13/07/2016 18:04 GMT+7

10 năm học bổng “Chung một ước mơ”: Sống chủ động

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TTO - Đó là chủ đề chính của ngày sinh hoạt đầu tiên của 350 học sinh vượt khó, học giỏi Đông Nam Bộ tập trung về TP.HCM chuẩn bị dự lễ trao học bổng “Chung một ước mơ” (CMƯM) lần thứ 10, diễn ra ngày 13-7.

Trong buổi sáng các bạn đã được đi tham quan nhiều địa điểm tại TP.HCM như Dinh Thống Nhất, bưu điện TP.HCM, chợ Bến Thành. Buổi chiều, các bạn đã đến dâng hoa và chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Bác Hồ.

Dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ - Ảnh QUANG PHƯƠNG
Dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ - Ảnh DUYÊN PHAN

 

Đừng vì nghèo mà bỏ đam mê

Ngay sau đó, các bạn tập trung về Trung tâm hội nghị 272 Võ Thị Sáu (Q.3) tham gia nội dung “Sống ở thể chủ động” giao lưu cùng hai cựu học sinh đã từng nhận học bổng CMƯM.

Cùng giao lưu với các học sinh, còn có chị Nguyễn Hướng Dương, giám đốc thư viện sách nói dành cho người mù.

Chị Hướng Dương chia sẻ về tai nạn của cuộc đời khi mới 25 tuổi nhưng bị xe lửa cán đứt hai chân từ dưới đầu gối. Lúc đó chị ngất xỉu rồi tỉnh lại thì chị chỉ muốn chết. Nhưng rồi cha chị khuyên can, chị tiếp tục sống.

“Nếu mình cứ nằm và khóc thế này cũng chả giải quyết được. Cứ khóc, cứ kéo lê cuộc sống thế này thì gia đình sẽ buồn, phải vượt lên”, chị Dương nói.

Và chị đã đứng lên và sống và vượt lên tất cả để hình thành nên thư viện sách nói dành cho người mù. Chị Hướng Dương đúc kết “Nếu chúng ta được tôi luyện trong khó khăn, thử thách thì chúng ta sẽ vững chí hơn, mạnh mẽ hơn và chúng ta sẽ vượt qua tất cả”.

Đi nhận học bổng trên xe lăn

Nổi bật trong đoàn học sinh đến từ tỉnh Bình Thuận đến trung tâm hội nghị là hình ảnh người mẹ gầy gò đẩy chiếc xe lăn đưa một nữ học sinh ngồi lọt thỏm trên xe lăn.

Đó là hai mẹ con của học sinh Trần Thị Yến Nhi, lớp 11, Trường THPT Hàm Tân (Bình Thuận). Chị Đặng Thị Thúy Liên, mẹ Nhi cho biết vợ chồng chị có 2 người con nhưng đều bị di chứng của chất độc da cam nên hai đứa con đều bị bại liệt.

Chồng chị đi làm công nhân lò gạch. “Anh trai Nhi cũng bị như Nhi! Năm ngoái anh nó thi đậu ĐH nhưng nhà không có điều kiện nên để ở nhà cho học ĐH theo hệ đào tạo từ xa. Được nhận học bổng cả nhà mừng lắm vì phần nào cũng đỡ được gánh nặng cơm áo tiền tiền cho gia đình”, chị Liên nói.

Còn Yến Nhi thì bộc bạch “Em muốn sau này trở thành một chuyên gia tư vấn tâm lý vì nghề đó con có thể làm việc tại nhà, không phải di chuyển nhiều mà còn có thể tư vấn qua điện thoại nữa”.

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên