26/06/2013 00:09 GMT+7

10 năm làm trưởng ấp

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TT - Hơn 10 năm làm trưởng ấp, ông Nguyễn Văn Chữ (53 tuổi) đưa vùng đất nghèo, thưa thớt dân cư thành nơi an cư lạc nghiệp hàng đầu của huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre).

Ông Nguyễn Văn Trắng - phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách - cho biết nhìn vào thành tích sáu nhiệm kỳ liên tiếp được tín nhiệm làm trưởng ấp, đủ để nói lên những đóng góp của ông Chữ cho người dân ở Đông Kinh. Nhờ có sự tận tâm của ông, ấp Đông Kinh luôn là hình mẫu cho các ấp trong xã và ấp điển hình của huyện.

Theo ông Chữ, trước kia ấp Đông Kinh chỉ vài chục hộ dân sinh sống kham khổ. Sau khi đi bộ đội về, năm 1999 ông được bầu làm trưởng ấp. Ông trăn trở đầu tiên là làm sao nâng cấp đường sá phục vụ đi lại.

“Quanh năm lầy lội, dân nghèo không tiền, tôi xin một ít kinh phí rồi vận động người dân của ít lòng nhiều. Chúng tôi thay phiên ra sức đắp đường cho kịp thời gian nghiệm thu” - ông Chữ chia sẻ.

Thật không ngờ, con đường lầy lội mà ông cùng người dân bỏ công vun đắp, trở thành một trong những đường bêtông hóa đầu tiên của huyện được duyệt, đáp ứng nhu cầu đi lại mà người dân trông chờ bao năm qua.

Sau khi thông thoáng đường sá, ông Chữ khởi xướng người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng như xoài, chôm chôm, sầu riêng... Người dân bắt đầu khai phá đất hoang, mạnh dạn đầu tư nhưng gặp khó bởi thiếu tiền mua cây giống. Để lấy ngắn nuôi dài, ông Chữ đi học khóa ngắn hạn lai ghép cây ăn trái, hoa kiểng.

Sau khi thực nghiệm thuần thục, ban đầu ông lai ghép giống miễn phí cung cấp cho nông dân. Thấy kỹ thuật lai ghép không khó, ông mời nông dân đến nhà dạy nghề, thực nghiệm tại chỗ. Chỉ trong thời gian ngắn, nông dân trong ấp dần tự lai ghép cây giống cho riêng mình.

Từ đó ấp Đông Kinh trở thành “ấp lai ghép cây” đạt chuẩn, vườn tược xanh mượt, nhiều người tìm về định cư cùng phát triển kinh tế nông nghiệp. Ông Chữ thí điểm trồng tắc kiểng và bán được hàng chục triệu đồng. Ông hướng dẫn nông dân chăm sóc cây kiểng tại nhà để bán. Đến nay, nông dân trong ấp quanh năm có thu nhập từ vườn cây ăn trái, lai ghép bán giống, bán cây cảnh...

Từ khi cuộc sống người dân khấm khá, ông Chữ quan tâm đến việc học khi vận động mọi người đưa con em đi học, nếu khó khăn ông sẽ nhờ cấp trên giải quyết. Nhận tin em Điều bỏ học, ông đến trường tìm hiểu nguyên nhân rồi ghé qua nhà Điều nói chuyện. Do hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ em không biết chuyện con bỏ học. “Tôi phải giải thích thằng Điều tuổi mới lớn, anh chị phải biết quan tâm đến con. Nó buồn bỏ học vì chiếc xe đạp cũ hư hoài, bị bạn bè trêu chọc con nhà quê” - ông Chữ nói. Sau đó, ông âm thầm vận động mọi người góp tiền mua chiếc xe đạp mới cho em và thuyết phục em tiếp tục đi học đến nay.

Ông Chữ còn nổi tiếng trong việc phân xử tranh chấp, an ninh trật tự trên địa bàn được người dân nơi đây truyền tai nhau. Cách đây năm năm, bà M. là người quen cấp trên của ông Chữ, cậy thân quen nên bà định chiếm tài sản của một hộ dân trong ấp. Khi tiếp nhận vụ việc, ông Chữ cất công đi tìm nhân chứng vốn không còn sinh sống trên địa bàn để tìm chứng cứ khách quan rồi mời hai bên đến phân xử. Bất ngờ, ông nhận điện thoại của vị lãnh đạo cấp trên yêu cầu xử cho bà M. thắng kiện. Ông Chữ đáp lời ngay: “Anh yên tâm, tôi luôn xử công bằng”. Cuối cùng, với chứng cứ thu thập được, ông Chữ buộc bà M. phải ký biên bản sai phạm và bồi thường.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên