Hội nghị giao ban chuyên đề tại Thành ủy TP Thủ Đức ngày 12-11 - Ảnh: D.N.HÀ
Một tháng mới đình chỉ được công trình
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết có 91 vụ xây dựng trái phép từ tháng 1 đến tháng 10-2021 trên địa bàn TP Thủ Đức, giảm hơn 60% so với thời điểm tháng 10-2020.
Tuy nhiên, trên địa bàn TP Thủ Đức còn 2.208 công trình trái phép đã có quyết định xử phạt nhưng chưa được tháo dỡ.
Một công trình xây dựng đã bị xử phạt nhưng chưa cưỡng chế tháo dỡ trên địa bàn TP Thủ Đức - Ảnh: D.N.HÀ
Theo các đại biểu dự hội nghị, nguyên nhân của tình trạng chậm cưỡng chế tháo dỡ các công trình đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính là do các thủ tục.
Điển hình như vụ 17 biệt thự trong dự án do Công ty Dịch vụ công ích quận 4 làm chủ đầu tư ở phường Thảo Điền đã vi phạm từ năm 2017 đến nay chưa bị cưỡng chế tháo dỡ. "UBND phường được giao đình chỉ thi công nhưng các chủ đầu tư công trình không chấp hành quyết định xử phạt, cố tình vi phạm bằng nhiều cách, nhiều hình thức…
Quy định công an có quyền trục xuất người và phương tiện vi phạm ra khỏi công trình. Tuy nhiên, trường hợp người nước ngoài đăng ký lưu trú qua hệ thống tại Công an TP.HCM về ở tại địa chỉ vi phạm nên công an phường không trục xuất được", đại diện phường Thảo Điền nêu khó khăn và đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ phường sớm xử lý dứt điểm cụm công trình vi phạm này.
Theo Đội trật tự đô thị TP Thủ Đức, hiện đã hoàn thành phương án tháo dỡ 7 trong 17 căn biệt thự nêu trên. Đơn vị này đang thực hiện các quy trình để chuyển Sở Xây dựng thẩm định trong thời gian tới.
Phòng quản lý đô thị Thủ Đức cho biết theo quy định thì chi phí thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm xây dựng do người vi phạm chịu, tuy nhiên thực tế không thu được số tiền này nên hầu như kinh phí cưỡng chế tháo dỡ công tình xây dựng trái phép do cơ quan chức năng tạm ứng.
"Với 446 quyết định xử lý vi phạm hành chính dự kiến sẽ cưỡng chế trong năm 2022, dự trù kinh phí cưỡng chế lên hơn 51 tỉ đồng. Hiện các đơn vị đang tham mưu để UBND TP Thủ Đức trình UBND TP xem xét phân bổ dự toán.
Ông Nguyễn Hoàng Thắng, trưởng Công an TP Thủ Đức, cho rằng nên xem lại quy trình xử lý vi phạm xây dựng hiện hành. "Từ khi phát hiện công trình vi phạm đến khi ra quyết định đình chỉ thi công mất 1 tháng, đủ thời gian để người vi phạm xây dựng xong căn nhà. Thủ tục kéo dài nên việc ngăn chặn xây dựng trái phép không hiệu quả, cần phải kiến nghị sửa đổi quy định này", ông Thắng nói.
Thu hồi máy móc xây dựng ở công trình trái phép?
Đại diện một số phường cho rằng nguyên nhân xây dựng trái phép có một phần bắt nguồn từ các khu quy hoạch và dự án chậm triển khai. Khi người dân có đất, có tiền nhưng không được xây dựng hợp pháp nên phát sinh trái phép.
Đại diện phường Trường Thạnh kiến nghị xem xét lại quy hoạch khu trung tâm hành chính quận 9 cũ vì hiện người dân đã xây dựng dày đặc rồi. Vị này kiến nghị cho lập quy hoạch 1/2000 khu vực này, còn nếu vẫn giữ lại quy hoạch trung tâm hành chính cũ (từ năm 1999) thì nhà nước có kế hoạch bồi thường để dân tạo lập cuộc sống mới.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cũng kiến nghị rà soát lại các đồ án quy hoạch, đề xuất điều chỉnh đồ án không còn phù hợp để giải quyết quyền lợi về nhà, đất của người dân.
Một khu quy hoạch chậm triển khai tại phường Tam Phú được treo bảng báo để hạn chế xây dựng trái phép - Ảnh: D.N.HÀ
Chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, bí thư Thành ủy Thủ Đức, yêu cầu các phường rà soát và báo cáo tình hình quy hoạch làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, những quy hoạch 1/500 không còn phù hợp và có những đề xuất để cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
"Kiến nghị UBND TP ủy quyền cho UBND TP Thủ Đức điều chỉnh cục bộ quy hoạch ở những khu nhà ở lỗi thời bất cập, và chịu trách nhiệm trước người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, thủ tục điều chỉnh này mất nhiều thời gian", ông Hiếu nói.
Về biện pháp ngăn chặn thi công, bí thư Thành ủy Thủ Đức gợi ý các phường nghiên cứu áp dụng biện pháp tịch thu máy móc, thiết bị đang thi công công trình vi phạm, cũng như UBND TP Thủ Đức xây dựng quy trình xử lý vi phạm nhanh.
"Nếu quy định hiện hành chưa có, Thủ Đức có thể xin thực hiện thí điểm trước", ông Hiếu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận