TTO - Từ trước đến nay đã có bao nhiêu cô cậu trò giỏi nhà nghèo phải gác mộng sinh viên? Tôi không thể biết hết cho đến một ngày tôi gặp Nguyễn Thanh Lập, cậu học trò nghèo thôn An Tiêm, xã Triệu Thành, hai năm liền đậu rất cao Đại học Bách khoa TP.HCM nhưng vẫn không thể nhập học vì nhà nghèo quá.

Ngày 5-9-2003, đưa con gái đi khai giảng ở Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Đông Hà), tôi gặp anh Phạm Đức Châu (sau này anh Châu là phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị). Khi đó anh Châu đang làm chủ tịch Hội phụ huynh học sinh của trường tiểu học. Anh Châu như nhớ ra điều gì vội nói với tôi: "Hôm qua, anh gặp một em học sinh ở Thành cổ Quảng Trị. Em ấy đậu đại học hai năm liền nhưng không có tiền đi học".

20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 1.

Nguyễn Thanh Lập năm 2003

Tôi hỏi địa chỉ cụ thể thì anh không biết, nhưng chỉ biết bố em ấy trước đây có tiệm đóng giày tên là Tân Lập. Những người thợ xây khi đập bỏ bức tường cạnh cái quán đóng giày nhỏ của ông đã bất cẩn để tường sập đè lên, khiến ông thiệt mạng.

Ngay lúc đó, tôi gửi con gái mình cho cô giáo chủ nhiệm, nhờ cô trông hộ khi khai giảng xong.

Tôi vội vàng phóng xe máy vô thị xã Quảng Trị. Việc hỏi tìm nhà cũng không mấy khó khăn vì thị xã vốn nhỏ. Tôi tìm về nhà Lập, ngôi nhà nhỏ tạm bợ nép trên mảnh ruộng bên đường từ thị xã Quảng Trị về Cửa Việt, thuộc xóm Rào, xã Triệu Thành (Triệu Phong).

Không biết nói thế nào về gia cảnh này. Mẹ Lập, bà Lan, khi đó 60 tuổi, bao nhiêu năm nay nuôi bảy đứa con nhờ vào gánh hàng rau củ bán ở chợ thị xã. 

Tôi hỏi tìm Lập thì em đã vào TP.HCM để xin bảo lưu kết quả, dù năm trước em cũng từng đậu Đại học Bách khoa và trong khi bạn bè tíu tít tựu trường, em nuốt nước mắt cầm cái bay theo nhóm thợ xây đi phụ hồ kiếm sống.

Bài báo về Lập "Hai lần đậu đại học, nhưng cổng trường vẫn xa" đăng ngay hôm sau đó, ngày 6-9-2003, đã gây nên sự xúc động lớn trong bạn đọc.

20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 2.
20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 3.

Nguyễn Thanh Lập năm 2012, đang là kỹ sư phần mềm cho FPT TP.HCM

Và cũng từ một cuộc điện thoại khác của bạn đọc mách cho tôi biết có em Lê Minh Hiếu ở Hải Lăng (Quảng Trị) cũng cơ cực không kém và có nguy cơ không thể nhập học. Tôi lại tất tả đi tìm Hiếu. 

Câu chuyện "Giấc mơ vào đại học của Hiếu cà rem" đăng liền sau bài về Lập thực sự đã mở đầu cho nhiều câu chuyện cảm động khác về những "Trần Minh khố chuối" thời nay.

Cùng với nhiều bài viết khác của các đồng nghiệp trên mọi miền đất nước về các tân sinh viên nghèo đăng trên báo Tuổi Trẻ, ngay sau đó bạn đọc đã đặt vấn đề:  tại sao báo Tuổi Trẻ không khởi động một chương trình nào đấy giúp các sinh viên hoàn cảnh gieo neo này được đến trường?

20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 4.
20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 5.

Hiếu nay đã thành giáo viên dạy toán của Trường THPT Vĩnh Định tại quê nhà

Vậy là chương trình Vì ngày mai phát triển của báo có thêm một chương trình nhỏ mang tên "Tiếp sức đến trường" được thực hiện từ năm học 2003-2004 mà Lập, Hiếu… là những sinh viên Quảng Trị đầu tiên có tên trong số những tân sinh viên nhận học bổng từ chương trình này.

20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 6.

Anh Lê Quốc Phong, người chủ nhiệm tận tụy của CLB. Không chỉ lo cho con em Quảng Trị, anh cũng là người khởi xướng giải golf mang tên “Tiếp sức đến trường”

Bây giờ, học bổng Tiếp sức đến trường đã đi tới mùa thứ 20, số sinh viên nhận học bổng đã lên tới con số hơn 22.000, nhưng câu chuyện của những anh chị em nhà hảo tâm của CLB Nghĩa tình Quảng Trị vẫn ghi dấu như một sự tiên phong, đặc biệt là anh Lê Quốc Phong - nguyên tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền, người đồng hành không mệt mỏi của chương trình. Anh là người đứng ra tổ chức giải golf gây quỹ học bổng cho "chương trình lớn" của báo Tuổi Trẻ ngoài nhiệm vụ lo "chương trình nhỏ" cho sinh viên quê nhà.

20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 7.

Những tân sinh viên Quảng Trị được trao học bổng đợt đầu sau này cùng học tại ĐH Huế, cùng học thạc sĩ, người ở giữa Trần Kim Oanh sau này là tiến sĩ IT tại Hàn Quốc

Đất Quảng Trị có cả hàng trăm tân sinh viên như Hiếu, như Lập. Làm sao có đủ tài lực giúp cho những sinh viên nghèo này? Như một cơ duyên, thời điểm này (2004) Câu lạc bộ (CLB) những nhà doanh nghiệp Quảng Trị tại TP.HCM cũng được thành lập. 

Ngay trong buổi họp mặt đầu tiên ấy, CLB đã xác định ngoài việc hỗ trợ cho nhau trong chuyện làm ăn, tương trợ nhau khi hoạn nạn… thì mục tiêu chính trong giai đoạn này vẫn là hỗ trợ "Tiếp sức đến trường" cho các sinh viên quê Quảng Trị, rồi lâu dài sẽ hỗ trợ thêm các sinh viên quê miềng đang sống khắp mọi miền đất nước.

20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 8.
20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 9.

Lần đầu tiên (năm 2004) tổ chức chương trình nên hơi "khớp", anh em trù tính trao khoảng 20 suất, mỗi suất 2,5 triệu, tổng cộng chừng 50 triệu. Tính toán như vậy nhưng khi chúng tôi thông báo về chương trình này trên báo, có hơn 100 hồ sơ gửi về. Em nào cũng đáng được quan tâm, đáng được xem xét, nhưng tiền có hạn, biết làm sao để đáp ứng cho hết?

Nhưng rồi trước những hoàn cảnh quá khó khăn, ban tổ chức đã quyết định vận động các doanh nghiệp hỗ trợ thêm để nâng lên 30 suất, và đến phút chót đã là 33 suất, tổng trị giá 82,5 triệu đồng.

Không thể nói đấy là một số tiền lớn, nhưng với 2,5 triệu đồng cho một học sinh nghèo khó vùng nông thôn, số tiền ấy tương đương gần 2 tấn lúa, và các em có thể vượt qua những thách thức ban đầu của hành trình đại học.

Từ 33 suất học bổng của năm đầu tiên ấy, trong vòng gần 20 năm sau, số học bổng có năm lên tới 200 em và những năm gần đây số kinh phí cho học bổng đều từ 1 - 1,5 tỉ đồng/năm.

Có thể đó chưa phải là một số tiền lớn nhưng với những sinh viên nghèo, nó thực sự quý giá, đủ cho các em trang trải trong những ngày đầu gian khó.

20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 10.

Nguyên phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Vũ Văn Bình trao học bổng năm 2008

Và 20 mùa học bổng qua, những sinh viên nhận học bổng những đợt đầu tiên nay có người đã ra trường, có người săn được học bổng đi du học, làm thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Có người đã quay lại hỗ trợ từ số tiền mình kiếm được cho các thế hệ đàn em, khiến học bổng Tiếp sức đến trường càng ý nghĩa hơn trong sự sinh sôi đền đáp.

20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 11.

CLB Tiếp sức đến trường của Quảng Trị thu hút nhiều doanh nhân nước ngoài tham gia và tài trợ học bổng. Trong ảnh: Lãnh đạo Quảng Trị tặng hoa cho doanh nhân Singapore, một thành viên tham gia CLB Nghĩa tình Quảng Trị

Càng ý nghĩa hơn khi sau năm đầu tiên, những thông tin về chương trình này của CLB Quảng Trị đăng trên báo Tuổi Trẻ, nhiều doanh nhân các tỉnh thành khác đã bảo nhau: Quảng Trị làm được, vậy sao chúng ta có đồng hương rất thành đạt tại đây không tập hợp lại mà làm như Quảng Trị? 

Và từ đấy thêm nhiều CLB Tiếp sức đến trường các tỉnh thành ra đời, góp cùng những người làm báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình này.

Gần 20 năm qua, danh sách những sinh viên ngày nào nay trở thành những bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, nhiều người là doanh nhân thành đạt và trở lại giúp đỡ thế hệ đàn em. Những gương mặt ấy chúng ta có thể gặp lại trên trang báo mỗi mùa học bổng Tiếp sức đến trường.

20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 12.

20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 13.
20 mùa Tiếp sức đến trường: Tấm lòng những ngày đầu vượt khó - Ảnh 14.
LÊ ĐỨC DỤC
 LÊ ĐỨC DỤC - TỰ TRUNG
NGỌC THÀNH
9-8-2022

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0