28/10/2011 06:44 GMT+7

Đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế

L.KIÊN - C.V.KÌNH
L.KIÊN - C.V.KÌNH

TT - Trong phiên thảo luận sôi nổi của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội hôm qua (27-10), nhiều đại biểu bày tỏ sự ủng hộ cao đối với quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung vào ba nhóm lĩnh vực như Hội nghị trung ương 3 đã chỉ ra.

hrKgooVz.jpgPhóng to
Theo ông Nguyễn Bá Thanh, tái cơ cấu ngành ngân hàng là việc cần làm ngay - Ảnh: V.DŨNG

Tuy nhiên, lo ngại chính của đại biểu là sự quyết tâm của Chính phủ cùng với những giải pháp liệu có đủ mạnh, đủ quyết liệt để làm đến cùng hay không.

Chấm dứt cục bộ địa phương

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chỉ ra một thực trạng là hiện mức lỗ của doanh nghiệp nhà nước gấp 12 lần doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tái cấu trúc phải tách bạch, làm rõ giữa sở hữu nhà nước với quản lý nhà nước trong doanh nghiệp nhưng lại ảnh hưởng đến nhiều nhóm lợi ích, nhiều bộ ngành. “Không có giải pháp mạnh và quyết liệt thì rất khó” - bà Tuyết bình luận.

Trong khi đó, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng để chấm dứt tình trạng “cục bộ địa phương”, quy hoạch vùng kinh tế phải trên cơ sở chỉ huy nhất quán từ Chính phủ. Quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp mới phải theo thế mạnh của vùng kinh tế, không chạy theo đơn vị hành chính. Tái cấu trúc đầu tư công phải tập trung đầu tư vào vùng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách.

Cần quan tâm đến nông dân

Chủ tịch Hội Nông dân VN Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) cho biết dù đầu tư nhà nước liên tục tăng nhưng tổng mức đầu tư xã hội cho nông nghiệp nếu năm 2008 còn được 13% thì năm nay chỉ còn khoảng 6%. Nông nghiệp đóng góp 20% mà tổng đầu tư chỉ 6% thì quá bất hợp lý. Cứ tiếp diễn thế này thì dù Chính phủ có tăng đầu tư vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của nông thôn.

Theo ông Cường, phải chỉnh sửa Luật đầu tư để tăng ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chỉnh ngay các chính sách ưu đãi nửa vời như cho nông dân vay vốn không cần thế chấp nhưng vẫn bắt phải nộp sổ đỏ...

Đối với vấn đề tái cấu trúc ngân hàng, ông Nguyễn Bá Thanh - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - nói rằng cho ra đời hàng loạt ngân hàng mới, nâng cấp hàng chục ngân hàng nông thôn lên ngân hàng cổ phần đô thị, trong khi năng lực quản lý nhà nước chưa theo kịp. “Một ngân hàng có vốn khoảng 1.000 tỉ đồng khi mới thành lập, vay khoảng 10.000 tỉ đồng nữa đầu tư bất động sản. Nợ xấu tăng lên, theo con số được báo cáo thì đến nay đã 75.000 tỉ đồng. Tôi thấy con số này đáng nghi ngờ, nó có thể nhiều hơn” - ông Thanh nói. Theo ông, hạ nhiệt lạm phát cần nhiều giải pháp đồng bộ nhưng việc tái cơ cấu ngành ngân hàng là việc cần làm ngay, làm kiên quyết, nhưng ông lưu ý đây là vấn đề rất khó, khó nhất là nó đụng chạm đến lợi ích nhóm.

Đấu thầu quốc tế đường cao tốc

“Thế giới ít có nước nào có quy mô dân số khoảng 90 triệu người mà năm nào cũng hơn 10.000 người chết và hơn 10.000 người bị thương như VN. Chết ở quốc lộ 1A là nhiều nhất, vì đường đã nhỏ lại không có dải phân cách”, ông Nguyễn Bá Thanh nói. Ông đề nghị nên sớm làm đường bộ cao tốc từ Hà Nội - TP.HCM, thuê công ty tư vấn có uy tín của nước ngoài thiết kế, nước ngoài giám sát rồi đưa ra đấu thầu quốc tế thì chắc chắn sẽ có đường bộ cao tốc có chất lượng tốt. Theo ông Thanh, đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương mới đưa vào sử dụng đã có nhiều chỗ hỏng vì do VN thiết kế, giám sát rồi thi công luôn.

Đối với nạn ùn tắc giao thông ở các TP lớn, ông Thanh cho rằng: “Thay đổi giờ học, giờ làm cũng chỉ là giải pháp chắp vá không mấy khả thi. Giải pháp căn cơ phải là kiểm soát chặt chẽ nhập cư vào nội thành, không cho xây thêm nhà cao tầng ở khu vực trung tâm, hình thành sớm các đô thị vệ tinh để giãn dân ra, trường đại học và ga đường sắt phải chuyển ra ngoài, làm tàu điện ngầm và tàu điện trên cao, một số tuyến vành đai phải xây dựng đường bộ hai tầng, xây ngầm hầm cho ôtô đỗ”.

Với tình trạng phương tiện giao thông đã vượt xa mức khả năng chịu đựng của đường sá, trong khi các bộ, ngành, các thành phố vẫn quyết định cho xây dựng các trường đại học, các tòa cao ốc trong nội ô, ông Lê Nam (Thanh Hóa) bình luận: “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có ba đầu sáu tay cũng thành công cốc”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề cập trực diện vấn đề trách nhiệm trong điều hành. Theo bà Nga, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông quá nghiêm trọng, tương đương mức phải ban hành tình trạng khẩn cấp.

Nhức nhối quản lý đất đai, khoáng sản

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến (Quảng Trị) bày tỏ bức xúc về tình trạng buông lỏng quản lý đất đai và quản lý tài nguyên khoáng sản. Ông nói:

Theo báo cáo thì có 2.455 cơ quan, tổ chức với hàng chục nghìn dự án treo để hoang hóa tới hơn 258.000ha đất. Hiện còn hơn 3.300 cơ quan sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, chuyển nhượng trái pháp luật với diện tích hơn 25.000ha. Trong khi các quận nội thành Hà Nội cần ít nhất 1,5 triệu m2 đất, TP.HCM cần 4,8 triệu m2 đất cho các trường phổ thông, trường mầm non xây mới để đạt chuẩn quốc gia thì loay hoay mãi không tìm đâu ra được mảnh đất. Tháng 9 vừa rồi, tại một hội thảo, cục trưởng Cục Quản lý công sản than phiền có ba cái nhất đáng buồn trong quản lý đất đai: một là không được lòng dân nhất; hai là có nhiều biểu hiện tiêu cực nhất, mất cán bộ nhiều nhất; ba là thất thoát, lãng phí nhiều nhất.

L.KIÊN - C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên