![]() |
Từ trái sang: Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Tổng thống Bolivia Evo Morales tại một lễ kỷ niệm ở thủ đô Havana ngày 29-4-2006 - Ảnh: Reuters |
- Fidel Castro: Đúng. Nhìn Hugo Chavez người ta có thể nhận ra ngay một người con bản địa của Venezuela, với những tính cách cao quý và tài năng xuất chúng.
* Ông có theo dõi sát sao diễn biến tình hình ở Venezuela, đặc biệt là những âm mưu lật đổ Tổng thống Hugo Chavez không?
- Tất nhiên là có, chúng tôi theo dõi những sự kiện đó với mối quan tâm lớn. Chavez đến thăm chúng tôi năm 1994, chín tháng sau khi ông ấy được ra tù và bốn năm trước khi lần đầu tiên được bầu cử làm tổng thống. Đó là hành động vô cùng dũng cảm, bởi vì ông ấy luôn bị chỉ trích mạnh mẽ khi đến Cuba. Ông ấy đến đây và chúng tôi nói chuyện. Chúng tôi phát hiện ông ấy là con người có học thức, rất thông minh và tiến bộ. Các đối thủ của Hugo Chavez dùng cả bạo lực và biện pháp kinh tế hòng xóa bỏ ông ấy, nhưng Hugo Chavez đã chống lại tất cả.
* Vào ngày 11-4-2002 xảy ra một cuộc đảo chính ở Caracas chống lại Chavez. Ông có theo dõi sự kiện đó không?
![]() |
Một trạm xá ở Havana treo ảnh Fidel Castro và Hugo Chavez - Ảnh: AFP |
Lúc đó tôi đang tham dự một cuộc họp với Ủy ban điều hành Hội đồng bộ trưởng ở Cung điện Cách mạng. Ngay từ đầu giờ chiều tôi đã liên lạc qua điện thoại với tổng thống Venezuela nhưng không được! Sau nửa đêm, vào lúc 0g38 sáng 12-4, tôi nhận được tin Chavez gọi điện sang. Tôi đã hỏi ông ấy diễn biến tình hình và Chavez trả lời: “Chúng tôi đang bị mắc kẹt ngay trong dinh Miraflores này. Vấn đề quyết định là chúng tôi đã mất lực lượng bảo vệ. Họ cắt cả tín hiệu truyền hình. Tôi không còn lực lượng nào để huy động”.
Tôi ngay lập tức hỏi ông ấy: “Hiện giờ ông còn bao nhiêu lực lượng bên mình?”. “Chỉ còn khoảng 200-300 người đã hoàn toàn kiệt sức”. “Còn xe tăng nào không?”. “Không, lúc trước thì có vài xe tăng nhưng bây giờ họ rút hết về căn cứ rồi”. Tôi lại hỏi: “Ông còn nắm lực lượng nào không?”. Và Chavez trả lời: “Còn một vài lực lượng ở xa, nhưng tôi không có cách nào liên lạc được với họ”. Ông ấy đã mất hoàn toàn liên lạc với lực lượng trung thành.
Tôi cố tỏ ra bình tĩnh hết mức khi hỏi ông ấy: “Tôi có thể nói với ông ý kiến của tôi không?”. Ông ấy nói là có thể, và tôi trình bày bằng tất cả khả năng thuyết phục có thể: “Cố gắng đàm phán các điều kiện để thực hiện một thỏa hiệp và giữ mạng sống của những người mà ông đang có, họ là những người trung thành nhất với ông. Đừng hi sinh mạng sống của họ và cũng đừng hi sinh mạng sống của ông”.
Ông ấy xúc động trả lời: “Tất cả mọi người đều sẵn sàng chết ở đây”. Tôi ngay lập tức nói với ông ấy: “Tôi biết, và tôi nghĩ rằng trong tình huống này thì tôi có thể bình tĩnh hơn ông. Đừng từ chức, cố gắng đàm phán các điều kiện có thể, miễn là ông không trở thành nạn nhân của bọn chúng, bởi vì tôi nghĩ ông không đáng phải chịu như vậy. Hơn nữa, ông còn có trách nhiệm với những người trung thành với mình. Đừng tự hi sinh bản thân mình!”.
Loạt bài “100 giờ với Fidel Castro” trích từ cuốn sách Cuộc đời tôi - 100 giờ với Fidel Castro của tác giả Fidel Castro và Ignacio Ramonet, do Nhà xuất bản Thông Tấn xuất bản, phát hành tại VN tháng 10-2008. |
“Đừng từ chức! Đừng từ chức!” - tôi nói như van nài ông ấy. Chúng tôi còn nói về rất nhiều chuyện khác: cách ông ấy tạm thời rút lui khỏi đất nước, liên lạc với một số sĩ quan có chức quyền trong hàng ngũ của bọn đảo chính, nói với họ rằng ông ấy sẵn sàng rời khỏi đất nước nhưng không từ chức.
Từ Cuba, tôi nói với ông ấy rằng chúng tôi sẽ cố huy động mặt trận ngoại giao ở nước tôi và ở Venezuela; chúng tôi sẽ cử sang hai máy bay cùng với bộ trưởng và các quan chức ngoại giao để đưa ông ấy đi. Ông ấy suy nghĩ trong giây lát rồi cuối cùng cũng đồng ý. Giữa đêm, chúng tôi triệu tập tất cả các đại sứ ở Havana và đề nghị họ tháp tùng Felipe (Perez Roque), bộ trưởng ngoại giao của chúng tôi, đến Caracas cứu Chavez - vị tổng thống hợp pháp của Venezuela và cũng là người đồng chí của tôi, đưa ông ấy an toàn ra khỏi đất nước đó.
* Chavez là ví dụ tiêu biểu của một nhà lãnh đạo quân sự tiến bộ, nhưng ở châu Âu và ngay cả ở châu Mỹ Latin, rất nhiều người có tư tưởng tiến bộ phê bình ông ấy chỉ vì có liên quan đến nguồn gốc quân sự. Ý kiến của ông về sự khác biệt rõ ràng giữa khía cạnh quân sự và tiến bộ trong con người ông ấy như thế nào?
- Nhà lãnh đạo Omar Torrijos ở Panama là một quân nhân có ý thức sâu sắc về công bằng xã hội và chủ nghĩa yêu nước. Juan Velasco Alvarado ở Peru cũng là người từng khởi xướng rất nhiều giải pháp quan trọng vì sự tiến bộ. Chúng ta cũng không nên quên rằng trong số rất nhiều người Brazil, Luiz Carlos Prestes cũng là một sĩ quan cách mạng đã lãnh đạo cuộc hành quân anh hùng trong năm 1924-1926 có thể ví như cuộc trường chinh của Mao Trạch Đông năm 1934-1935.
Còn rất nhiều câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng cách mạng liên quan đến những quân nhân trong thế kỷ 20. Không có Hugo Chavez, con người được sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, được giáo dục những kỷ luật nghiêm khắc dưới mái trường các học viện quân sự ở Venezuela, nơi rất nhiều những ý tưởng tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của châu Mỹ Latin được dạy dỗ, thì đã không bao giờ xuất hiện vào thời điểm quyết định đó ở nửa bán cầu của chúng tôi một tiến trình lịch sử tầm vóc quốc tế như tiến trình cách mạng ở đất nước đó. Tôi không hề thấy có sự trái ngược mâu thuẫn nào cả.
________________________________
Fidel Castro có sợ Cuba bị Mỹ tấn công không? “Chúng tôi đã ý thức được điều này từ lâu. Đó là lý do khiến chúng tôi tiến hành “cuộc chiến toàn quốc”. Thực tế đã chứng minh, khi người dân tham gia chiến đấu thì không kẻ thù nào có thể đánh bại họ”.
Kỳ tới: “Cuộc chiến toàn quốc”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận