18/04/2014 06:35 GMT+7

Trí thức trẻ về phường, xã - Kỳ 1:

VÂN TRƯỜNG - CHÍ QUỐC (còn tiếp)
VÂN TRƯỜNG - CHÍ QUỐC (còn tiếp)

TT - Đầu năm 2013, tỉnh Tiền Giang tuyển 95 sinh viên mới tốt nghiệp đại học đưa về địa phương thử việc để chuẩn bị bầu làm phó chủ tịch xã. Đến giữa tháng 3-2014 chỉ mới có một người được ngồi vào chiếc ghế này.

Tới tháng 5 này, dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ về đảm nhiệm chức danh phó chủ tịch UBND xã của 62 huyện nghèo do Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Trung ương Đoàn và các địa phương tổ chức tròn ba năm triển khai. Có nơi triển khai thành công nhưng có nơi vận hành chật vật và nhiều bạn trẻ “vỡ mộng” làm lãnh đạo xã. Ở đó có không ít trăn trở và câu chuyện “dụng nhân” của dự án đặc biệt này là bài học để phát huy nguồn lực trẻ đúng hơn, phù hợp hơn.

Nơi được, nơi chưa

Tuyển 500 trí thức trẻ về nông thôn miền núi

WYvBLD7z.jpg
Chị Huỳnh Thanh Tuyền thôi mong ước làm lãnh đạo xã, bằng lòng với công việc thống kê ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang - Ảnh: V.TR.

Hàng loạt nguyên nhân được nêu ra và nhìn vào đó có thể hiểu vì sao.

Tiền Giang “vỡ trận”

Mức trợ cấp ưu đãi

Theo chương trình đưa trí thức trẻ về phường, xã của tỉnh Bạc Liêu, sinh viên mới ra trường được bố trí về xã sẽ được hưởng trợ cấp một lần 5 triệu đồng; học lực khá, giỏi được trợ cấp 7 triệu đồng. Về phường - thị trấn được trợ cấp lần đầu 3 triệu đồng (học lực khá, giỏi được trợ cấp 5 triệu đồng.

Ngoài hưởng lương theo quy định, cán bộ trẻ trong chương trình này sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng gồm: cấp xã 300.000 đồng và ở phường - thị trấn 200.000 đồng, những trường hợp là nữ hoặc người dân tộc thiểu số sẽ được trợ cấp thêm 100.000 đồng.

Anh Võ Thành Trung (25 tuổi, ngụ xã Tân Lý Đông, H.Châu Thành), tốt nghiệp ĐH ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, được phân công về xã vùng sâu Hậu Mỹ Bắc B (H.Cái Bè) cùng với một bạn nữa, trong khi đó hai chiếc ghế phó chủ tịch xã này đã có chủ và các biên chế công chức chuyên môn cũng không còn, anh đành rút lui sớm.

Chị Trần Thị Kim Dắt (26 tuổi), tốt nghiệp ngành kế toán ĐH Mở TP.HCM, nộp hồ sơ dự tuyển dự nguồn phó chủ tịch xã. Tháng 6-2013 chị được phân công về UBND xã Vĩnh Hựu (H.Gò Công Tây), tới đầu năm 2014 chị đành chuyển sang làm kế toán xã Long Bình. Một loạt trí thức trẻ ở các xã khác thuộc H.Gò Công Tây cũng phải chuyển sang làm công chức hoặc viên chức với lý do giống nhau là không còn “ghế” phó chủ tịch nào dành cho họ.

Hiện còn hơn 70/95 trí thức trẻ chưa biết tương lai đi về đâu. Ông Đoàn Thanh Liêm - giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang - thừa nhận đề án thu hút 100 trí thức trẻ tạo nguồn phó chủ tịch xã không thành công như mong đợi. Nguyên nhân chủ yếu là các địa phương không mạnh dạn thay thế các phó chủ tịch không đạt chuẩn. Tháng 8-2013, Ban thường vụ Tỉnh ủy có thông báo về việc thay thế 35 phó chủ tịch xã không đạt chuẩn, nhưng chuyện này không được địa phương thực hiện tốt.

Về phía trí thức trẻ, một số người sau khi được phân công về xã đã sớm có tâm lý nản khi gặp khó khăn trong sinh hoạt và công tác nên làm đơn xin rút. Một lý do rất quan trọng nữa là thời gian bồi dưỡng và thực tập ngắn (ban đầu dự kiến sáu tháng), các trí thức trẻ không thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nhất là kỹ năng thực thi nhiệm vụ. Phần lớn trong số này chưa phải là đảng viên. Chị Huỳnh Thanh Tuyền (24 tuổi, đang là công chức thống kê xã Phú Kiết) cho biết khi dự tuyển rất kỳ vọng được làm lãnh đạo xã. Tuy nhiên, hỏi giả sử được làm phó chủ tịch xã thì có làm nổi không, chị thừa nhận: “Chắc là không nổi...”.

Bạc Liêu “có hiệu quả”

Trong khi đó tại tỉnh Bạc Liêu, chương trình đưa trí thức trẻ về công tác ở phường, xã, thị trấn thực hiện từ năm 2007 đến nay được đánh giá là có hiệu quả dù còn một số hạn chế cần khắc phục.

Ông Huỳnh Chí Linh - chủ tịch UBND phường 3 (TP Bạc Liêu), phường trung tâm của TP Bạc Liêu - là cán bộ trẻ được thu hút diện này. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật tại TP.HCM năm 2007, ông nộp hồ sơ và giữa năm 2008 được bố trí về làm việc tại văn phòng UBND phường 3, TP Bạc Liêu.

Năm 2010 ông Linh được giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu HĐND phường rồi được bầu làm phó chủ tịch phụ trách mảng kinh tế khi mới 26 tuổi, đến tháng 10-2013 được bầu làm chủ tịch UBND phường. Ông được coi là cán bộ trẻ có năng lực và gần gũi với dân. Hiện UBND P.3 cũng vừa tiếp nhận bốn sinh viên mới ra trường về công tác.

Nhiều trí thức trẻ diện này ở Bạc Liêu được tạo điều kiện công tác ở cấp cơ sở, xóm ấp và dần dà khẳng định mình để quy hoạch vào chức danh lãnh đạo xã. Một số khi về cơ sở hoặc khi giao việc có ý nản thì quy hoạch vào chỗ khác.

Anh Huỳnh Minh Hội - giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu - cho biết trong số 340 sinh viên được bố trí về phường xã hiện tại có một trường hợp được bổ nhiệm làm phó bí thư phường, một trường hợp trúng cử phó chủ tịch HĐND, một trường hợp làm chủ tịch và năm trường hợp làm phó chủ tịch UBND, ba trường hợp làm bí thư Đoàn phường và một trường hợp làm chủ tịch Hội Nông dân phường.

Trong số 340 cán bộ trẻ trên có 85 người vào biên chế công chức, số còn lại thuộc diện hợp đồng. “Năng lực của các em rất tốt, phần lớn có triển vọng. Tôi chắc chắn là số còn lại chưa vào biên chế thì không ngại bởi năm 2015 sẽ tiến hành đại hội Đảng ở cơ sở, sau đại hội này thì tỉ lệ các đồng chí tới tuổi nghỉ hưu sẽ tăng, vì vậy cũng có cơ sở cho các em chưa có điều kiện được vào biên chế”, ông Hội nói.

Anh Hội đánh giá chương trình này có hiệu quả, góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức xã. “Thực tế cho thấy các em được học hành tới nơi tới chốn về xã phường hoạt động hiệu quả, căn bản hơn so với những người không được đào tạo bài bản”, ông Hội nhìn nhận.

Tuy nhiên, anh Hội cũng thừa nhận nơi này nơi nọ còn bố trí cán bộ chưa đúng chuyên môn và tỉnh sẽ rút kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình sắp tới.

VÂN TRƯỜNG - CHÍ QUỐC (còn tiếp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên