22/10/2014 10:51 GMT+7

​Đúng quy trình

HUỲNH THẾ DU
HUỲNH THẾ DU

TT - Ai cũng biết quy định, quy trình là cần thiết, nhưng chúng thường bất cập, lỗi thời và cần phải điều chỉnh.

Một đoạn bờ sông Đà Rằng sạt lở do thủy điện xả lũ năm 2013 - Ảnh: Kim Thủy

Thủy điện xả lũ đúng quy trình nhưng người dân vẫn bị thiệt hại; sự cố chết người nhưng ngành y cũng đúng quy trình, quy định; Sở Nội vụ TP.HCM làm đúng quy định nên không chấp nhận các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như TOEFL, TOEIC trong hồ sơ công chức và còn rất nhiều vụ việc nghiêm trọng khác nhưng khi xem lại đều đúng quy trình.

Ai cũng biết quy định, quy trình là cần thiết, nhưng chúng thường bất cập, lỗi thời và cần phải điều chỉnh.

Do vậy, cần phải có sự linh hoạt, sáng tạo gắn liền với việc dám chịu trách nhiệm của các cá nhân cũng như đơn vị thực thi, trên cơ sở đó sẽ chỉnh sửa cho phù hợp.

Điều không may cơ chế hiện nay không khuyến khích việc làm khác quy trình vì nếu đề xuất thay đổi, người trực tiếp xử lý phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất trắc.

Nếu gặp trục trặc hay thất bại thì trách nhiệm chắc chắn thuộc người đề xuất, trong khi thành công thì chưa chắc thành tích đã thuộc người đó. Nhiều khi còn bị mắc lỗi, “dính phốt” vì làm trái quy trình.

Thêm vào đó, nếu đề xuất cái mới thì người đó phải thêm việc làm tờ trình, rồi phải giải trình mà không biết ý cấp trên có phải vậy không. Làm việc “bao đồng” có khi còn bị những người khác, bộ phận khác không ưa do thêm việc cho họ.

Nghiêm trọng hơn là khi xét đề bạt, những người mắc lỗi sẽ bị loại đầu tiên. Làm đúng chín phần, nhưng chỉ một phần sai thường gặp rắc rối to. Càng làm càng sai, trong khi không làm không sai lại còn có thời gian đi tìm cái sai của người khác để làm thành tích cho mình.

Hậu quả, khi sự bất cập xảy ra do lỗi tại quy định nhưng thôi thì cứ theo quy trình hoặc làm tờ trình báo cáo lên trên rồi ngồi chờ. Khi dư luận lên tiếng thì người có trách nhiệm liên quan chỉ cần giải thích đúng quy trình là xong.

Cấp dưới thường chỉ trình lên và làm gì đó khi có chỉ đạo từ cấp trên. Hậu quả là tất cả đều đẩy lên cấp cao nhất. Khiếu kiện thì kéo nhau ra Quốc hội và Thủ tướng thì thường xuyên phải chỉ đạo những vấn đề sự vụ.

Thật ra, căn bệnh đúng quy trình đã rất nghiêm trọng ở nước ta trong thời bao cấp. Rất may lúc đó có những người dám phá rào và kết quả dẫn đến đổi mới năm 1986. Để đất nước phát triển, rất cần những người có tâm huyết, chấp nhận đột phá, xé rào...

Muốn thế, cơ chế làm việc, cách thức lựa chọn và đề bạt cán bộ hiện nay phải khơi dậy tinh thần đó, thay vì đang tạo ra sự vô cảm trong hệ thống công quyền.

Để các công chức có trách nhiệm hơn, việc cần làm ngay là làm rõ cơ chế chịu trách nhiệm và phân định rõ quyền hạn đi kèm với việc đánh giá tổng thể thành tích chứ không phải từng việc riêng lẻ.

Mỗi công chức phải biết được thẩm quyền và nghĩa vụ của mình và ai tạo ra nhiều lợi ích cho xã hội hơn thì được đề bạt chứ không phải người ít sai.

HUỲNH THẾ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên