Nhiều hộ kinh doanh có quy mô sản xuất lớn nhưng vẫn chưa muốn lên doanh nghiệp. Trong ảnh: tại một hộ sản xuất thực phẩm ở Hà Nội - Ảnh: Thanh Hương |
Đó là kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa thực hiện trên 6 tỉnh thành. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đức Trung - trưởng ban cải cách và phát triển DN, CIEM - nói:
- Theo Tổng cục Thống kê, hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ có 20% hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng, tức là lĩnh vực sản xuất vật chất. Còn lại có tới 80% trong ngành thương mại - dịch vụ, chủ yếu là bán lẻ, lưu trú, ăn uống.
Thủ tục phức tạp
* Qua khảo sát, mức độ hộ kinh doanh muốn “né” lên DN có đáng quan ngại không, thưa ông?
- Nghiên cứu điều tra được thực hiện với khoảng 400 hộ kinh doanh ở 6 tỉnh thành. Trong số này có đến 11% hộ kinh doanh thuộc diện phải chuyển thành DN, tức là sử dụng lao động thường xuyên từ 10 lao động trở lên, nhưng chỉ có 5,6% hộ kinh doanh dự kiến sẽ chuyển đổi. Trên thực tế con số chuyển đổi là rất ít.
* Vậy kết quả điều tra đã chỉ ra những nguyên nhân nào khiến các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành DN?
- Hộ kinh doanh có nhiều lợi thế hơn so với DN về nộp thuế và chế độ kế toán, lợi thế hơn về sự đơn giản trong thủ tục đăng ký thành lập... Cũng phải nhìn nhận khách quan rằng quy định và thủ tục chuyển hộ kinh doanh thành DN còn phức tạp. Hộ muốn chuyển phải giải thể hộ kinh doanh. Hiện nay chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa sau chuyển đổi chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, phần lớn hộ kinh doanh quen với tập quán kinh doanh nhỏ lẻ nên ngại thay đổi.
Cần 3 chế độ kế toán
* Vậy theo ông, giải quyết bài toán này thế nào để thúc đẩy việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN?
- Mục tiêu đạt được 1 triệu DN vào năm 2020 là một mục tiêu quan trọng, song theo tôi, không nên bằng mọi cách để chuyển thật nhiều hộ kinh doanh thành DN.
Cần xuất phát từ lý do tại sao hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi, đó là do chi phí tuân thủ cao, thủ tục phiền hà.
Do đó, cần giảm chi phí, tạo thuận lợi về chế độ kế toán, thuế và thêm mô hình tổ chức đơn giản, thuận tiện...
Cụ thể, cần xây dựng và ban hành hẳn một chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN. Theo tôi, nên cho phép hộ kinh doanh khi chuyển thành DN được kế thừa những giấy phép đã có, kể cả với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Có nhiều cơ chế khác có thể khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN như: miễn thuế môn bài, ưu đãi thuế thu nhập DN, cho phép áp dụng chế độ kế toán đơn giản...
Cần có 3 chế độ kế toán cho họ, ví dụ chế độ kế toán cho nhóm DN vừa, chế độ cho nhóm nhỏ, chế độ cho DN siêu nhỏ. Trong đó, chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ cần đơn giản, giảm lượng sổ sách kế toán.
* Nếu không cải cách thuế khoán, hộ kinh doanh sẽ cứ mãi muốn nằm im ở mô hình cũ?
- Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh thu khoán, mức khoán theo các tiêu chí ngành nghề, số lao động, địa bàn...
Có tiêu chí thuế cụ thể đó sẽ góp phần loại bỏ cơ chế “thỏa thuận thuế”, hạn chế tiêu cực để giảm cơ hội tham nhũng của cán bộ thuế, khắc phục tình trạng “chung chia” thuế...
Mời dự diễn đàn “Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp” Sau loạt bài “Hộ kinh doanh ngán lên doanh nghiệp” (Tuổi Trẻ ngày 10 đến 13-4-2017), ngày 26-4, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức diễn đàn “Chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN” tại White Palace (194 Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) với các khách mời gồm đại diện Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, Hiệp hội Tư vấn thuế, lãnh đạo các cơ quan ban ngành TP.HCM... Tại đây, các hộ kinh doanh, DN có thể phản ảnh thực tế, đặt câu hỏi với các vị khách mời về những nội dung liên quan đến chính sách thuế cũng như thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN. Báo Tuổi Trẻ kính mời các hộ kinh doanh, DN đăng ký tham gia. Ban tổ chức sẽ tiếp nhận các câu hỏi về chủ đề trên qua địa chỉ email: leson@tuoitre.com.vn. Đăng ký tham dự vui lòng liên lạc chị Thu Hồng: 0975 006 955. T.V.N. - Lê Sơn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận