Sân vận động Mỹ Đình sẽ là nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc của SEA Games 31 năm 2021 - Ảnh: NAM KHÁNH
Thời điểm này công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 đang được đẩy mạnh. Tổng cục TDTT, Sở VH-TT Hà Nội liên tục có những cuộc làm việc, khảo sát các địa điểm thi đấu của đại hội.
Ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết trong tuần tới sẽ có những đánh giá chi tiết về 36 môn thi mà đại hội dự kiến tổ chức.
Không xây mới, tu sửa phải tiết kiệm
Trong số kinh phí dự kiến 2.100 tỉ đồng, kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao là 1.000 tỉ đồng, kinh phí tổ chức là 1.100 tỉ đồng. Nguồn thu dự kiến từ tổ chức SEA Games 31 là 190 tỉ đồng, bao gồm: thu ăn ở của các đoàn 100 tỉ đồng, bản quyền truyền hình 50 tỉ đồng, thu từ tài trợ 25 tỉ đồng...
Trước đó vào năm 2015, khi Bộ VH-TT&DL lần đầu tiên trình Chính phủ đề án đăng cai SEA Games 31 tại Hà Nội, kinh phí dự kiến lúc đó là 1.757 tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó TP.HCM có nguyện vọng đăng cai đại hội và có tờ trình Chính phủ năm 2018.
Thời điểm đó theo đề án đăng cai SEA Games 31 của TP.HCM, kinh phí để chuẩn bị và tổ chức đại hội lên tới 15.600 tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó TP.HCM đã xin rút không đăng cai đại hội vì không đủ thời gian để chuẩn bị do phải xây mới rất nhiều công trình thể thao.
Lý do khiến chi phí tổ chức SEA Games 31 ở con số tối thiểu là do không có bất cứ công trình nào được xây mới để phục vụ đại hội. Ông Nguyễn Văn Bình - vụ trưởng Vụ Tài chính, Tổng cục TDTT - cho biết với các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình lớn tại Hà Nội như ở Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình sẽ được lấy từ ngân sách trung ương. Riêng các công trình thể thao tại các tỉnh lân cận, tỉnh nào đăng cai tỉnh đó phải bỏ kinh phí để tu sửa, nâng cấp.
Nên hướng đến cuộc chơi fair play
Chủ nhà Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức 36 môn thi tại SEA Games 31, bao gồm: nhóm 1 là 2 môn thể thao bắt buộc (điền kinh, thể thao dưới nước) trong chương trình thi đấu của Olympic; nhóm 2 gồm 23 môn thể thao trong chương trình thi đấu của Olympic và Asiad; nhóm 3 gồm 11 môn thể thao khác như: cờ (cờ vua, cờ tướng), silat, vovinam, đá cầu, bi sắt, muay, lặn, thể hình...
Nhiều năm qua, câu chuyện nước nào là chủ nhà của SEA Games thì nước đó sẽ đứng đầu bảng tổng sắp huy chương đại hội khiến hình ảnh về SEA Games bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Ngay như tại SEA Games 30 này, Philippines tổ chức đến 56 môn thi và theo tính toán của các nhà chuyên môn, vị trí đứng đầu đại hội nhiều khả năng cũng sẽ thuộc về chủ nhà.
Vậy làm sao để Việt Nam hạn chế được việc đưa các môn thể thao thế mạnh của mình vào đại hội, không loại bỏ các môn, nội dung mà các nước khác mạnh để tranh huy chương là câu chuyện rất đáng bàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tổng cục TDTT nói: "Đến lúc này ở ngành thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam cũng có hai quan điểm. Có ý kiến vẫn cho rằng các nước làm thế nào thì mình làm vậy, chủ nhà đương nhiên có lợi thế, có cơ hội để nhất toàn đoàn. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên biến SEA Games 31 thành Asiad thu nhỏ.
Làm sao đại hội phải thể hiện được đúng thực trạng phát triển của thể thao Việt Nam ở khu vực thay vì tìm mọi cách để đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Xét một cách khách quan, Thái Lan vẫn là quốc gia số 1 Đông Nam Á, vị trí thứ 2 - 3 là cuộc cạnh tranh của: Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Singapore. Nếu tôi được quyết định số môn thi của SEA Games 31, tôi chỉ tổ chức các môn thi có trong chương trình thi đấu của Olympic, Asiad".
Dự kiến có 20.000 người tham dự
SEA Games 31 dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 21-11 đến 2-12-2021 tại Hà Nội và một số địa phương lân cận như: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Ninh Bình, Hải Phòng... Đại hội sẽ có sự tham dự của 11 quốc gia với gần 20.000 người, trong đó: 3.100 người là trưởng đoàn, cán bộ, HLV; 7.000 VĐV; 1.000 phóng viên; 2.300 trọng tài; 3.000 tình nguyện viên...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận