03/04/2008 02:20 GMT+7

Nguy cơ từ cá lau kính

TRẦN MINH TRÍ(Khoa kinh tế, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM)
TRẦN MINH TRÍ(Khoa kinh tế, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM)

TT - Đọc tin "Cá lau kính ra sông hồ ngày càng nhiều" (Tuổi Trẻ ngày 31-3) tôi thấy lo lắng về sự nguy hại đối với hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản.

5yXG2zaq.jpgPhóng to

Cá lau kính - Ảnh tư liệu

Tin này viết "Tuy hình thù kỳ dị nhưng thịt cá lau kính thơm ngon", có thể khiến độc giả có một cái nhìn không đầy đủ về lợi ích và tác hại của cá lau kính. Cái nhìn phiến diện này có thể dẫn đến một sự bùng phát "dân số" cá lau kính và sau đó trở thành đại nạn, giống như đại nạn ốc bươu vàng trong những năm trước đây.

Cá lau kính có tên tiếng Anh là suckermouth catfish, hay còn được gọi là janitor fish. Tên khoa học của nó là Hypostomus plecostomus. Loại cá này có chiều dài lên đến 70cm và trọng lượng có thể tới vài kilôgam. Thức ăn chính của loài cá này là các loại rong, rêu, tảo bám trên bề mặt thực vật hoặc nền đáy.

Cá lau kính có thể sống trong nhiều điều kiện môi trường sinh thái khác nhau nên khả năng phát triển đàn rất nhanh. Ở nhiều nơi trên thế giới, sự phát triển đàn của cá lau kính đã trở thành vấn nạn đối với hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Được ghi lại trên trang web của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho đến những năm cuối thập kỷ 1990, sông Marikina (Philippines) có nguồn lợi cá rất dồi dào với một số loài cá như: cá rô phi (tilapia), cá chép (carp), cá trê (catfish)... Khi đó, sông Marikina là nguồn sinh kế của nhiều hộ dân dọc bờ sông, nhưng vài năm sau đó cá lau kính xuất hiện và nguồn cá tự nhiên trên dòng sông này giảm một cách đáng kể.

Theo ước lượng năm 2005, tỉ lệ cá lau kính trên các loài cá khác ở dòng sông này là khoảng 10:1, tức là số lượng cá lau kính gấp mười lần so với các loài khác. Nguyên nhân của sự thay đổi này là do sự phát triển đàn rất nhanh của cá lau kính và tính phàm ăn của chúng. Dù không trực tiếp tấn công các loại cá khác, nhưng cá lau kính đã giành hết thức ăn và ăn cả trứng của những loài cá khác khiến một số loài cá gần như bị tuyệt chủng.

Không chỉ dừng lại ở tác hại đối với nguồn lợi thủy sản, cá lau kính còn gây ra sự tổn hại đối với hệ sinh thái. Trước hết, sự phát triển đàn cá lau kính đã tạo ra sự mất cân bằng loài động vật trên sông. Ngoài ra, tính phàm ăn của cá lau kính cũng hủy diệt các loài thực vật dưới nước. Và cuối cùng, sự đào hang của chúng cũng đã gây ra sự sạt lở và xói mòn dọc bờ sông...

Bài học từ Philippines đã cho thấy phần nào tác hại của sự bùng nổ cá lau kính. Tôi đề nghị các nhà khoa học chuyên ngành thủy sản nên có những nghiên cứu đầy đủ hơn về đặc điểm, lợi ích và đặc biệt là tác hại của cá lau kính để phổ biến rộng rãi cho người dân biết. Trước mắt, các chuyên gia thủy sản cần có tiếng nói vào lúc này khi cá lau kính đang bùng phát ở nhiều nơi, và khi có nhiều thông tin trái ngược nhau về lợi ích và tác hại của loài cá này.

TRẦN MINH TRÍ(Khoa kinh tế, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên