19/08/2014 07:19 GMT+7

​Xe khách “núp bóng” hợp đồng

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG - LÂM HOÀI
NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG - LÂM HOÀI

TT - Tại Hà Nội và TP.HCM, tình trạng xe khách núp bóng dưới danh nghĩa du lịch lữ hành, xe chạy hợp đồng... để trốn thuế, phí bến bãi đang thách thức lực lượng chức năng.

Ngày 12-8, chúng tôi gọi điện đến số tổng đài của Hãng xe Hoa Mai (Công ty TNHH vận tải và du lịch Hoa Mai) đặt vé đi Vũng Tàu. Nhân viên trực tổng đài hướng dẫn chúng tôi đến địa chỉ 44 Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM mua vé và đi ngay.

“Trá hình” xe du lịch 

Khi chúng tôi đến, hai chiếc xe khách loại 16 chỗ ngồi đang đậu dưới lòng đường Nguyễn Thái Bình đón khách. Phía trong “phòng vé”, nhân viên liên tục nghe điện thoại và hướng dẫn hành khách chỗ đón xe. Khi chúng tôi đặt vấn đề mua vé thì nhân viên cho biết cứ lên xe có người xếp chỗ.

Thiệt hại

Theo các bến xe, nhiều hãng xe thương hiệu hoạt động trá hình dưới hình thức hợp đồng, du lịch lữ hành... Bến xe miền Đông cho biết các loại xe núp bóng trên đã lấy mất khoảng 10.000 hành khách của bến xe miền Đông đi các tuyến Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế... Ông Nguyễn Ngọc Thừa - giám đốc bến xe miền Đông - cho biết nhiều tuyến bị sụt giảm lượng khách như tuyến Vũng Tàu trước đây bình quân mỗi ngày 5.000-6.000 khách, nay chỉ còn 2.000-3.000 khách. Tương tự, trước đây tuyến đi Quảng Nam có 20 chuyến xe chở khoảng 1.000 khách/ngày, nay bến đã ngừng hoạt động tuyến xe này vì các doanh nghiệp vận tải lập bến xe dù trong nội thành và kéo khách đi Quảng Nam ở bến xe về đây. 

Theo ước tính của bến xe miền Đông, số lượng xe dù trên có thể làm thất thoát hàng chục tỉ đồng tiền thuế. Điều tệ hại hơn là các loại xe trên không bảo đảm an toàn cho hành khách vì không được kiểm tra theo quy trình trước khi rời bến.

Tại xe, một người mặc đồng phục của Hãng xe Hoa Mai xếp chỗ ngồi cho khách, rồi cầm cuốn sổ và ghi lại địa điểm cần xuống của từng khách. Khoảng 10 phút sau, khách lên gần đầy xe, chỉ còn vài ghế trống.

Chiếc xe 72B-00098 xuất bến đi về hướng Vũng Tàu, không ghé qua bến xe miền Đông dù hãng xe này có đăng ký hoạt động tại bến này. Trước khi ra khỏi TP.HCM, xe rước thêm vài hành khách đứng đón dọc đường.

Chạy được khoảng một giờ, chiếc xe ghé vào trạm dừng chân của hãng xe này tại địa phận Đồng Nai và bắt đầu thu tiền vé của khách. Khi thu tiền, nhân viên không hề giao vé hay bất cứ loại giấy tờ nào cho khách. Tiền vé có hai loại, nếu đi suốt chặng giá 100.000 đồng, còn đi đến thị xã Bà Rịa giá 95.000 đồng.

Cùng ngày, chúng tôi đón một chiếc xe khách của hãng xe này từ Bà Rịa đi TP.HCM, lần này khi thu tiền chúng tôi cũng không được giao vé.

Khi hỏi vé để về thanh toán với cơ quan thì tài xế này mới miễn cưỡng nói: “Vào trạm đưa”. Khi đến trạm dừng chân, sau khi thanh toán tiền vé cho tài xế, tôi vào trạm để xin vé thì được một người tại trạm này đưa cho một tấm “vé du lịch” với mệnh giá ghi 100.000 đồng, dù tiền vé thực của tôi chỉ 95.000 đồng. Trong khi đó, hầu hết hành khách trên xe đều không có vé.

Tôi thắc mắc sao trên vé lại ghi “vé du lịch” nhưng nhân viên xe không trả lời. Theo khảo sát của chúng tôi, hơn 20 hành khách trên hai chuyến xe Hoa Mai hầu hết là người về quê thăm người thân, người đi khám bệnh, đi làm ăn...

Chỉ số ít trong đó là khách du lịch thật sự. Cách hoạt động của Hãng xe Hoa Mai cũng là cách làm điển hình của hàng chục hãng xe đang hoạt động đưa đón khách liên tỉnh tại TP.HCM. Hầu hết ở mỗi tỉnh đều có một “thương hiệu” xe dù đưa đón khách ngay trong nội thành.

Các hãng xe khác chạy tuyến TP.HCM - Bến Tre như Thành Hưng, Kim Tiền, Minh Hồng... cũng hoạt động theo cách tương tự. Một số hãng xe thậm chí còn chạy trả khách đến từng địa chỉ nhà tại TP.HCM.

Các hãng xe như Hùng Mai, Năm A, Xuân Tùng, Đình Nhân, Cẩm Vân... ngang nhiên đón trả khách ngay tại các tuyến đường, bãi đất trống, sân chung cư... mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Và tất nhiên những hãng xe này sẽ không phải tốn một đồng nào tiền bến bãi.

Hà Nội: xe hợp đồng cũng vô tư đón, trả khách

Trong khi đó chiều 11-8, trong con ngõ khá rộng không đánh tên số ngay gần bến xe Mỹ Đình (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) chiếc xe khách giường nằm 

51B-120.70 đề tên Hãng xe Dòng Hiền dừng đỗ ngay giữa ngõ. Cách đó vài mét là văn phòng giao dịch cùng tên với dòng chữ quảng cáo “xe open tour, chạy tuyến Quảng Bình - Quảng Trị - Hà Nội”. Vào vai hành khách cần đi từ Hà Nội vào TP Đồng Hới (Quảng Bình), chúng tôi được hai nữ đại diện bán vé tại văn phòng này khẳng định chắc nịch: “Xe ngày nào cũng chạy, xuất phát từ Hà Nội khoảng 17g30-18g30 hằng ngày, giá một người đi là 220.000 đồng”.

Trưa 12-8, xe khách loại 35 chỗ 18B-007.24 chạy từ đường Láng Hạ phóng nhanh vào bãi giữ xe tại địa chỉ 1A Láng Hạ (Q.Ba Đình, Hà Nội) rồi đỗ xịch phía sâu trong bãi. Xe vừa dừng, hàng chục hành khách lỉnh kỉnh đồ đạc vội vã rời xe túa ra mặt đường đi các hướng. Nói với chúng tôi trong vội vàng, một phụ nữ vừa xuống xe cho hay chị là hành khách của xe này đi theo tuyến từ Nam Định tới Hà Nội.

Theo chủ quán nước trước cổng bãi xe này, đây vốn là bãi trông giữ xe ngày đêm phục vụ các khách hàng có nhu cầu gửi xe riêng, trong đó chủ yếu là các loại xe 4-7 chỗ. Riêng chiếc xe khách biển số Nam Định vừa thấy hoạt động tại bãi xe này một thời gian.

“Chú muốn đi xe thì cứ tầm 13g30 ra bãi, xe này hôm nào cũng đón khách chạy về Nam Định giờ đấy, trả khách ở bến thì tầm 11g kém trưa hằng ngày” - chị chủ quán nước vồn vã khi chúng tôi ngỏ ý muốn lên chiếc xe kia đi từ Hà Nội về Nam Định.

Ngoài các điểm nêu trên, thời gian gần đây trên các điểm như tuyến phố Trần Đại Nghĩa (Q.Hai Bà Trưng), nhiều xe chạy tuyến Quảng Trị - Hà Nội chạy dưới dạng “hợp đồng” vô tư dừng đón trả khách.

Khu vực ngõ 102 Trường Chinh (Q.Đống Đa) cũng có một số xe chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội dừng đỗ. Điểm giữ xe tại số 2 Tôn Thất Thuyết (Q.Cầu Giấy), đầu phố Nguyễn Tuân (Q.Thanh Xuân) cũng có nhiều xe khách chạy tuyến Sơn La - Hà Nội dừng đỗ, đón trả khách...

Bất hợp pháp

Dù bãi đỗ xe nằm sát bến xe Mỹ Đình, tuy nhiên trong hàng chục đầu xe chạy các tuyến mà chúng tôi nêu ở trên, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - phó giám đốc bến xe Mỹ Đình - xác nhận chỉ có một số ít hoạt động chính thức và đón trả khách trong bến xe. Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều xe khác trong số đó đón khách rải rác các nơi khác. 

Nói về xe Dòng Hiền, ông Nguyễn Mạnh Tuấn khẳng định dù nhà xe này hoạt động ngay gần bến nhưng hoàn toàn không được cấp phép cũng như đón hay trả khách trong khuôn viên bến xe Mỹ Đình. Còn đội trưởng đội trật tự giao thông quận Ba Đình Vũ Minh Huề cho hay hoàn toàn bất ngờ trước hoạt động của chiếc xe 18B-007.24 mà Tuổi Trẻ phản ánh. “Nếu có việc đón trả khách như trên, tôi khẳng định là bất hợp pháp” - ông Huề nói chắc nịch.

Lắm mánh khóe

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tất Thành - giám đốc bến xe phía Nam (bến Giáp Bát, Hà Nội) - cho biết: “Chiêu của loại xe này là sẽ đón khách lẻ nhưng sau đó hợp thức hóa thành hợp đồng đón trả khách tập thể để lách luật lưu thông trên đường. Họ không đóng tiền bến bãi cho Nhà nước cũng như không bán vé như tại các bến xe chính thống. Điều này không những gây thất thoát thuế cho Nhà nước mà còn đẩy hành khách đi xe vào rủi ro nếu chẳng may xảy ra tai nạn”.

Còn ông Phạm Hồng Việt - phó Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết không thể bố trí lực lượng kiểm soát những điểm bán vé của các doanh nghiệp hoạt động ngoài bến xe. Bởi vì khi thấy bóng dáng lực lượng thanh tra, các doanh nghiệp cho xe lăn bánh vì họ biết thanh tra không được phép dừng xe kiểm tra.

Còn khi kiểm tra thì họ đưa đầy đủ hợp đồng chở khách theo dạng du lịch lữ hành hoặc hợp đồng du lịch nên chỉ có thể xử phạt xe đậu trái quy định. Vấn đề chính là các địa phương tại chỗ cần tham gia xử lý các điểm bán vé này.

 

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG - LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên