11/08/2014 02:32 GMT+7

​Thu - nộp tác quyền: mỗi bên mỗi lý

QUỲNH NGUYỄN - HÀ HƯƠNG  (còn tiếp)
QUỲNH NGUYỄN - HÀ HƯƠNG (còn tiếp)

TT - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đưa ra nhiều lý lẽ về việc thu tiền tác quyền nhưng không ít nhạc sĩ vẫn còn nhiều băn khoăn.

Trong khi live show Khánh Ly in Đà Nẵng đang diễn ra trên sân khấu thì bên trong phòng họp tại Cung thể thao Tiên Sơn là cuộc tranh cãi “không có hồi kết” về vấn đề tác quyền giữa đơn vị tổ chức biểu diễn và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN - Ảnh: An Bảo
Trong khi live show Khánh Ly in Đà Nẵng đang diễn ra trên sân khấu thì bên trong phòng họp tại Cung thể thao Tiên Sơn là cuộc tranh cãi “không có hồi kết” về vấn đề tác quyền giữa đơn vị tổ chức biểu diễn và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN - Ảnh: An Bảo

Từ cách “đòi tiền” quyết liệt của ông giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) ngay trước sô diễn Khánh Ly hôm 2-8 tại Hà Nội và 8-8 ở Đà Nẵng đã cho thấy câu chuyện thu - nộp tác quyền ngày một kịch tính...

Không phải đến chương trình Khánh Ly, VCPMC mới “làm lớn chuyện” thu bản quyền. Thực tế, VCPMC đã nhiều lần lên tiếng đòi tác quyền ở nhiều chương trình khác nhau. Có lần thành công, nhưng cũng không hiếm lần thất bại.

Gần đây nhất, hôm 28-7, VCPMC đã gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn, sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố công văn về việc thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả âm nhạc với đề nghị cục phối hợp, hỗ trợ VCPMC nhắc nhở các đơn vị nghiêm túc thực hiện quyền tác giả đối với các tác giả, không tiếp tục cấp giấy phép công diễn cho các đơn vị đã có vi phạm trước đó.

Kèm theo công văn là danh sách 41 chương trình được tổ chức từ năm 2012-2014 mà các đơn vị tổ chức (chủ yếu ở Hà Nội) vẫn chưa đóng tác quyền.

Ngoài ra, đại diện VCPMC tại TP.HCM xác nhận khu vực phía Nam cũng có những chương trình diễn ra mà không đóng tác quyền nhưng ít hơn khu vực miền Bắc.

Bên thu: quyết liệt “bảo vệ quyền tác giả”

VCPMC khẳng định: “Tổ chức sô diễn là kinh doanh. Kinh doanh phải lo đầu vào và tính đầu ra. Đầu vào bao gồm: tiền thuê địa điểm, thuê hòa âm phối khí, thuê ca sĩ, bản quyền tác giả...

Những loại kia cũng phải thỏa thuận với bên cung cấp dịch vụ, có ký hợp đồng và bảo đảm thanh toán mới được sử dụng, tại sao việc thỏa thuận với tác giả lại không?”.

Với hơn 3.000 thành viên trong nước và 55 hợp đồng với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả trên thế giới, VCPMC cũng nhiều lần khẳng định nguyên tắc “nếu chưa thỏa thuận được về tác quyền thì bên tổ chức biểu diễn không được phép sử dụng tác phẩm của các nhạc sĩ thành viên”.

Với các sô diễn quốc tế, VCPMC vẫn sẽ thu tác quyền bởi trung tâm đã ký nhiều hợp đồng quốc tế cho phép thu tác quyền các ca khúc quốc tế trình diễn tại VN và ngược lại, và thực thi nghĩa vụ trả tác quyền đầy đủ cho các tác giả có liên quan.

Các hợp đồng của VCPMC với các tổ chức tương đương có hiệu lực điều chỉnh trên 150 quốc gia. Trung tâm cũng là tổ chức đại diện cho hàng triệu tác giả trên thế giới đã thực hiện việc chi trả cũng như thu tiền sử dụng tác phẩm nghiêm túc và có chuẩn mực chuyên nghiệp theo đúng luật pháp.

Đó là cái lý của VCPMC, tuy nhiên, cũng không ít nhạc sĩ băn khoăn về mức thu của VCPMC và con số nhận được sau mỗi kỳ chi trả.

Bản thân VCPMC cũng trần tình một số nhạc sĩ lớn tuy lên tiếng chỉ trích trung tâm nhưng khi được mời đến kiểm tra quy trình phân phối, chi tiết các bản kê và các phần mềm phục vụ thu tiền tác quyền thì đã không tới.

Công bố đầu năm 2014 của VCPMC cho thấy thực tế số tiền thu được từ các chương trình biểu diễn chỉ chiếm một lượng ít ỏi 15% trong tổng số tiền tác quyền mà họ thu về.

Số tiền bản quyền “khủng” nhất đến từ các dịch vụ kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ và phần mềm nghe nhạc trực tuyến.

Theo nghị định 79 ban hành năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trong hồ sơ xin cấp phép tổ chức một chương trình chỉ yêu cầu phía tổ chức làm một cam kết sẽ trả tác quyền (không nhất thiết phải đóng tiền tác quyền đầy đủ và nộp biên lai cho đơn vị cấp phép như trước đó) bên cạnh một số thủ tục khác thì sẽ được cấp phép.

Vậy nên, theo VCPMC, nhiều đơn vị tổ chức đã lợi dụng sự “đơn giản hóa” thủ tục hành chính này để “xù” tác quyền.

Đại diện trung tâm cho hay có đơn vị xin cấp phép tổ chức một chương trình xong là... giải tán công ty khiến trung tâm không cách nào thu được tác quyền nữa.

Khi cần làm chương trình, họ lại thành lập một công ty khác. Đó cũng là một trong những lý do khiến VCPMC phải quyết liệt hơn trong việc đòi tác quyền.

Thậm chí ông giám đốc trung tâm phải “muối mặt” đi đòi tác quyền ngay khi sô đang diễn ra như trường hợp sô Khánh Ly ở Hà Nội và Đà Nẵng.

Bên nộp: không hợp lý

Lý do gì khiến các đơn vị tổ chức (đáng lưu ý là có những đơn vị hoạt động lâu năm, có tên tuổi và uy tín) từ chối việc đóng tác quyền?

1. Câu trả lời mà Tuổi Trẻ được nghe nhiều nhất là cách tính của VCPMC không hợp lý. Ban tổ chức live concert Bằng Kiều cho biết họ rất bất ngờ khi đêm diễn ở Hà Nội, VCPMC thu tác quyền trọn gói (50 triệu đồng cho toàn chương trình ở Trung tâm Hội nghị quốc gia), nhưng cũng chương trình đó ở TP.HCM thì VCPMC chi nhánh phía Nam lại thu hơn 120 triệu đồng theo cách tính 5% x 75% số lượng ghế x bình quân giá vé.

Một vài đơn vị tổ chức khác cũng lấy làm lạ khi cùng một chương trình nhưng tổ chức ở những địa điểm khác nhau lại được VCPMC tính tác quyền theo cách khác nhau.

Vậy nên sau này VCPMC đã thống nhất cách tính tác quyền theo một công thức: 5% x 75% số lượng ghế x bình quân giá vé.

Nhưng các đơn vị tổ chức cũng cho rằng cách tính này thực chất chỉ phù hợp khi chương trình bán hết vé. Hầu hết đơn vị hay cá nhân tổ chức chương trình đều than chi phí sản xuất chương trình hiện rất lớn nên họ phải bán vé giá cao mới đủ thu hồi vốn và có lãi. Nhưng khi họ bán vé giá cao thì VCPMC lại càng thu tác quyền cao.

Trong khi đó, việc bán vé không phải lúc nào cũng thuận lợi. Như vậy, điều mà các đơn vị tổ chức muốn đấu tranh nhất chính là họ được nộp tác quyền đúng theo số vé bán ra.

Đại diện truyền thông của đơn vị tổ chức loạt sô Khánh Ly cho hay: “Vé khi phát hành đều có mã số thuế và ban tổ chức phải quyết toán với sở thuế sau mỗi chương trình. Vậy tại sao không đợi khi quyết toán thuế đầy đủ, rõ ràng rồi thu cho chính xác?”.

2. Nhiều đơn vị tổ chức không chịu đóng tác quyền cho VCPMC vì cho rằng VCPMC không nhận được ủy quyền từ nhạc sĩ có ca khúc mà họ khai thác. Hoặc vì cho rằng cách tính của VCPMC không hợp lý nên họ đã tự thương lượng với nhạc sĩ và đóng trực tiếp cho nhạc sĩ đó.

3. Không đóng tác quyền vì ca khúc được chọn trình diễn đã được bán độc quyền cho một ca sĩ nào đó, và ca sĩ đó dùng đúng ca khúc đã mua độc quyền đó để diễn trong chương trình.

4. Không đóng tác quyền vì trong một số trường hợp, VCPMC đề nghị thu luôn cả tác quyền bản nhạc và bản phối. Phía sản xuất không đồng ý vì để phù hợp với chương trình, họ thường nhờ các nhạc sĩ “mát tay” phối mới lại ca khúc và đã trả tiền theo thỏa thuận với nhạc sĩ phối khí.

5. Một số đơn vị cũng không đồng ý khi VCPMC đòi thu tiền tác giả biên đạo múa.

6. Một số đơn vị không hợp tác hoặc đóng tiền “cho yên chuyện” nhưng ấm ức khi thấy các đơn vị tổ chức khác “thương lượng” được mức phí thấp hơn dù quy mô tổ chức và bán vé như nhau.

7. Đặc biệt với các chương trình biểu diễn của nghệ sĩ nước ngoài, VCPMC cũng thu tác quyền “theo quy định”. Tuy nhiên, đơn vị tổ chức (thường là các công ty VN) cho rằng khi mời nghệ sĩ quốc tế qua trình diễn, họ đã trả thù lao và cả tác quyền nên không việc gì phải đóng tác quyền cho VCPMC nữa. Chuyện này cũng từng rất rùm beng khi VCPMC đòi đến hơn 300 triệu đồng tiền tác quyền ở live concert của nhóm nhạc SuJu (Hàn Quốc), hay đòi tác quyền sô Backstreet Boys dù các nghệ sĩ quốc tế này khẳng định họ đã mua bản quyền để biểu diễn các ca khúc này trong tất cả sô diễn của mình.

20 lĩnh vực “đụng” đến tác quyền

Tính từ năm 2014, VCPMC thu phí tác quyền âm nhạc ở 20 lĩnh vực từ sao chép, biểu diễn đến các khu vui chơi mua sắm, siêu thị, đài phát thanh, truyền hình... Hầu hết, ở lĩnh vực nào cũng diễn ra các tranh cãi xung quanh mức giá tác quyền do VCPMC đặt ra, nhiều nhất là trong lĩnh vực biểu diễn.

Trong lĩnh vực biểu diễn, VCPMC thu phí cả những chương trình không bán vé (thấp nhất 400.000 đồng, cao nhất 1 triệu đồng/tác phẩm). Đối với các chương trình biểu diễn có bán vé thì nếu tổ chức trong nhà hát sẽ tính 5% x 75% số lượng ghế x bình quân giá vé. Đối với tụ điểm ca nhạc, sân khấu ngoài trời thì giảm từ 75% số ghế xuống 60% số ghế, công thức tính giữ nguyên. Các chương trình tạp kỹ có sử dụng âm nhạc sẽ bị thu 250.000 đồng/tác phẩm/lượt biểu diễn.

Việc sử dụng âm nhạc tại các khách sạn, khu nghỉ mát, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, các địa điểm giải trí, siêu thị, nhà hàng, quán cà phê... được thu trọn gói theo năm. Đài phát thanh, đài truyền hình sẽ có hai hình thức thu, hoặc trọn gói hoặc theo từng lần phát trên các kênh. Đối với nhạc chuông, nhạc chờ - lĩnh vực được cho là mang lại lượng tiền tác quyền cao nhất hiện nay, việc thu tiền tác quyền được tính theo doanh thu của đơn vị sử dụng.

H.HƯƠNG

QUỲNH NGUYỄN - HÀ HƯƠNG (còn tiếp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên