13/09/2011 06:50 GMT+7

18.026 tin nhắn góp đá

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Tính đến 17g ngày 12-9, đầu số 1408 - chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của báo Tuổi Trẻ và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) phối hợp thực hiện - đã nhận được 18.026 tin nhắn ủng hộ quỹ với số tiền 288,416 triệu đồng.

LftAerUF.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Quang Huy nhắn tin “Góp đá xây Trường Sa” trong ngày đầu tiên phát động - Ảnh: N.Khánh
fQ4tcjdb.jpgPhóng to
Nam ca sĩ Dương Quốc Hưng và diễn viên điện ảnh Hiền Mai hưởng ứng nhắn tin “Góp đá xây Trường Sa” - Ảnh: T.T.

Theo ghi nhận từ đầu số 1408 (thuộc tổng đài 1400), số điện thoại đầu tiên nhắn tin ủng hộ là thuê bao ở TP.HCM vào lúc 0g31’41” ngày 10-9, ngay sau khi đầu số được mở hơn nửa giờ. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, chủ thuê bao này là một nhà báo đã có nhiều bài viết về Trường Sa, nhà giàn DK1..., là người luôn ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và tham gia nhiều chương trình ủng hộ Trường Sa.

Trong những ngày đầu triển khai thực hiện tin nhắn đến đầu số 1408, Tuổi Trẻ nhận được phản hồi của nhiều bạn đọc không thể nhắn tin được đến đầu số này. Tuổi Trẻ đã liên lạc với các mạng di động để xử lý về trục trặc trên, bước đầu xác định do lỗi kỹ thuật và các nhà mạng đã tiến hành khắc phục.

Nhật ký nhắn tin

Sau ba ngày, đầu số 1408 ghi nhận thuê bao nhắn tin nhiều nhất với 67 tin nhắn (tương đương 1.072.000 đồng). Chủ thuê bao trên là anh Nguyễn Quang Huy, phó giám đốc Trung tâm tin học - thư viện Đại học Phương Đông.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Huy tâm sự đây là một chương trình rất ý nghĩa, thiết thực, khơi gợi lòng yêu nước của thanh niên và nhân dân VN nói chung. Anh Huy là độc giả thường xuyên của Tuổi Trẻ, đã biết chương trình “Góp đá xây Trường Sa” từ lâu. Sáng 10-9, sau khi đọc báo, biết đầu số nhắn tin 1408, anh Huy đã dùng điện thoại của mình nhắn tin để ủng hộ (tính đến 17g ngày 10-9, anh Huy đã nhắn 45 tin). Anh cho biết cả buổi chiều trực tuyển sinh tại trường, anh liên tục nhắn tin vì đây là cách thiết thực nhất để ủng hộ Trường Sa thân yêu.

Không những vậy, anh Huy còn giới thiệu cho bạn bè, đồng nghiệp biết chương trình và nhiều người đã cùng ông nhắn tin đến đầu số 1408 để mỗi tin nhắn thật sự là một viên đá xây Trường Sa. Tâm sự với Tuổi Trẻ, anh Huy cho biết sẽ còn tiếp tục nhắn tin và vận động bạn bè, người thân ủng hộ chương trình này. “Nhắn tin ủng hộ Trường Sa chính là hành động thiết thực nhất để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” - anh Huy nói. Không chỉ nói, anh Huy tiếp tục nhắn tin và đạt con số 67 tin nhắn sau ba ngày đầu số 1408 đi vào hoạt động, là người nhắn tin nhiều nhất tính đến nay.

Là một trong 10 người nhắn tin nhiều nhất tới đầu số 1408, anh Lê Văn Dương (28 tuổi, quê Hải Phòng), hiện là nhân viên bảo vệ thuộc Công ty bảo vệ Hưng Phát, TP.HCM, tâm sự anh đã nhiều lần muốn đóng góp cho Trường Sa nhưng chưa có cơ hội. Đặc thù công việc của anh Dương nay đây mai đó, hai vợ chồng vẫn phải thuê nhà trọ, thu nhập thấp so với mặt bằng chung nhưng khi biết có chương trình trên báo Tuổi Trẻ, cả hai cùng nhắn tin ủng hộ.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống bảo vệ Tổ quốc, nhiều người thân đã gia nhập quân ngũ, chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, anh Dương hiểu được sự vất vả của người lính, nhất là lính đảo xa quê, luôn nghĩ đến những người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền đất nước. Điều đó đã thôi thúc anh Dương bàn với vợ cố gắng dành một vài trăm nghìn mỗi tháng, tích cóp để mang đến báo Tuổi Trẻ ủng hộ chương trình. Tuy nhiên từ khi biết có đầu số 1408, hai vợ chồng quyết định nhắn tin là cách thiết thực nhất, nhanh nhất để ủng hộ việc xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa, khẳng định chủ quyền đất nước. “Nếu có một chương trình nào xây dựng Trường Sa, tôi tình nguyện xung phong ra đảo, kể cả làm không công bởi được phục vụ Tổ quốc là tâm nguyện của tôi” - anh Dương nói.

Mở rộng vùng phủ sóng góp đá

Đầu số 1408 cũng ghi nhận nhiều thuê bao nhắn hàng chục tin nhắn liên tục ngay từ ngày đầu tiên triển khai, ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của báo Tuổi Trẻ, trong đó có nhiều thuê bao từ các tỉnh biên giới đến vùng duyên hải, Tây nguyên... Đánh giá về chương trình và đầu số 1408, ông Trần Duy Phương - phó tổng giám đốc VTC - khẳng định việc triển khai tổng đài sẽ mở rộng vùng phủ sóng của chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, thu hút được nhiều người tham gia chương trình.

Theo ông Phương, chương trình của báo Tuổi Trẻ đã được nhiều độc giả biết đến nhưng không phải người dân nào, nhất là vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo có điều kiện đến tòa soạn hay các cơ quan đại diện để ủng hộ. Do đó, triển khai được đầu số 1408 sẽ mở ra một phương thức ủng hộ mới cho chương trình, đồng bào ở bất cứ đâu cũng có thể thực hiện được chỉ với cú pháp “truongsa” và gửi đến 1408.

Và như vậy, chúng ta sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức giữ gìn chủ quyền dân tộc, biển đảo của VN.

xalajDVB.jpgPhóng to

_______________________

Thi viết “Cảm xúc Trường Sa”

Tiếp nối những câu chuyện của người trong cuộc trong loạt bài “Nhật ký Trường Sa”, báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi viết “Cảm xúc Trường Sa”.

Cuộc thi nhằm làm cầu nối giữa đất liền với biển đảo để bạn đọc kể lại kỷ niệm đáng nhớ, chia sẻ tình cảm và bày tỏ suy nghĩ về chủ quyền biển đảo nói chung và Trường Sa nói riêng.

Cuộc thi dành cho tất cả bạn đọc báo Tuổi Trẻ, đặc biệt là những người đã trải nghiệm ở Trường Sa.

Hình thức thể hiện và gửi bài:

Bài viết tham dự không quá 1.000 chữ dưới dạng những lá thư hay những tâm sự, gửi gắm, chia sẻ giữa Trường Sa với đất liền cũng như giữa đất liền với Trường Sa.

Bài dự thi gửi về email: truongsa@tuoitre.com.vn hoặc địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, xin ghi rõ: Bài tham dự cuộc thi “Cảm xúc Trường Sa”.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải nhất: một giải thưởng đặc biệt (dự kiến là chuyến đi đảo xa) + 5 triệu đồng

- 2 giải nhì: một chuyến đi đảo xa + 2 triệu đồng

- 3 giải ba: một chuyến đi đảo xa

- 10 giải khuyến khích: 2 triệu đồng

Tất cả bài viết được chọn đăng báo đều có nhuận bút.

Thời hạn nhận bài:

- Từ nay đến ngày 28-2-2012

- Công bố trao giải và giao lưu vào cuối tháng 3-2012.

TUỔI TRẺ

_______________________

Những bài dự thi đầy cảm xúc

Nhiều bài dự thi đã bắt đầu được bạn đọc gửi về hộp thư truongsa@tuoitre.com.vn, mỗi bài viết là một lời chia sẻ của bạn đọc Tuổi Trẻ dành cho các chiến sĩ, dành cho mảnh đất Trường Sa thân yêu như tâm sự của bạn đọc Trần Văn Tám (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM) với tác phẩm “Các anh chiến sĩ Trường Sa thân mến”.

Kỳ công hơn là bài của tác giả Phạm Nguyễn “Nơi an nghỉ ở Trường Sa” kèm theo hình ảnh về Trường Sa mà tác giả đã ghi nhận được trong chuyến ra thăm nơi đây.

Nhẹ nhàng hơn là câu chuyện của bạn đọc Dương Thị Hiền (TP Huế), kể về những lá thư của mình được các anh bộ đội Trường Sa trân trọng và ngược lại, những chiếc vỏ ốc từ đảo xa gửi về như sợi dây gắn kết người lính đảo và cô gái hậu phương... Ngoài ra hộp thư còn nhận được tác phẩm “Con đường chạy thẳng vào tim” của bạn đọc Nguyễn Hòa (TP.HCM), “Góp đá Trường Sa” của bạn Vân Du, “Thư gửi các anh” của bạn Triệu Ngọc Diệp (SV Trường ĐH Y dược TP.HCM)...

BTC

FwvKg5xr.jpgPhóng to

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên