21/08/2014 09:38 GMT+7

​Vụ nhà báo Mỹ bị chặt đầu: Đăng hay không đăng

CHIÊU VĂN
CHIÊU VĂN

TTO - Đăng lên mạng, tải về, phát, xem đoạn video rùng rợn chiếu cảnh chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley có thể bị coi là hành vi vi phạm luật chống khủng bố.

Nhà báo James Foley - Ảnh: nydailynews.com

Phiến quân Hồi giáo tung clip cắt đầu phóng viên Mỹ
Quân đội Iraq chiếm lại đập Mosul, IS dọa tắm máu Mỹ 
Máy bay Mỹ hỗ trợ người Kurd chống phiến quân Hồi giáo

Nhà chức trách Anh đã ra cảnh báo chính thức nói việc đăng lên mạng, tải về, phát hoặc thậm chí là xem đoạn video rùng rợn chiếu cảnh phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley có thể bị coi là hành vi vi phạm luật chống khủng bố.

Khi đối mặt với những hình ảnh tàn bạo như thế, các hãng truyền thông luôn đứng trước câu hỏi khó về việc sẽ làm gì. Giờ đây, tới lượt các trang mạng xã hội, những nhà điều hành web và bất cứ ai sử dụng internet phải đối mặt với câu hỏi tương tự.

Ngày 19-8, khi IS đăng một đoạn video chiếu cảnh chặt đầu Foley, hầu hết các hãng tin phương tây đã không đăng lại đoạn băng mà chỉ đăng các bức ảnh tĩnh chụp từ video ở gần những phút cuối cuộc hành quyết.

Một số người bình luận còn nói các hãng tin nên thận trọng hơn nữa và không dùng cả các bức ảnh. Twitter và Facebook, hai trang mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay, tỏ ra chia sẻ điều đó.

Sau khi một số người dùng chia sẻ các bức ảnh và đường dẫn tới đoạn video, những người khác đã yêu cầu họ xóa các bài đăng và đưa ra các đường dẫn khác tới hình ảnh tác nghiệp của Foley. Có vẻ như những người dùng mạng xã hội đang thiết lập tiêu chuẩn báo chí cho chính họ.

Xem hay không xem

Kelly Foley, một người họ hàng của nhà báo xấu số, viết trên Twitter: “Đừng xem đoạn băng, đừng chia sẻ. Cuộc sống không phải là như thế”.

Nhưng có khác biệt lớn giữa quyết định của một cá nhân và một tổ chức, như Twitter hay YouTube. Với các trang web, cắt bỏ nội dung luôn là một hình thức biên tập, hay kiểm duyệt.

Đoạn băng với độ phân giải rất tốt này ban đầu được đăng trên YouTube, nhưng bị trang này gỡ bỏ vài giờ sau đó. YouTube cũng nói họ sẽ gỡ bỏ bất cứ đoạn băng tương tự nào.

Một đại diện của YouTube, trang web thuộc sở hữu hãng Google, nói họ “có chính sách rõ ràng cấm các nội dung bạo lực ghê rợn, các bài phát biểu phân biệt chủng tộc gây thù hằn và kích động bạo lực, và chúng tôi gỡ bỏ những đoạn băng như thế khi người dùng của chúng tôi “gắn cờ” (một hành vi cảnh báo của người dùng với YouTube)”.

“Chúng tôi cũng sẽ treo tài khoản đăng ký của bất kỳ thành viên nào bị xác định là thuộc một nhóm khủng bố nước ngoài”, người đại diện này nói thêm.

Tuy nhiên, đoạn băng chiếu lại cảnh hành quyết vẫn còn trên các trang khác. Một trang như thế, LiveLeak, nói ngày 20-8 rằng họ đang “có lượng truy cập tăng đột biến”.

Twitter cũng đối mặt với vấn đề tương tự, và sức ép lớn từ người dùng khi họ phải “đi dây” giữa quyền tự do bày tỏ ý kiến và những giá trị đạo đức nhân bản.

“Chúng tôi đã và vẫn đang liên tục treo các tài khoản đăng tải nội dung này”, giám đốc điều hành Twitter Dick Costolo viết trong một tin nhắn sáng 20-8 trên tài khoản của ông.

Hãng truyền hình lớn của Mỹ CNN thì không đăng đoạn video, nhưng đăng lại các bức ảnh chụp.

“Giọng nói của tay đao phủ có thể tiết lộ nhân thân hắn ta, đó là tin tức”, biên tập viên quốc tế của CNN Jonathan Mann giải thích.

“Sự kiện này có thể thay đổi những gì các chính phủ và quân đội làm tiếp theo, đó là tin tức. Đoạn băng này được lan truyền trên các mạng xã hội, đó là tin tức, dù cho chúng ta có làm gì đi nữa”.

Tờ báo khổ nhỏ ở Mỹ New York Post quyết định đi xa hơn, đăng trên trang bìa một hình ảnh chụp từ đoạn video cho thấy kẻ hành quyết bắt đầu cắt cổ nạn nhân.

Một số người dùng internet sau đó đã đề nghị Twitter treo tài khoản của tờ báo này.

CHIÊU VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên