10/10/2008 09:52 GMT+7

13 người tan vào đất đá

LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN
LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN

TT - Rạng sáng 31-10-1968, một trận bom cướp đi sinh mạng 11 cô gái và hai chàng trai cùng một đơn vị thanh niên xung phong ở Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An) khi đang bám trụ mặt đường cho đoàn xe ra tuyến trước. 100 ngày trước đó, chiều tối 24-7-1968, mười cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) hi sinh trong một trận bom khi đang làm đường.

Truông Bồn - 40 năm quên và nhớ

Kỳ 1:

M7vLc79M.jpgPhóng to

Vót cọc tiêu dẫn xe qua Truông Bồn (1968) ở đại đội TNXP 317 - Ảnh tư liệu

Đúng 6g10 sáng 31-10-1968. Chỉ vài giờ nữa, theo giờ GMT, sẽ là 0g ngày 1-11-1968, Mỹ sẽ thực hiện “ném bom hạn chế” trên miền Bắc.

Hi sinh trước cánh cửa ước mơ

Chỉ chưa đầy một giờ nữa, đúng 7 giờ sáng, Cao Ngọc Hòa - tiểu đội trưởng tiểu đội 6 và Nguyễn Thị Tâm - tiểu đội 2 thanh niên xung phong (TNXP) sẽ đưa nhau về nhà của Tâm để chú rể ra mắt nhà gái trong lễ đính hôn. Lúc đó, ở ngôi nhà nhỏ của Tâm, xóm 6, xã Hợp Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), mẹ và anh trai của Hòa mang theo cau trầu và mấy chai rượu đi bộ gần 30km từ xã Diễn Lộc (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đến ngồi chờ.

Chỉ chưa đầy một giờ nữa chị Đàm Thị Bốn sẽ được xuất ngũ về với mẹ do anh trai vừa hi sinh ở chiến trường, nhà không còn ai chăm nom mẹ.

Chỉ chưa đầy một giờ nữa Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Phan Thị Dung, Vũ Thị Hiên và Nguyễn Thị Phúc sẽ về nhà chuẩn bị đi học ở Trường trung cấp Y tế Nghệ An do thành tích công tác đủ ba năm ở tổng đội, những tờ giấy báo nhập học đang cột trong khăn mùi xoa buộc ở cổ tay.

Nhưng đúng 6 giờ 10 sáng 31-10-1968, cả tám chiến sĩ TNXP ấy cùng năm đồng đội khác là Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Đinh Thị Vinh và Trần Văn Hạp đã vĩnh viễn nằm lại sau trận bom tọa độ đánh phá tuyến giao thông Truông Bồn. Người trẻ nhất 17 tuổi, lớn nhất cũng chỉ 22 tuổi. Tất cả đã nằm lại với tuyến đường.

Đau đớn thay khi có bảy người trong số 13 liệt sĩ hi sinh hôm đó không tìm thấy chút xương thịt nào sau trận bom khủng khiếp ấy. Và mãi đến năm 1996, Truông Bồn mới được công nhận là một di tích lịch sử. Một tượng đài chiến thắng khiêm tốn được dựng lên để tưởng nhớ. Còn trong lòng những cựu TNXP Nghệ An, trong tâm khảm những người dân Đô Lương, Yên Thành…, sự hi sinh của “tiểu đội thép” TNXP Truông Bồn ấy vẫn không bao giờ bị quên lãng.

Truông Bồn nằm trên tuyến đường 30 thuộc đường chiến lược 15A, địa phận xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An), cách thành phố Vinh khoảng 40km về phía tây và cách huyện lỵ Đô Lương 10km về hướng nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn là huyết mạch giao thông chi viện nhân tài vật lực cho chiến trường miền Nam. Phát hiện đây là “yết hầu” của tuyến vận tải chiến lược nên từ 1964-1972 đối phương liên tục đánh phá ác liệt.

Hơn 200 cán bộ chiến sĩ, bộ đội phòng không, bộ đội công binh Quân khu 4 và đại đội 317, 314 TNXP của Nghệ An đã hi sinh và bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

(Nguồn: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An)

Trận bom định mệnh

Chúng tôi trở lại Truông Bồn đúng dịp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 14 chiến sĩ TNXP của đại đội 317, nhân kỷ niệm 40 năm ngày hi sinh của những TNXP Truông Bồn. Ngoài 13 anh chị em hi sinh sáng 31-10-1968, người duy nhất còn sống sót trong trận bom ấy là chị Trần Thị Thông, nay đã 63 tuổi, là nông dân sống ở ngoại ô thành phố Vinh.

Điều để nhận biết Truông Bồn vẫn nằm sâu trong lòng nhiều người dân xứ Nghệ là khi đến phường Đông Vĩnh hỏi đường về nhà chị Thông, nhiều người dân đã nhiệt tình: “Hỏi nhà o Thông Truông Bồn hả?” rồi tận tình chỉ dẫn. Ngôi nhà đơn sơ ngập trong lúa và rơm rạ giăng giăng từ ngõ vào sân. O Thông đang cặm cụi trên vuông sân để phơi thóc. Đã 40 năm kể từ trận bom định mệnh ấy.

Những hồi ức của buổi sáng 31-10-1968 ùa về rưng rưng đôi mắt người phụ nữ sắp lên lão: “Mấy bữa trước ít khi đi ra mặt đường sớm như rứa, nhưng đêm trước anh Thỏa, “xê” trưởng (đại đội trưởng), họp với các tiểu đội thông báo sáng mai (31-10) phải ra hiện trường sớm để bảo đảm thông đường cho xe. Trên dự báo vài giờ trước khi ngưng ném bom thế nào máy bay cũng oanh tạc dữ dội. Cả đêm ấy mấy chị em nằm ở nhà mẹ Thởm thao thức. Không phải vì nhiệm vụ mà vì ngày mai trong tiểu đội có mấy người ra quân, đứa về lấy chồng, đứa đi học… Chị em miên man rồi thiếp đi”.

Bốn giờ sáng, tiếng kẻng trực ban đại đội vang lên. Tất cả ra hiện trường, hôm nay tiểu đội chị Thông không làm ở phía trên dốc nơi đối phương thường đánh phá mà xuống quãng dưới xa hơn. Nhận khẩu phần mỗi người mấy lát mì luộc, vừa đi vừa ăn. Quốc lộ 15 bấy giờ là đường đất, còn hẹp lắm, không chỉ bom đánh mà chỉ một đoàn xe qua là đường đã bị cày xới lổn nhổn. Mải miết san lấp, trời vừa hửng sáng chợt nghe tiếng anh Hạp trực ban báo động máy bay. Anh Hạp chưa dứt lời đã nghe tiếng rú rít bổ nhào, theo phản xạ chị Thông nhảy xuống chiếc hầm bên vệ đường cùng anh Cao Ngọc Hòa và chị Đinh Thị Vinh, quờ tay đưa khẩu súng trường lên cao bắn báo động. Nhưng chỉ kịp đến thế thì hàng loạt bom trút xuống và chị không còn biết gì nữa.

Sau này chị nghe kể lại trận bom vừa dứt, toàn đơn vị ào xuống quãng đường vừa bị đánh bom. Tất cả chìm trong đất đá và khói bụi. Chị Hường phát hiện có một nòng súng nhô lên mặt đất, đó chính là khẩu súng trường của chị Thông. Chị Phan Thị Thao cùng đơn vị lao đến hét to: “Chị Thông dưới này!”. Cả đơn vị xúm lại đào bới, chị Thông nhờ đang ở động tác quỳ bắn nên chỉ đào sâu vài tấc đã lộ phần đầu. Đưa được chị Thông lên, mọi người bế vội chị về nhà mẹ Thởm. Anh Hòa và chị Vinh cùng trú chung hầm với chị Thông đều hi sinh vì ngạt và sức ép. Tìm kiếm suốt cả ngày hôm ấy cũng chỉ có thêm thi thể bốn chiến sĩ. Còn lại bảy đồng đội khác đã tan vào đất đá.

Kể đến đây chị Thông chợt lặng đi, rồi chị lẳng lặng đốt nhang thắp lên bàn thờ đồng đội. Ở nhà chị, ngoài bàn thờ tổ tiên, chị lập một bàn thờ nhỏ thờ đủ 13 liệt sĩ đã nằm lại trong trận bom định mệnh sáng 31-10 ấy. Tôi nhìn lên bàn thờ, thay cho bài vị hay những tấm hình, sau lư nhang có một tấm bìa in hình đài tưởng niệm Chiến thắng Truông Bồn do chị Thông dán. Đó là bìa cuốn Bản tin của Hội Cựu TNXP Nghệ An.

Chị Thông ngậm ngùi: Cả mười mấy anh chị em hi sinh nào có mấy người có ảnh chân dung để thờ đâu. Đợt này Hội Cựu TNXP tỉnh đứng ra phục hiện chân dung cho 13 liệt sĩ Truông Bồn phải dùng cách chọn lấy một người có gương mặt giống với liệt sĩ nhất trong gia đình rồi vẽ, vừa vẽ vừa chỉnh sửa theo ký ức của mọi người. Có người nay không còn ai trong gia đình để có thể dựa vào đó mà phục hiện. Hi sinh, thịt xương thân xác đã không còn mà cả tấm hình để thờ tự cũng không có nốt.

________________________________

Truông Bồn ngày ấy có hàng ngàn TNXP tuổi đôi mươi. Dẫu đạn bom vây bủa, sống chết gang tấc, họ vẫn đến với nhau. Nhưng bom giội xuống, mãi mãi không có những cuộc đưa dâu.

Kỳ tới: “Em không về, vắng một cuộc đưa dâu”

LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên