25/03/2016 09:17 GMT+7

“1 triệu ha lúa là đủ cho Việt Nam”

 HOÀNG TRÍ DŨNG thực hiện
HOÀNG TRÍ DŨNG thực hiện

TTO - Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng việc chuyển một phần diện tích lúa sang các cây trồng, vật nuôi khác có giá trị cao hơn lúa là điều cần thiết...

Người dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa đông xuân muộn - Ảnh: Chí Quốc
Người dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa đông xuân muộn - Ảnh: Chí Quốc

Không thể khẳng định nên trồng cây gì hay nuôi con gì, nhưng việc chuyển một phần diện tích lúa sang các cây trồng, vật nuôi khác có giá trị cao hơn lúa, với tín hiệu thị trường tốt… là điều cần thiết trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay.

Giáo sư Võ Tòng Xuân đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ.

Ông Xuân nói: “Tôi đã nhiều lần đề xuất một đối tượng để chuyển dịch cơ cấu là con tôm hoặc một ít cây trồng giá trị cao hơn lúa nhưng ít đòi hỏi lượng nước ngọt, như cây xoài trên đất giồng ven biển.

Trong khi con tôm đang có thị trường lớn, cây xoài cát chu cũng được nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân để đầu tư, bao tiêu sản phẩm.

Không khẳng định chắc chắn 100% trồng cây gì hoặc nuôi con gì được bởi phải theo tín hiệu thị trường. Nếu chúng ta vẫn nhất quyết chỉ trồng lúa ở vùng mặn, phải ngăn không cho nước mặn vào và sẽ giết các vuông nuôi tôm, thiệt hại gấp nhiều lần trồng lúa”.

GS.TS Võ Tòng Xuân - Ảnh: H.T.D.
GS.TS Võ Tòng Xuân - Ảnh: H.T.D.

* Nói chuyển dịch thì dễ, nhưng chuyển như thế nào, chỉ cho nông dân nuôi con gì, trồng cây gì hiệu quả và có đầu ra ổn định hơn cây lúa lại là việc khó?

- Nông dân trồng lúa đều biết giá trị quý nhất của lúa gạo là làm no bụng người tiêu dùng, nhưng lúa gạo không làm no túi tiền của người trồng lúa. Điều này càng đúng với nông dân sống trong vùng mặn. Trong khi đó, con tôm đang có thị trường lớn, bà con không lo về đầu ra, các loại thủy sản khác có thể nuôi trong nước mặn, lợ như cua, cá kèo... hoặc những cây trồng giá trị cao như dừa, xoài cát chu, chuối, ca cao...

Tuy nhiên, không ai có thể quả quyết là nên nuôi con gì hoặc trồng cây gì ở vùng mặn. Phải tìm được thị trường mới tổ chức sản xuất thủy sản hoặc loại cây trồng theo chuỗi giá trị liên kết bốn nhà mới bảo đảm có lợi cho nông dân, chứ không nên phó mặc cho nông dân tự bơi, sản xuất một cách tự phát như hiện nay.

Chẳng hạn, lãnh đạo tỉnh Bến Tre và các huyện tại địa phương này đã mời doanh nghiệp có thị trường xoài cát chu chế biến về tỉnh, tạo điều kiện tối ưu để doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến xoài, thành lập nhiều hợp tác xã trồng xoài, hướng dẫn nông dân trồng đúng theo tiêu chuẩn VietGAP và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân tham gia.

* Như vậy, theo ông, chỉ nên trồng lúa trong hai vụ đông xuân và hè thu, để mùa lũ tự nhiên cho khai thác thủy sản thiên nhiên?

- Vùng ven biển nên trồng một vụ hè thu với lúa ST20 hoặc tương đương, thu hoạch khi dứt mưa, rồi cho nước mặn vào nuôi tôm (tôm đất, tôm sú...). Đến mùa mưa kế tiếp, bà con để mưa rửa nước mặn khỏi ruộng rồi chuẩn bị vụ lúa kế tiếp. Chỉ nơi nào chắc chắn có nước ngọt trong mùa khô (đông xuân) mới trồng lúa.

Vấn đề khó nhất ở đây là tổ chức triển khai từng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển từ trồng lúa sang cây trồng và vật nuôi có giá trị cao hơn đã được Chính phủ chỉ đạo nhiều năm nay nhưng Bộ NN&PTNT vẫn để mặc nông dân tự phát thì sẽ không đi đến đâu cả. Cứ đà này vẫn trở lại ôm khư khư cây lúa mà thôi.

* Trong phiên họp Quốc hội ngày 22-3, Chính phủ đề nghị đến năm 2020 giảm hơn 270.000ha diện tích đất lúa so với hiện nay, ngoài ra còn dành khoảng 400.000ha để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?

- Việc giảm diện tích lúa là rất hợp lý trong bối cảnh VN đang dư lúa ăn và xuất khẩu, nhưng nên xác định là giảm lúa đông xuân của các vùng nhiễm mặn trong mùa khô (nắng) là chính. Những vùng lúa khác cũng có thể giảm nếu địa phương hoặc một doanh nghiệp nào đó cần đất để trồng cây, nuôi con gì mà thị trường đang cần, có giá trị cao hơn lúa.

Theo tôi, không nên giới hạn chỉ giảm 400.000ha nếu thị trường cần chuyển diện tích lớn hơn cho cây trồng giá trị lớn hơn lúa. Không nên sợ mất diện tích lúa, vì chỉ cần 1 triệu ha lúa đã có thể sản xuất đủ lượng gạo tiêu dùng trong cả nước.

Thị trường sẽ quyết định “trồng gì, nuôi gì”

Tại hội thảo “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và cây ăn trái tại ĐBSCL”, do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh TP Cần Thơ tổ chức ngày 24-3, nhiều chuyên gia cho rằng muốn khuyến khích nông dân trồng cây gì hoặc nuôi con gì trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ngày một gay gắt, Nhà nước và doanh nghiệp phải tham gia tìm thị trường thay vì phó mặc cho nông dân.

Phát biểu tại hội thảo, một số nông dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho rằng rất muốn đa dạng giống cây trồng trên đất ruộng nhưng sản phẩm làm ra có giá bán bấp bênh, thậm chí lúa chất lượng và lúa bình thường đều có giá như nhau...

Trả lời những thắc mắc của nông dân, GS Bùi Chí Bửu (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) thừa nhận do chiến lược kinh doanh xuất khẩu lúa gạo của VN dựa trên nền tảng là hạt gạo chứ không dựa trên hạt lúa nên trồng lúa nào cũng như nhau. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo mua lúa qua trung gian về sấy, chế biến thành gạo rồi mang xuất khẩu.

Trong khi đó, đặc điểm canh tác tại ĐBSCL là quy mô cá thể, diện tích canh tác nhỏ và thiếu liên kết, không ai đại diện ký hợp đồng với doanh nghiệp mà thông qua thương lái.

“Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp hầu như không có giải pháp nào giúp bà con nông dân có đầu ra. Tái cấu trúc nông nghiệp có nêu ra vấn đề sản xuất hàng hóa nhưng thực tế không có vùng chuyên canh, tập trung để có sản lượng lớn phục vụ xuất khẩu” - ông Bửu nói.

Cũng theo ông Bửu, muốn có thị trường phải kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia chứ chỉ hô hào sẽ không làm được. Ông Bửu dẫn chứng Đồng Tháp từng phát triển diện tích cây đậu nành tới 11.000ha nhưng sau đó “teo tóp” còn 600ha, do giá cả không hấp dẫn và công lao động nhiều dù cây này chỉ có vòng đời khoảng 80 ngày.

TS Nguyễn Hồng Tín (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) cho rằng chỉ khi tham gia mô hình khép kín, có sự ràng buộc với doanh nghiệp, nông dân mới được hỗ trợ kỹ thuật cũng như tài chính, chia sẻ rủi ro... để an tâm sản xuất. Tuy nhiên, cái khó là nông dân phải làm theo tiêu chuẩn do doanh nghiệp đặt ra.

TS Võ Hùng Dũng, giám đốc VCCI chi nhánh TP Cần Thơ, cho rằng để tạo ra thị trường, Nhà nước đóng vai trò quyết định bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng để hướng nông dân nên trồng loại cây gì hoặc phải làm “bộ khung” để doanh nghiệp và nông dân đầu tư theo nếu có thị trường.

CHÍ QUỐC

HOÀNG TRÍ DŨNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên