17/07/2013 09:22 GMT+7

Làng cổ Hội Kỳ bên dòng Ô Lâu

THÁI LỘC - NGỌC HIỂN
THÁI LỘC - NGỌC HIỂN

TT - “Nhìn chung các cung điện ở Huế không đạt độ tinh xảo, chi tiết như những ngôi nhà rường ở Hội Kỳ!”. Nhận xét đó của ông Kitani Kenta đến từ Viện Di sản thế giới của UNESCO, Đại học Waseda, Nhật Bản đã thôi thúc chúng tôi về ngôi làng cổ bên dòng sông Ô Lâu (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).

Ij3xFQWm.jpgPhóng to
Nhà cổ của ông Dương Văn Mạnh nhìn từ trên cao - Ảnh: NGỌC HIỂN

Đi khắp ngôi làng cổ thành lập từ thế kỷ 15 này, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng không chỉ ở hệ thống nhà rường dày đặc, tuyệt mỹ mà còn ở hệ thống kiến trúc văn hóa tín ngưỡng vẹn nguyên và cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan xóm làng nền nã cùng với ở cách sống hiếu hòa của dân làng...

Hơn cả cung điện

Hội đủ nhiều giá trị

Tiến sĩ Lê Vĩnh An - phó giám đốc ban tư vấn bảo tồn Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi đến làng Hội Kỳ, vì làng hội đủ rất nhiều giá trị. Từ sự cổ xưa về niên đại thành lập (khoảng giữa thế kỷ 15 - PV) đến sự giàu có về kiến trúc nghệ thuật, lại có hệ thống cảnh quan cả thiên nhiên lẫn xóm làng độc đáo, rất giàu tiềm năng về văn hóa du lịch...”.

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi tìm đến là của ông Nguyễn Văn Mạnh ở xóm giữa, là ngôi nhà “vuông” (một gian hai chái) trong một khu vườn rộng, lối dẫn vào là hàng chè tàu xanh ngắt được tỉa tót phẳng phiu.

Ngoài bộ rường, cửa và đố bản nguyên vẹn, ngôi nhà còn có bức hoành phi cổ theo hình thức “cuốn thư” sơn son thếp vàng tuyệt đẹp đề bốn chữ “tam nguyệt bảo chánh” và một bức khác đề chữ “tứ đại đồng đường”, hai đôi câu đối, những bức tranh gương và nhiều rương xe, bàn ghế, sập gụ xưa...

Ông Mạnh cho hay từ đầu thế kỷ 20, ông nội của ông mua gỗ và thuê thợ về làm trong suốt ba năm trời mới xong. Với bảy người con và 10 người cháu, ông Mạnh còn khoe với chúng tôi mái nhà sắp “hưởng trọn” ý nghĩa “tứ đại đồng đường” như tấm biển mà ông nội treo trước gian thờ, vì người cháu đích tôn vừa có gia đình sắp sửa sinh chắt nội cho cụ...

Chúng tôi vô cùng thích thú như đang trong “cảnh ngày xưa” khi được thôn trưởng Hội Kỳ Dương Văn Cho dẫn đi quanh làng. Thích nhất là con đường từ đầu làng, một bên là dãy nhà rường mà chủ nhân đều là họ Dương, nằm giữa những khu vườn nhiều tầng cây cối xanh tươi; một bên là dãy tre ngà xanh ngút, rợp bóng, chạy dài theo con sông Ô Lâu uốn lượn quanh làng...

Nhà rường tiếp nối nhà rường, trong một khung cảnh đường làng ngõ xóm sạch xanh bởi vườn tược và những hàng chè tàu “ngăn mà không cách”, trong một khung cảnh thiên nhiên thanh bình, hiền hòa của mặt nước sông Ô Lâu, của bờ tre xanh ngát...

Thôn trưởng Dương Văn Cho cho biết làng Hội Kỳ hiện có khoảng 50 ngôi nhà có rường gỗ trong số 109 nóc nhà của làng. Trong đó có khoảng 20 nhà cổ (sáu nhà ba gian hai chái và 14 nhà một gian hai chái) chạm khắc công phu. Ông Kitani Kenta - chuyên viên nghiên cứu Viện Di sản thế giới của UNESCO, Đại học Waseda, Nhật Bản - nhận xét: “Những ngôi nhà rường ở Hội Kỳ mà tôi biết quá đẹp, cực kỳ tinh xảo với tay nghề thực hiện rất cao. Đó là giá trị nổi bật rất cần phải quảng bá. Theo tôi, nhìn chung các cung điện ở Huế không đạt độ tinh xảo, chi tiết như những ngôi nhà rường. Điều này có thể do cung điện có quy mô lớn hơn nhà dân, song đây cũng là điều rất thú vị...”.

Không chỉ hệ thống nhà rường, ông Cho còn “khoe” với chúng tôi về hệ thống đền, miếu, nhà thờ họ dày đặc và cổ kính của làng. Trong bốn ngôi nhà thờ họ thì có đến ba là nhà rường cổ rất đẹp hướng ra sông, của họ Dương Quang, Dương Văn và Nguyễn Văn trong làng...

Giúp nhau làm nhà

TvXfakxE.jpgPhóng to
Nhà rường ba gian hai chái trên 100 năm của ông Dương Văn Mạnh - Ảnh: THÁI LỘC

Bà Dương Thị Ngọc vốn là một cán bộ ngành thương mại của tỉnh Quảng Trị về hưu, có nhà ở thành phố Đông Hà nhưng đóng cửa về làng sinh sống. Ngôi nhà bà đang gìn giữ được đánh giá nguyên vẹn, quy mô và đẹp bậc nhất của làng Hội Kỳ, được người cha Dương Quang Thùy mua từ làng khác về dựng vào năm 1934.

Các cấu kiện của ngôi nhà đều được chạm nổi và chạm lộng rất tinh vi, nhiều chỗ khảm nạm xà cừ thành những hình ảnh rất sinh động, tuyệt đẹp...

Không chỉ lý do thay mặt các anh em trong gia đình về giữ mái nhà của cha ông, mà chính tình làng nghĩa xóm thấm mặn của làng đã níu chân bà Ngọc về làng. “Tôi từng đi nhiều nơi trong nước và nước ngoài. Nhưng mỗi lần về đến làng mình, thấy quá giàu có về tình làng nghĩa xóm, những sự sẻ chia đầy tình người nên tôi chọn về làng sống một mình!” - bà Ngọc nói. Sống ở làng đã sáu năm nay nhưng bà Ngọc chưa từng nghe trong làng có lời qua tiếng lại, cảnh rượu chè, say xỉn, gây gổ, đánh nhau.

Năm 2005, cụ Dương Quang Diêu thuộc diện chính sách (cha của hai liệt sĩ) được Nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng làm nhà tình thương, nhưng chưa đủ nửa tiền xây nhà. Làng góp giúp 5 triệu đồng, xóm góp thêm 8 triệu, láng giềng người giúp gỗ, người góp ván và nhiều thứ vật liệu... Nhà cụ Diêu hoàn thành sau mấy tháng nhờ hàng chục người làng tranh thủ đến làm không công và cũng không dùng cơm nước. “Làng tui là rứa đó, hễ nhà mô có đám tiệc, hiếu hỉ, mần nhà cửa là trong làng mỗi người một tay, góp tiền, góp sức giúp nhau làm cho xong mới thôi!” - bà Dương Thị Mỵ, con gái cụ Diêu, tự hào.

E ngại với danh hiệu

Ông Nguyễn Hữu Thắng, giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Trị, cho biết đang giao Trung tâm Bảo tồn di tích danh thắng Quảng Trị lập hồ sơ về làng Hội Kỳ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận di tích quốc gia. Đón nhận thông tin này, nhiều dân làng tự hào, song có không ít ý kiến e ngại đến nhiều phiền toái nếu được công nhận. Ông Dương Văn Mạnh, đang gìn giữ một ngôi nhà rường hơn 100 năm, cho rằng rất ngại nếu làng được công nhận di tích, phải chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước, trở thành “nhà công cộng”. Lấy dẫn chứng từ làng Phước Tích bên kia sông (đã được công nhận di tích cấp quốc gia - PV), ông Mạnh cho rằng nếu được công nhận di tích, nhà hư hỏng không sửa được hoặc sửa theo ý người khác thì khổ. Không chỉ vậy, nhiều dân làng đang lo ngại trước thông tin bờ tre ven sông có thể bị phá bỏ để làm kè chống xói lở làm mất cảnh quan của làng...

THÁI LỘC - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên