13/11/2018 15:55 GMT+7

'Đừng như con lươn, con chạch, luồn lách làm buồn lòng dân'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - "Cán bộ cảm thấy không đủ uy tín nữa thì nên từ chức. Đừng như con lươn con chạch mà luồn lách làm buồn lòng dân", đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói về đội ngũ phòng chống tội phạm.

Đừng như con lươn, con chạch, luồn lách làm buồn lòng dân - Ảnh 1.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) - Ảnh: TT

Giá có 10 ông Hồ Sỹ Tiến ở Bộ Công an

Thảo luận tại Quốc hội chiều nay 13-11 về công tác phòng chống tội phạm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) ghi nhận những chiến công, sự hi sinh của lực lượng công an trong công cuộc đấu tranh với tội phạm, giữ bình yên cho nhân dân.

"Công an đã đạt nhiều thành tích nổi bật, thể hiện sự nỗ lực vượt bậc như phanh phui các vụ án lớn như Vũ 'nhôm', vụ án tại Cục C50 mà hiện toà Phú Thọ đang xét xử...", ông Nhưỡng nói. 

"Tuy nhiên, vẫn có kẻ lợi dụng bộ quân phục để trục lợi, làm ảnh hưởng tới hình ảnh và nỗ lực chung của ngành. Nhiều vụ án oan chấn động gần đây có nguyên do xuất phát từ công tác điều tra của lực lượng công an, gây nên những uất ức cho người dân".

Nhận định rằng "nhiều vụ việc gần đây cho thấy cơ quan điều tra chưa quan tâm đến công tác tiếp nhận tin báo của người dân", đại biểu Bến Tre đề đạt mong muốn về một cuộc cách mạng thật sự trong ngành công an, lấy lại niềm tin của Đảng, cử tri, nhân dân vốn đã ít nhiều bị sứt mẻ.

"Đừng làm láo nháo, báo cáo thì hay, dối trên lừa dưới, trái lương tâm...", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng nhắc đến một gương điển hình trong lực lượng công an là thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, ca ngợi tâm lực, khả năng phá án của ông Tiến đã góp phần đấu tranh, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc lớn và được nhân dân tin tưởng.

"Thật tiếc là hiện nay ông Tiến đã nghỉ hưu. Nhân dân, cử tri mong muốn giá như ở Bộ Công an có 10 ông Hồ Sỹ Tiến thì thật tốt", đại biểu Bến Tre nói.

Đừng như con lươn, con chạch, luồn lách làm buồn lòng dân - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) - Ảnh: Quochoi.vn

Bất lực trong ngăn chặn vi phạm?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) thì đánh giá cao sự "nhìn thẳng vào thực tế" của Bộ Công an khi đưa vào báo cáo gửi Quốc hội những từ khoá nhạy cảm như "bảo kê", "sân sau".

Nhưng bà Hoa trăn trở việc tình hình tội phạm vẫn diễn biến công khai, phức tạp trong khi có cả hệ thống pháp luật vào cuộc. Đại biểu Đồng Tháp nêu một số ví dụ: việc một cô giáo ở TP.HCM phải viết đơn gửi xã hội đen "xin để yên", chiến dịch dẹp vỉa hè ở TP.HCM khởi động rầm rộ nhưng không đi đến hồi kết, người dân từ hi vọng chuyển sang thất vọng.

"Chính quyền đã bất lực trong công cuộc ngăn chặn các vi phạm?", bà Hoa nêu câu hỏi của cử tri. Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh đến yêu cầu thượng tôn pháp luật ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Bà Hoa cũng bày tỏ lo lắng trước tình trạng tham nhũng vặt: Nếu như lợi ích nhóm trong chính sách là loại tội phạm có hệ thống thì tham nhũng vặt diễn ra ở mọi lĩnh vực, sút giảm niềm tin của người dân, làm biến chất, tha hóa đội ngũ công chức.

"Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm sao cho mọi người dân, tổ chức doanh nghiệp kiên quyết không chấp nhận tiếp tay cho tham nhũng vặt. Mặt khác nhận diện rõ các đối tượng tham nhũng vặt, cải cách mạnh mẽ hành chính, quản lý đạo đức cán bộ, rèn luyện đạo đức công vụ, thắt chặt thanh lọc bộ máy công quyền", đại biểu Đồng Tháp đề xuất. 

Đừng như con lươn, con chạch, luồn lách làm buồn lòng dân - Ảnh 3.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) - Ảnh: Quochoi.vn

Cán bộ không đủ uy tín nên từ chức

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ lo ngại về tình trạng các loại tội phạm có tổ chức, móc nối với cán bộ công chức suy thoái, có dấu hiệu tăng, tội phạm liên quan đến người nước ngoài cấu kết với trong nước có dấu hiệu thêm phức tạp, tội phạm liên quan đến giết người cũng gia tăng, có nhiều vụ người thân trong gia đình giết nhau.

"Chúng ta khuyến khích làm giàu chính đáng nhưng cũng có nhiều người làm giàu bất chính, coi thường pháp luật. Một bộ phận người trẻ tuổi coi thường giá trị, có biểu hiện chấn thương tâm lý dẫn đến có nhận thức lệch chuẩn xã hội. Sự chênh lệch giàu nghèo đang có xu hướng tăng trong khi mạng lưới an sinh xã hội chưa tốt là một nguyên nhân dẫn đến những bất ổn", ông Tám bình luận.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thì phản ánh mong muốn của cử tri về việc nêu gương của cán bộ, người đứng đầu. Việc này là hết sức quan trọng bởi "chừng nào còn bè phái, còn lợi ích nhóm thì rất khó ngăn ngừa được tình trạng vi phạm pháp luật".

Ông Trí dẫn các ví dụ một số vụ án gần đây như vụ Vũ "nhôm", Út "trọc", vụ tướng công an liên quan đến đường dây đánh bạc hàng ngàn tỉ... và điển hình nhất là vụ tiêu cực trong kỳ thi THPT vừa qua.

Công an liên tục xử lý các vụ việc lớn, toà án liên tục đưa ra xét xử các vụ án nổi cộm nhưng tình trạng phạm pháp vẫn xảy ra phức tạp. Có lẽ là cần thực hiện nghiêm việc nêu gương đối với người đứng đầu. Việc này tinh thần Hội nghị Trung ương 8 vừa qua cũng đã khái quát. Chúng ta phải làm theo hướng nếu cán bộ cảm thấy không đủ uy tín nữa thì nên từ chức. Đừng như con lươn con chạch mà luồn lách làm buồn lòng dân.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

'Ai tặng quà? Ai nhận? Quà gì? Nộp vào đâu?'

TTO - Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - nêu hàng loạt câu hỏi tại phiên thảo luận sáng 13-11 về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên