30/12/2018 11:11 GMT+7

14.000 người tị nạn mắc kẹt ở Indonesia

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Indonesia hiện là nơi cư trú của hơn 14.000 người tị nạn ở nhiều nơi trên thế giới. Họ rời quê hương để trốn chạy chiến tranh, đàn áp chính trị, áp bức và bất bình đẳng xã hội.

14.000 người tị nạn mắc kẹt ở Indonesia - Ảnh 1.

Mozhgan (phải) tìm thấy niềm vui khi nhìn thấy nụ cười của những người có tình trạng tương tự như cô - Ảnh: AA Mediacorp

Tất cả những người tị nạn như chúng tôi đều có cuộc sống giống nhau. Có người giàu, người nghèo, người sống trên đường phố, người phản đối, người có học vấn cao, người chưa bao giờ đến trường. Tuy nhiên, cuộc sống của tôi là cuộc sống của họ.

Mozhgan chia sẻ

Hầu hết những người này đến từ Trung Đông và châu Phi, đặc biệt là từ các quốc gia như Afghanistan, Somalia và Myanmar. Mỗi người mang theo một câu chuyện riêng với nhiều ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng...

Trốn chạy và mắc kẹt

Đài ChannelNewsAsia của Singapore ngày 29-12 cho biết tất cả những người tị nạn ở Indonesia, quốc gia có số lượng người Hồi giáo đông nhất thế giới, đều có điểm chung là luôn cảm thấy bất an, nhưng họ luôn giúp đỡ lẫn nhau.

Sau nhiều năm lẩn trốn tại quê hương, mất nhà cửa và bị gắn mác kẻ thù của chế độ vì ủng hộ phong trào cấp tiến, gia đình Mozhgan Moarefizadeh quyết trốn chạy khỏi một Iran đang chia rẽ sâu sắc. Thời điểm đó là đầu năm 2013. Lối thoát duy nhất của gia đình Mozhgan lúc ấy là Indonesia. 

"Đó là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi" - Mozhgan của 6 năm sau chia sẻ. Khi gia đình Mozhgan đến Jakarta, những kẻ buôn người hứa hẹn sẽ đưa Mozhgan, ba mẹ và em trai đến Úc.

Những người di cư thường xuyên chết trên biển và chính quyền Indonesia và Úc bắt đầu giáng những đòn mạnh vào các hoạt động buôn người, chặn thuyền và đưa người tị nạn quay lại nơi xuất phát. Sau khi bị bắt và thả ra hai lần, trong lần thứ ba rời Indonesia đến Úc, Mozhgan đã quyết định bỏ chạy. 

Thuyền rời đi mà không có gia đình Mozhgan. Sáng hôm sau Mozhgan phát hiện con thuyền bị lật và nhiều người trên thuyền thiệt mạng. Mozhgan còn sống nhưng cánh cửa để thoát hiểm đã đóng lại từ đây.

"Điều đó giống như bạn đang sống nhưng bạn không thật sự được sống. Tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải đấu tranh vì một tương lai vô định. Tôi không biết phải mất bao lâu. Tôi đến đây trong 3 ngày và mắc kẹt lại đây trong 6 năm rồi" - cô gái 27 tuổi nói thêm.

Indonesia đã không ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về người tị nạn năm 1951. Hiệp ước này quy định quyền của những người xin tị nạn và trách nhiệm của các quốc gia tiếp nhận họ. Do đó người tị nạn tại Indonesia đối mặt với nhiều vấn đề hơn. 

Pháp luật không cho phép họ làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào hay học tại một ngôi trường Indonesia. Kết quả là những người tị nạn luôn cảm thấy bất an và bị xã hội thờ ơ. Họ cũng gặp phải những vấn đề tâm lý nghiêm trọng với nhiều trường hợp tự tử.

Không bao giờ là nhà

Đại đa số những người tị nạn được công nhận như trường hợp của Mozhgan đang chờ để được tái định cư ở một nước thứ ba bởi vì Indonesia sẽ không bao giờ trở thành nhà của họ. Thời gian chờ đợi có thể dài vô hạn. Những người này cho biết Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) từng nói rằng họ có thể không bao giờ đến được một nước thứ ba.

Mozhgan trở thành một nhà lãnh đạo miễn cưỡng của cộng đồng người ngoại quốc tại Indonesia. Cô dùng khả năng ngôn ngữ để giúp những người khác thủ tục pháp lý để xin tị nạn tại đất nước này. Đối mặt với nhu cầu quá lớn, Mozhgan đã tạo ra trang thông tin Trung tâm Thông tin cho người tị nạn và tìm kiếm tị nạn (RAIC) được viết bằng 4 thứ tiếng và điều hành trang này cùng với mẹ.

Mozhgan cũng cung cấp các gói nhu yếu phẩm như bộ dụng cụ vệ sinh cho những người tị nạn đang phải kìm nén sự tuyệt vọng của họ. Dịp lễ Giáng sinh vừa qua Mozhgan cũng đã tổ chức một buổi trao đổi quà để thắp lên chút niềm vui cho những đứa trẻ ốm yếu bị bỏ rơi trên đường phố Indonesia. 

"Tôi luôn tự hỏi tương lai của tôi sẽ thế nào? Cuộc sống của chính tôi như thế nào? Tôi đã điền rất nhiều đơn tái định cư cho nhiều người và họ đã rời đất nước này nhưng sao tôi vẫn ở đây?" - Mozhgan tâm sự.

Mozhgan chỉ là một trong những người có tâm đứng lên giúp đỡ cộng đồng người tị nạn đa sắc tộc, đa quốc gia của chính họ. Những con người đang tuyệt vọng, trải qua một chương tồi tệ trong cuộc đời họ đã gạt những bất an của bản thân sang một bên vì lợi ích của những người khác.

8.600 Hiện nay Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đang giải quyết hồ sơ của khoảng 8.600 người tị nạn thuộc dự án được Chính phủ Úc tài trợ ở Indonesia. Việc thắt chặt kiểm soát biên giới Úc và việc chọn lọc số người tị nạn là một trong những nguyên nhân khiến giấc mơ về một nơi để bắt đầu cuộc sống mới của nhiều người tị nạn trở nên xa vời vợi.

IOM đã sắp xếp cho khoảng 98% người tị nạn trong dự án vào các cộng đồng dân cư xập xệ hoặc cung cấp chỗ ở tạm. IOM cấp trợ cấp hằng tháng, hỗ trợ về sức khỏe và tâm lý cũng như tư vấn về chuyện ăn học của người di cư.

Tuy nhiên, tốc độ người tị nạn được tái định cư đã chậm lại, biến những nỗ lực của IOM thành một dự án dài hạn hơn và không thể đoán được người tị nạn phải đợi bao lâu. Nhiều người tị nạn đã phải ngủ trên đường phố hơn một năm nay khi cảm giác bất an và bất lực của họ tăng theo từng ngày chờ đợi.

Cảnh khốn cùng của dân tị nạn bị kẹt ở biên giới Mỹ Cảnh khốn cùng của dân tị nạn bị kẹt ở biên giới Mỹ

TTO - Bị kẹt ở biên giới Mỹ - Mexico, hàng ngàn người tị nạn Mỹ Latin đang chen chúc sống trong những khu vực bẩn thỉu. Một số người đã đổ bệnh vì điều kiện vệ sinh tồi tàn.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên