25/07/2011 07:37 GMT+7

Không quyết liệt, giá sẽ tăng trở lại

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Qua bảy tháng đầu năm, chỉ tiêu lạm phát của Chính phủ đã hai lần được điều chỉnh, từ mức dưới 7% lên 15% và mới đây là 17%. Tình hình trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đại bộ phận người dân.

a7VOhNEp.jpgPhóng to
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm đến nay - Đồ họa: V.Cường - Ảnh: N.C.T.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nếu không đeo bám quyết liệt các giải pháp, lạm phát sẽ còn tăng bởi theo quy luật giá cả nhiều mặt hàng cuối năm thường tăng mạnh...

* Đại biểu HUỲNH NGỌC ĐÁNG (phó Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Dương):

Nên trợ giá hàng thiết yếu

Theo quan sát, tìm hiểu của tôi, đời sống nông dân, công nhân đang thật sự khó khăn. Điều đáng buồn là trong các mặt hàng tăng giá lại tập trung vào những mặt hàng thực phẩm, nó sát sườn với chi tiêu hằng ngày nên đánh trực tiếp vào người lao động nghèo, thu nhập thấp. Vì thế, họ đã thu nhập thấp lại càng thêm khó khăn.

Lương công nhân ở Bình Dương nói riêng và đại đa số các khu công nghiệp hiện nay thường chỉ đủ cho người lao động trang trải ăn ở và số dư để tiết kiệm lo cho tương lai không nhiều. Mỗi khi đi chợ, tôi thấy trên từng gương mặt công nhân hiện rõ nỗi lo. Họ đến chợ nhìn hàng, cân nhắc và thường rất phân vân khi quyết định mua sản phẩm gì đó.

* Nhận định của Chính phủ lạm phát năm 2011 sẽ ở mức 17%, quan điểm của ông như thế nào?

- Mục tiêu của Chính phủ lạm phát 2011 ở mức 17% là mức chúng ta đang mong, người dân, đại biểu cũng mong. Nhưng thực tế với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính đến nay, tôi e khó đạt được. Có nhiều lý do, trong đó cần quan tâm là yếu tố thời tiết cuối năm thường có mưa bão, không thuận lợi cho sản xuất, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Thứ hai là sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất của khu vực liên quan đến giá các mặt hàng vừa tăng cao thời gian qua thật sự chưa phục hồi được bao nhiêu.

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về thuế, tín dụng ngân hàng theo tôi cũng chưa tạo được tác động tích cực cho sản xuất. Nên cầu và cung chưa thật hài hòa, tốt cho chống lạm phát. Song tôi vẫn mong chỉ tiêu Chính phủ đưa ra sẽ thực hiện được, dù phải nỗ lực rất nhiều. Đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo ráo riết chống lạm phát, nếu không sẽ lại khó giữ được mục tiêu đã đề ra.

* Theo ông, các giải pháp của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, bình ổn vĩ mô thời gian qua đã đủ chưa, cần thêm giải pháp gì nữa không?

- Chính phủ đã nhận định đúng tình hình và đưa ra nhóm giải pháp tổng hợp. Tuy nhiên, từ thực tế của người dân, tôi đề nghị Chính phủ cần có biện pháp thực hiện mạnh mẽ hơn trong các giải pháp chống lạm phát. Đặc biệt, để hỗ trợ người lao động thu nhập thấp, theo tôi, Chính phủ cần tính thêm giải pháp trợ giá trực tiếp các mặt hàng thiết yếu để giúp người lao động bớt khó khăn.

* Chính sách chống lạm phát đang được thực thi nhưng đã có nhiều ý kiến đề nghị nới tín dụng cho khu vực bất động sản. Ông có nghĩ nên nới lúc này không?

- Không nên nới tín dụng bất động sản. Cần triệt để thắt chặt tài chính tiền tệ. Chỉ cần có tư tưởng nới lỏng, linh hoạt là có thể sẽ tiếp tay cho lạm phát. Bài học kinh nghiệm trong việc này chúng ta đã rất rõ rồi. Lúc này nới lỏng tỉ giá, bất động sản sẽ thỏa mãn mong muốn của một số người, một giới nhất định nhưng không phù hợp cho giảm lạm phát, cho lợi ích chung. Giá bất động sản VN hiện đang được đánh giá là cao, có yếu tố bong bóng. Nên đây là cơ hội để nó trở lại giá thực.

* Đại biểu TRẦN NGỌC VINH (phó Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng):

Cuối năm, giá thường tăng mạnh

Điều đáng lo ngại là trong tháng 7-2011, các mặt hàng quan trọng như xăng dầu, điện, than... không tăng giá, đã được kìm khá tốt nhưng CPI vẫn tăng mạnh. Câu hỏi là cuối năm tình hình còn giữ được như thế không? Và CPI cả năm sẽ chịu áp lực rất lớn vì giá xăng dầu thế giới vừa có dấu hiệu tăng trở lại. Cuối năm lại là chu kỳ giá thường tăng mạnh, nhất là sát tết. Vì vậy, theo tôi, các giải pháp của Chính phủ cần mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, cần cố giữ ổn định giá xăng dầu và giá điện để không làm tăng chi phí đầu vào cho nền kinh tế. Hiện sản xuất đã khó khăn, chi phí cao, nếu hai mặt hàng trên tăng mạnh sẽ tạo sự căng thẳng.

Nếu muốn giữ CPI cả năm 2011 ở mức 17% thì tôi thấy cần có thêm giải pháp. Các biện pháp hiện tại có tác dụng, nhưng rõ ràng mức độ cũng chỉ hạn chế. Lạm phát năm 2011 là hệ quả của nhiều năm dồn lại, nên tôi nghĩ cần có những biện pháp dài hơi và quyết liệt hơn nữa.

* Đại biểu NGUYỄN THỊ NGUYỆT HƯỜNG (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư phát triển VN):

Tăng hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách

Chúng tôi theo dõi thấy ngay khi có lo ngại về cắt giảm đầu tư công chưa đạt mục đích, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch - đầu tư rà soát lại. Tuy nhiên, CPI tháng 5, tháng 6 vừa dịu đi thì tháng 7 đã tăng trở lại. Điều này cho thấy chống lạm phát cần phải có lộ trình, kiên quyết và kiên nhẫn.

Sẽ khó có một giải pháp tác dụng tức thì và làm giảm nhanh lạm phát. Vì vậy, trong các giải pháp cần tập trung thời gian tới, tôi nghĩ cần kết hợp tốt giữa chính sách tiền tệ thể hiện ở thắt chặt tín dụng và cả thắt chặt tài khóa, thể hiện ở chi tiêu công. Chi tiêu công Chính phủ đã kiên quyết cắt giảm, Bộ Kế hoạch - đầu tư được giao rà soát, báo cáo lại để chấn chỉnh những nơi làm chưa nghiêm. Giải pháp này sẽ tạo hiệu ứng vào những tháng tới.

Tuy nhiên, tôi cho rằng Chính phủ vẫn cần tập trung điều hành làm sao để một đồng tiền ngân sách tiêu ra tạo được hiệu quả cao hơn mức hiện tại. Điều này sẽ tạo tác dụng lớn, tăng hiệu quả cho nền kinh tế và giúp tiết kiệm chi tiêu công, góp phần giảm áp lực lạm phát.

TS NGUYỄN ĐỨC THẮNG (vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê):

Bão lũ có thể ảnh hưởng đến CPI

Hiện nay, các giải pháp chống lạm phát của Chính phủ do mới được đề ra và thực hiện vào tháng 2-2011 nên chưa phát huy tác dụng được nhiều. Theo tính toán của chúng tôi, CPI các tháng cuối năm thường có xu hướng tăng cao hơn.

Đặc biệt là tình hình vật nuôi, bão lũ có thể gây chia cắt, ảnh hưởng đến giá tiêu dùng. Nên CPI các tháng tới, nhất là tháng 8, tháng 9 sẽ vẫn tăng theo đà của tháng 7. Cần nhấn mạnh là trong tháng 5, tháng 6, CPI không giảm mà chỉ giảm tốc độ tăng. Mức tăng xung quanh 1%/tháng thật ra vẫn là mức tăng cao. Nên muốn giảm phải có lực cản lớn.

Dự kiến của Tổng cục Thống kê, đến tháng 10-2011, khi độ trễ của hiệu quả từ các giải pháp của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng, CPI sẽ giảm tốc. Không ngoại trừ sự giảm tốc ngoạn mục nếu các mặt hàng cơ bản như xăng dầu, điện... được bình ổn tốt. Nhưng lạc quan thì cũng phải khẳng định CPI năm nay sẽ ở mức 17-18%.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên