27/03/2016 11:24 GMT+7

2 người thợ gò hàn cuối cùng ở Huế

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TT - Hơn 40 năm nay, cái âm thanh chan chát được phát ra từ tiệm gò hàn Thanh Phưỡng nằm bên hông chợ Đông Ba (TP Huế) đã quá quen thuộc.

Ông Đào Công Thanh hàn sản phẩm bằng phương pháp thủ công xưa nay - Ảnh: Nhật Linh
Ông Đào Công Thanh hàn sản phẩm bằng phương pháp thủ công xưa nay - Ảnh: Nhật Linh

Gọi là “tiệm” cũng chưa phải vì đó chỉ là chỗ làm việc nho nhỏ của hai người thợ Nguyễn Bá Phưỡng và Đào Công Thanh, ngay dưới tán cây gạo được gác tạm lên bằng những tấm bạt cũ kỹ che nắng mưa.

Giữa thời buổi công nghệ, máy móc hỗ trợ tối đa cho cuộc sống con người thì cái lò gò hàn Thanh Phưỡng trở nên đặc biệt. Đặc biệt vì mọi công đoạn gò, hàn, khoan, ép... đều được hai người thợ luống tuổi thực hiện hoàn toàn thủ công.

Thật dễ để nhận ra bởi giữa đống đồ nghề lỉnh kỉnh nào đe, búa, kéo cắt kim loại, bệ quay than bằng tay..., tuyệt nhiên không có một dụng cụ nào dùng năng lượng điện. Kể cả việc hàn kim loại cũng được thực hiện từ phương pháp nung nóng trên lò than.

Ông Nguyễn Bá Phưỡng (chủ tiệm, người vừa bước qua tuổi 60) cho biết năm 17 tuổi, khi nghề hàn gò thủ công đang hưng thịnh, ông theo học và ra nghề vài năm sau đó. Ông kể: “Hồi đó khách đặt hàng nhiều, việc làm không xuể, có khi phải thuê thêm thợ. Nhưng từ khi có máy móc xuất hiện, những tiệm gò hàn thủ công ít dần vì ế khách”.

Ông Đào Công Thanh, 52 tuổi với gần 40 năm tuổi nghề, cho biết cái duyên đưa ông đến với nghiệp này do gia truyền. Vì vậy với ông, nghề gò hàn thủ công không chỉ đơn thuần kiếm cơm mà còn mang cái gì đó thiêng liêng, như truyền thống mà ông hết lòng gìn giữ.

“Cha tôi là một thợ gò hàn nổi tiếng ở vùng Kim Long xưa. Cả gia đình tôi có sáu người con trai thì cả sáu đều nối bước ông cụ giữ nghề” - ông nói.

Ông Thanh kể thêm, ông và ông Phưỡng dọn về chợ Đông Ba mở tiệm làm gò hàn từ năm 1975. Về sau, có lúc làm ăn không được vì khách hàng chuộng gò hàn bằng máy. Tuy nhiên sau nhiều năm ế ẩm, người ta lại quay về ưa thích cách gò hàn thủ công do chất lượng sản phẩm làm bằng tay tốt hơn làm bằng máy.

“Nhiều khách hàng hài lòng với sản phẩm mà chúng tôi sửa chữa hay gia công cho họ. Rồi họ yêu mến nên đặt tên cho cái nơi này là tiệm Thanh Phưỡng chứ chúng tôi làm gì có tiền mà làm biển hiệu” - ông Phưỡng kể về sự hình thành “thương hiệu” gò hàn của hai ông, cũng là thương hiệu gò hàn thủ công cuối cùng ở TP Huế.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên