22/03/2019 20:03 GMT+7

157 đường ở TP.HCM cam kết 'lập lại trật tự', chỉ 34 đường thông thoáng

THU DUNG
THU DUNG

TTO - Chiều 22-3, UBND TP.HCM, Ban An toàn giao thông TP.HCM tổ chức hội nghị “Tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019”.

157 đường ở TP.HCM cam kết lập lại trật tự, chỉ 34 đường thông thoáng - Ảnh 1.

Nhiều người lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khu vực công viên Gia Định (Q.Gò Vấp) để buôn bán - Ảnh: tư liệu

Hội nghị có sự tham dự của phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tường - phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP - cho biết trong năm 2018, các đơn vị đã tích cực thực hiện các giải pháp kéo giảm ùn tắc, xóa điểm đen tai nạn giao thông, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè… đem lại hiệu quả to lớn.

Tuy nhiên, tình trạng mất trật tự lòng lề đường, họp chợ tự phát vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, gây mất trật tự an toàn giao thông. Trong 157 tuyến đường mà các quận, huyện đăng ký lập lại trật tự lòng lề đường vẫn còn nhiều tuyến chưa thông thoáng như đã cam kết.

Cụ thể, trong số 157 tuyến đường đã cam kết chỉ có 34 tuyến đã được thông thoáng (chiếm 21,7%), còn lại 109 tuyến có chuyển biến nhưng không đáng kể (chiếm 69,4%) và 14 tuyến đường bị đánh giá phức tạp (chiếm 8,9%).

Trước đó, Ban An toàn giao thông TP ký kết giao ước thi đua với 24 quận, huyện về công tác đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè. Theo đó, các quận huyện đăng ký 157 tuyến đường, 43 khu vực cần xóa, 101 khu vực cần chấn chỉnh, đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè.

Trong thời gian qua, các quận huyện đã chủ động triển khai sắp xếp lại trật tự lòng lề đường, bố trí các hộ kinh doanh hàng rong, các khu chợ tự phát thành khu tập trung để quản lý nhưng không xuể. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng lập hơn 48.000 biên bản vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, xử phạt hơn 20 tỉ đồng.

Ông Tường cho biết những người lấn chiếm lòng đường, vỉa hè buôn bán ngày càng tinh vi. Họ sử dụng xe đẩy di động, khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì đẩy sang chỗ khác nên rất khó xử phạt nghiêm.

Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định việc đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè, đảm bảo an toàn giao thông góp phần to lớn trong phát triển kinh tế - chính trị của TP.HCM nên rất cần được quan tâm thực hiện.

Ông Phong cũng cho biết thường xuyên nhận được tin nhắn phản ánh từ người dân về vấn đề vỉa hè, lòng đường nhếch nhác. Có những đoạn vỉa hè ở quận 1 sau khi dọn dẹp lại bị lấn chiếm để buôn bán.

Trong năm 2019, các quận huyện cần mạnh tay lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng mặt tiền nhà để kinh doanh, buôn bán, chiếm vỉa hè để bán hàng khiến đường sá nhếch nhác.

Đồng thời, các quận, huyện căn cứ vào đặc điểm lòng đường, vỉa hè ở địa phương để xây dựng đề án quản lý lòng lề đường làm cơ sở quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè cho phù hợp. Tăng cường phối hợp giữa các ban ngành và phường xã, phối hợp các khu công nghiệp hình thành các siêu thị, chợ, điểm mua sắm, tuyệt đối không để hình thành chợ tự phát xung quanh các khu công nghiệp. 

Hiến kế giành lại vỉa hè Hiến kế giành lại vỉa hè

TTO - Dành 1,5m vỉa hè, lề đường cho người đi bộ, phần còn lại sẽ sử dụng như thế nào? Tuổi Trẻ tiếp tục nhận được ý kiến phản hồi của bạn đọc về câu chuyện vỉa hè đô thị.

THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên