng, học sinh toàn tỉnh đã được nghỉ học.
Trước đó, 17 hộ dân tại thôn An Dương, xã Phú Thuận (Phú Vang) phải di dời khẩn cấp vì nước biển làm sạt lở, tiến sát vách nhà, 161 hộ dân khu dân cư Tân Lập cũng đang chuẩn bị di dời vì sạt lở bờ biển đe dọa.
14g30 hôm nay, ông Đỗ Chí Thành, giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài cho biết đã hủy toàn bộ các chuyến bay đi và đến Huế, do ảnh hưởng của gió bão.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, hai vợ chồng nông dân ở xã Phú Lương (thị xã Hương Thủy) đi thả lưới đã bị lật đò, mất tích.
Ông Trần Kim Thành, phó giám đốc Sở NN&PTTN tỉnh cho biết, đã huy động lực lượng và phương tiện thiết bị để ứng cứu hồ Thọ Sơn (thuộc dự án tây nam Hương Trà), đang thi công dở dang. Hơn 10.000 bao tải cát đang được chuyển đến để gia cố đập, đồng thời khoét rộng cửa đập để hạ độ cao cột nước để cứu đập.
Phóng to |
Bờ biển xã Phú Thuận (Phú Vang) bị sạt lở nghiêm trọng, nước biển sát vách nhà - Ảnh: Nguyên Linh |
Tại cuộc họp khẩn cấp sáng nay, ông Nguyễn Ngọc Thiện, bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, đề nghị các đơn vị kiểm tra lại lương thực dự trữ, đồng thời khẩn trương tăng cường lương thực cho huyện miền núi A Lưới vì nguy cơ sạt lở đường 49 rất cao, có thể cô lập huyện A Lưới trong nhiều ngày.
Tại cuộc họp, đại diện Nhà máy thủy điện Bình Điền và Nhà máy thủy điện Hương Điền đã báo cáo tình hình mực nước tại hồ chứa vẫn ở mức an toàn, có thể điều tiết được lũ cho hạ du.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo: “Tôi đề nghị hai nhà máy thủy điện phải chủ động trước mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Cần chủ động xả lũ sớm để đề phòng tai họa, phải hy sinh lợi ích kinh tế, để bảo đảm an toàn cho người dân là cần thiết nhất”.
Chiều nay 26-9, Nhà máy thủy điện Hương Điền đã có thông báo cho người dân vùng hạ du chủ động phòng tránh ngập nước, tiếp đó nhà máy này đã tiến hành xả lũ với lưu lượng 284m3/s.
Quảng Bình: sẵn sàng di dời 5.000 hộ dân
Đến 15g ngày 26-9, các địa phương ở tỉnh Quảng Bình đã chuẩn bị xong các biện pháp ứng phó với bão số 4. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh toàn tỉnh có khoảng 5.000 hộ dân ở vùng thấp trũng của hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và vùng hạ lưu sông Gianh thuộc thuộc huyện Quảng Trạch, các vùng sạt lở ven sông ven biển ở huyện Bố Trạch đã được các địa phương đôn đốc sẵn sàng di dời nếu bão lớn, với mức dự trữ 7 ngày lương ăn.
Phóng to |
Người dân ven biển ở huyện Bố Trạch chằng chống nhà cửa trước bão |
Tại xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) - vùng sạt lở nghiêm trọng ven biển - sẽ có 26 hộ ở các thôn Khối, Bắc và Vinh thực hiện lệnh di dời vào sâu giữa làng trước tối nay. Bà con đã thực hiện xong việc chằng chống bảo vệ nhà cửa và đưa thuyền lên bờ cất giữ.
Tại huyện Lệ Thuỷ, những xã vùng sâu dễ bị ngập lũ do mưa trước bão cũng được UBND huyện đôn đốc bà con kê cất lúa và tài sản lên chỗ cao, đồng thời sẵn sàng di dời lên cao nếu có lũ lớn.
Từ sáng nay, UBND tỉnh đã cử nhiều đoàn kiểm tra xuống các huyện, xã để cùng kiểm tra các công trình thuỷ lợi như Vực Nồi, Vực Sanh, Rào Đá... Các điểm trọng yếu về neo đậu tàu thuyền như ở Cảng Gianh, Nhật Lệ, Cảnh Dương, Roòn và vùng trọng yếu về công trình lớn của Nhà nước như tại cảng Hòn La... Tại các vùng ven sông, cửa sông, ven biển có nguy cơ sạt lở các địa phương đã cắt cử người túc trực 24/24g nhằm ứng cứu người và tài sản...
Lực lượng ứng cứu của công an, quân sự và bộ đội biên phòng đã trực chiến trước trong và sau bão.
Quảng Trị: triển khai ứng cứu tại chỗ
Cho đến thời điểm này, toàn bộ hơn 2.400 tàu thuyền của ngư dân Quảng Trị đánh cá ngoài khơi đã được kêu gọi vào bờ an toàn.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh cũng đã tích cực chia người về các huyện ven biển như Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh để hướng dẫn người dân chằng níu lại nhà cửa, trong đó đặc biệt ưu tiên việc đảm bảo an toàn cho các trường học, trạm xá...
Tại âu thuyền cảng Cửa Việt và Cửa Tùng, tàu thuyền của ngư dân vào trú bão cũng đã được hướng dẫn neo đậu để giảm thiệt hại của bão.
Phóng to |
Một người dân ở thị trấn Hải Lăng chuyển bao cát lên gia cố mái nhà |
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đến thời điểm này vẫn chưa có phương án di dời dân, mà chủ yếu vận động người dân thực hiện phương châm tự ứng cứu tại chỗ. Trong đó, phương án di dời những hộ dân ở nhà tạm lên các nhà kiên cố trong khu vực được đặc biệt khuyến khích thực hiện.
TTO sẽ liên tục cập nhật tình hình bão số 4. Mời bạn đọc đón theo dõi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận