25/07/2016 10:50 GMT+7

Những giọt nước mắt thương dân

NGUYỄN VIỄN SỰ (viensu@tuoitre.com.vn)
NGUYỄN VIỄN SỰ (viensu@tuoitre.com.vn)

TTO - Tôi về ấp Bàu Cạp, xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TP.HCM) tìm gặp lại ông Huỳnh Ngọc Điền vào những ngày dư luận đang xôn xao vì những sai sót dẫn tới phải hoãn thi hành Bộ luật hình sự sửa đổi.

Ông Huỳnh Ngọc Điền - Ảnh: THUẬN THẮNG
Ông Huỳnh Ngọc Điền - Ảnh: THUẬN THẮNG
Hôm trình bày, tôi vừa nói vừa khóc. Nhiều đại biểu trong đoàn TP.HCM cũng khóc theo...

Như một sự tình cờ, câu chuyện mà tôi sắp trò chuyện với ông - một cựu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa VII, khóa VIII - cũng về những sóng gió trong quá trình làm luật ở nghị trường.

Ông Huỳnh Ngọc Điền chính là ĐBQH đề xuất thực hiện hai dự luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Hoa lợi trên đất tại Quốc hội khóa VIII và trở thành đại biểu đầu tiên trong lịch sử Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến lập pháp với những dự luật mà ông nói “đong đầy nước mắt của cử tri lẫn đại biểu”.

“Má như đi mần mướn cho tụi con”

Ông Huỳnh Ngọc Điền nay đã 63 tuổi, về hưu ông chọn ấp Bàu Cạp cùng vợ chung tay góp sức đóng góp cho một trường nuôi dạy trẻ tự kỷ. Công việc lặng lẽ hơn nhiều so với những sóng gió mà ông từng tạo ra ở nghị trường 25 năm trước.

“Tôi trở lại đất Củ Chi này vì chính nơi đây, chứng kiến cảnh nông dân cơ cực vì bị cơ chế trói đã thôi thúc tôi soạn thảo ra hai dự án luật đó” - ông Điền bắt đầu câu chuyện.

Ông Huỳnh Ngọc Điền trở thành ĐQBH vào những năm đất nước còn bao cấp, kinh tế đặc biệt là nông nghiệp khó khăn chồng chất vì mất mùa thất bát, nhưng khó nhất là cơ chế.

Tốt nghiệp ĐH ngành nông nghiệp, ông được đưa về Củ Chi làm chủ nhiệm hai HTX hình mẫu của TP.HCM những năm 1980 là Bình Mỹ và Nguyễn Thị Rành. Làm chủ nhiệm HTX, đến mùa ông phải đốc thúc cán bộ đi vận động thu thuế, định mức thuế càng lúc càng cao, bất chấp thực tế nông dân thất mùa.

“Năm 28 tuổi, tôi trở thành ĐBQH khóa VII, nhưng niềm hãnh diện của tôi như bị dập tắt khi một lần tiếp xúc cử tri, gặp một bà má từng nuôi giấu cách mạng, chỉ mặt tôi nói thẳng: “Thuế má kiểu này má như đi mần mướn cho tụi con” - ông Điền nhớ lại.

Thực tiễn làm việc cho ông Điền thấy nỗi khốn cùng của nông dân, sự vô lý của chính sách thuế nông nghiệp. Và bước vào nghị trường, ông Điền hiểu rằng mình không thể dửng dưng, không thể không nói thay cho nông dân, cử tri của mình.

Đầu năm 1990, cơ hội lên tiếng đến với ông khi Hội đồng Bộ trưởng giao cho Bộ Tài chính soạn thảo dự án luật sửa đổi Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp. Khi đó, ông đã chuyển công tác về Hội Nông dân Việt Nam ở phía Nam và dịp may hiếm có đã đến khi ông Điền được ông Nguyễn Thành Thơ (Mười Thơ) - phó chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam - cử đến góp ý cho dự thảo luật này trong hội nghị lấy ý kiến tại các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, ngay trong lần đầu tiên góp ý cho dự thảo luật, ông Điền nhận ra nông dân không có cơ hội được cởi trói chính sách thuế trong dự án luật này.

“Bản chất vấn đề lúc đó là thuế vẫn cứ thu đều đều trên đất đai của nông dân, bất luận dân có canh tác hay không, sinh lợi hay không sinh lợi cũng đóng thuế. Ngay bữa đó, tôi đề nghị luôn là nông dân phải có hoa lợi ở một mức nào đó trên mảnh đất của mình thì mới phải đóng thuế. Còn nếu các anh không nghe, chúng tôi sẽ trình dự án luật riêng về thuế hoa lợi trên đất!” - ông Huỳnh Ngọc Điền kể về những bước đầu tiên cho ra đời dự thảo luật.

Nhưng ban soạn thảo đã không nghe góp ý của ông. “Và tôi đã giữ lời hứa, xúc tiến ngay việc soạn thảo hai dự án luật: Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Hoa lợi trên đất để trình Quốc hội” - ông Điền kể, đó là vào cuối năm 1990.

Phút... 89

Sáng kiến của ông Huỳnh Ngọc Điền không phải đơn độc, nhiều đoàn ĐBQH của các tỉnh Sông Bé, Long An, Kiên Giang... tán thành. Ông Điền tính, nếu trình ra Quốc hội và lấy ý kiến thì số đông ĐBQH, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, sẽ ủng hộ.

Nhưng nói như dân Nam bộ thì “thấy vậy mà hông phải vậy”, hai dự luật “từ nước mắt nông dân” mà ông Điền cùng các cộng sự thai nghén, soạn thảo suốt nửa năm ròng đã bị ách lại ở phút thứ... 89.

Chuyện như sau: ngay khi được Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đồng ý cho thực hiện hai dự luật, ông Huỳnh Ngọc Điền đã cùng các thành viên Hội Luật gia, MTTQ cùng nhau soạn thảo. Tháng 5-1991 hai dự thảo luật hoàn thành, chỉ còn ra Quốc hội để trình thì ông Điền bắt đầu nhận những ý kiến đề nghị rút lại việc trình dự án luật. Bất chấp nhiều tác động, ông Điền vẫn kiên quyết giữ quan điểm của mình, nhưng đến khi ông Phùng Văn Tửu - phó chủ tịch Quốc hội khóa VIII - đến gặp thì ông Điền không thể không chấp hành.

“Ông Tửu không nói với tư cách phó chủ tịch Quốc hội mà với tư cách là lãnh đạo Đảng Đoàn Quốc hội. Tôi là đảng viên, không khước từ được đề nghị trong Đảng Đoàn và đành phải chấp hành, dù rất tiếc nuối và rất xấu hổ với cử tri” - ông Huỳnh Ngọc Điền nói.

Tuy nhiên, không muốn công sức của nhiều người phải rơi vào quên lãng, ông Huỳnh Ngọc Điền đã đề nghị với ông Phùng Văn Tửu được trình bày hai dự án luật này tại cuộc họp tổ của Đoàn ĐBQH TP.HCM. “Hôm trình bày, tôi vừa nói vừa khóc. Nhiều đại biểu trong đoàn TP.HCM cũng khóc theo...” - ông Huỳnh Ngọc Điền bồi hồi kể lại.

Không được trình ra phiên họp toàn thể, nhưng không vì thế mà hai dự luật Thuế sử dụng đất và Hoa lợi trên đất do ông Huỳnh Ngọc Điền đề xuất bị rơi vào quên lãng. Những giọt nước mắt của nông dân lẫn các đại biểu đoàn TP.HCM đã có sức nặng với nghị trường.

Cuối cùng dự án luật sửa đổi Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp của Bộ Tài chính trình lên cũng bị bác vì cách hành thu quá nặng. Để rồi đến những kỳ Quốc hội sau đó, các chính sách thuế trong nông nghiệp đã dần được dỡ bỏ, cởi trói cho nông dân như mong muốn của nhiều ĐBQH lúc đó.

Chuyện làm luật ở Quốc hội có vấn đề

Phải 25 năm sau ngày đại biểu Huỳnh Ngọc Điền đưa ra sáng kiến lập pháp ở Quốc hội, đến đầu năm 2016 mới có người thứ hai đưa ra sáng kiến lập pháp là ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) với dự án Luật hành chính công.

Đó là câu chuyện mà ông Điền nói: “Tôi nghĩ như vậy là có vấn đề”. Ông Điền cho rằng ông may mắn được đề xuất trình dự án luật với Quốc hội là từ quy định tiến bộ của Hiến pháp 1980.

Trong các bản hiến pháp 1946, 1959 chưa quy định ĐBQH có quyền trình dự án luật. Đến Hiến pháp 1992 và 2013 lại đánh dấu bước phát triển mới trong việc quy định quyền của ĐBQH trong hoạt động lập pháp theo hướng ngày càng tôn trọng và nâng cao vai trò, tính độc lập, sáng tạo của cá nhân ĐBQH.

“Như vậy sáng kiến lập pháp là quyền của ĐBQH đã được hiến định ngày càng rõ. Vấn đề ở đây chủ yếu là nằm ở các đại biểu. Và phải chăng còn có cả vấn đề từ cơ chế, phương thức để đại biểu thực hiện quyền đã được hiến định này?” - ông Huỳnh Ngọc Điền đặt câu hỏi.

_________

Kỳ tới: Thời oanh liệt của một đại biểu

NGUYỄN VIỄN SỰ (viensu@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên