09/07/2016 09:42 GMT+7

18 tuổi, đôi chân em dừng lại

T.B.DŨNG - D.NGUYỄN
T.B.DŨNG - D.NGUYỄN

TTO - Hôm qua 8-7, bác sĩ Trần Thị Trinh Hạnh - phó khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy - nói về tình hình của Lý Thị Ngọc Hân (xã Đắk Ya, Mang Yang, Gia Lai) rằng: “Đây là ca tổn thương nặng.

Lý Thị Ngọc Hân được mẹ chăm sóc tại Bệnh viện Chợ Rẫy 
- Ảnh: D.NGUYỄN
Lý Thị Ngọc Hân được mẹ chăm sóc tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: D.NGUYỄN

Trong thời gian điều trị sắp tới, khó có thể nói trước thời gian điều trị bao lâu nhưng Hân sẽ phải trải qua nhiều ca phẫu thuật vạt cơ vi phẫu, lấy da có đủ khả năng nuôi sống mạch máu để ghép da những vùng bị lòi xương của chân trái, trong khi chân phải của em vĩnh viễn không còn nữa.

Hiện tại, khoa dinh dưỡng của bệnh viện cũng đang phối hợp để bổ sung đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân đủ sức vượt qua những ca phẫu thuật trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần ăn uống đầy đủ mới hợp tác với bác sĩ điều trị hiệu quả”.

Cô gái tuổi 18 bị tai nạn giao thông ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ước mơ của cô gái đã gửi lại trên đường khi một con bò băng qua đường, cùng lúc một xe tải lao tới...

“Suốt chuyến chuyển bệnh từ Gia Lai xuống, con cứ liên tục hỏi han mẹ đủ thứ: ba mẹ đi cùng với con rồi ai lo cơm nước cho em ở nhà, đầu con không bị gì mà sao máu ở đâu dính đầy mặt con vậy mẹ, sao mọi người nhìn con khóc dữ vậy mẹ?...

Nghe con hỏi mà không dám trả lời câu nào” - bà Nguyễn Thị Diễm Trinh, mẹ của Hân, kể. Nằm ở lầu 5, phòng số 4 khoa chấn thương chỉnh hình, Hân mê man, lâu lâu than đau rồi lịm ngủ đi.

Khi ý thức được tình trạng của mình, Hân buồn khóc với mẹ: “Chân con vầy rồi sao lo được cho mẹ nữa”...

Sáng 7-7, chúng tôi về thăm ngôi nhà của cô học trò Lý Thị Ngọc Hân.

Bà Nguyễn Thị Hương - người hàng xóm nơi Hân ở - chạy qua hỏi thăm, rồi thấy hình cô học trò nằm trên giường bệnh với bàn chân quấn băng trắng thì nức nở: “Nó ngoan lắm, nhà nghèo nhất xóm nhưng được cái lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan. Mấy hôm nay chúng tôi đang đi xin bà con để góp được cho cháu đồng nào hay đồng đó, gửi vào cho nó điều trị”.

Bà Hương cho biết trong thôn gia đình Hân thuộc diện nghèo. Bố Hân đi làm thợ đụng, công việc cũng đứt đoạn nên chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Gánh nặng con cái học hành, nhà cửa đổ lên gánh hàng bún mà mẹ Hân mở trước cổng trường cấp II.

Những ngày hè và lúc mưa gió, gánh bún ấy trống trơn, lạnh ngắt, không có ai tới ghé ăn. Cả nhà Hân phải chạy vạy đi vay mượn để lo từng bữa. Ngôi nhà mà cả bốn người gia đình Hân đang tá túc mấy chục năm nay là nhà mướn của một người tốt bụng.

Cô Huỳnh Thị Loan - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C7 nơi Hân vừa kết thúc ba năm cấp III - kể trong xót xa: “Lớp của Hân học là lớp chọn, dù biết hoàn cảnh mình khó khăn nhưng ở Hân lúc nào cũng thấy sự hồn nhiên vui vẻ.

Hân hay kể với mình rằng ban ngày đi học nhưng tối về phải đi ra thị trấn phụ bán quán theo giờ để kiếm tiền học.

Hôm thấy Hân chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp, tôi hỏi sao không vào đại học thì Hân buồn bã: “Nhà con nghèo quá. Con sẽ ở nhà đi bán quán khoảng một năm rồi năm sau dành tiền đi học trung cấp. Con sẽ thành cô giáo nuôi dạy trẻ...”.

“Mẹ cháu kể rằng lúc tỉnh dậy, thấy mẹ Hân ngồi khóc, buồn nên Hân cầm tay mẹ bảo mẹ đừng buồn nữa, con biết hết rồi. Chân con mất rồi, con chấp nhận số phận, chỉ mong mẹ đừng đau lòng vì con mà ngã bệnh...” - cô Loan nói thêm.

Nghe cô giáo Loan kể, mấy người hàng xóm ôm mặt khóc.

Rồi có người kể lúc nhập viện ở Bệnh viện Gia Lai, bác sĩ bảo một chân đã mất hẳn nên một người thân của Hân chạy xe máy, bọc cái chân đó chở về nhà để gửi chùa chôn cất. Mọi người không biết nói làm sao khi thấy cảnh đau đớn đó...

T.B.DŨNG - D.NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên