03/09/2014 02:43 GMT+7

​Tăng cường phản biện và bình luận kinh tế

C.V.KÌNH - L.THANH ghi
C.V.KÌNH - L.THANH ghi

TT - Tiếp tục giới thiệu ý kiến của hai chuyên gia “đặt hàng” cho trang Kinh tế và một bạn đọc yêu cầu viết nhiều hơn những câu chuyện đời sống nhẹ nhàng.

Ảnh: Việt Dũng

 Dưới đây là hững góp ý mang tính đòi hỏi với Tuổi Trẻ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập báo. 

* TS Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN):

Cân bằng vĩ mô và dân sinh

Tuổi Trẻ vẫn là một trong những tờ báo lớn, được chờ đợi trước các sự kiện lớn, trước những vấn đề báo chí cần có tiếng nói. Để phát triển trong xu hướng bùng nổ thông tin, theo tôi, Tuổi Trẻ phải cân bằng được thông tin đời sống, dân sinh và thông tin vĩ mô.

Vấn đề dân sinh đúng là lúc nào cũng cần vì phản ánh cuộc sống, nhưng cần tránh sa quá nhiều vào các vấn đề ngắn hạn, phản ánh bức xúc hằng ngày, khó khăn cụ thể. Trong xu hướng Nhà nước phải tăng công khai, minh bạch, tăng tính giải trình, cần phản ánh, đưa thông tin kịp thời, có tính cạnh tranh cao những vấn đề vĩ mô. Bởi đó là tầm nhìn quốc gia, những vấn đề liên quan tới tất cả mà dù khó đọc, người dân nào cũng cần phải biết. Nếu tận dụng được xu hướng công khai minh bạch, biến những thông tin thành vấn đề báo chí... tôi tin Tuổi Trẻ sẽ trở nên thu hút hơn.

Điểm quan trọng nữa là phản biện chính sách. Theo tôi, Tuổi Trẻ vẫn cần tăng cường tính phản biện trong các bài viết. Điều này có thể dẫn tới va chạm.

Tuy nhiên, nếu làm tốt sẽ có tác động mạnh mẽ, tạo dấu ấn, đóng góp chung vào sự nghiệp phát triển, giúp khắc phục những điểm yếu, chỉ ra những bất cập chính sách. Song phản biện cũng cần lập trường và cần cả tính xây dựng, vì lợi ích chung, tránh xu hướng đám đông...

Ảnh: Lê Thanh

* PGS-TS Ngô Trí Long (chuyên gia tài chính):

Đi vào định hướng chính sách

Với hai trang Kinh tế trên Tuổi Trẻ, tôi đánh giá cao độ nhanh nhạy, trung thực trong việc phản ánh những thông tin “nóng” về các vấn đề kinh tế như tình hình kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, thương mại, thị trường giá cả...

Mỗi bài báo là một diễn đàn mở ra cho người đọc một cách nhìn toàn diện về một vấn đề khi có thông tin từ thực tế cuộc sống, ý kiến của cơ quan quản lý, của chuyên gia. Chính vì thế bài báo có tính phản biện rất cao. Đây là cách làm riêng của các bạn mà tôi thấy rất lý thú.

Tuy nhiên, để khẳng định vững chắc vị thế của mình trong chuyên mục kinh tế so với các tờ báo chuyên về kinh tế và trang kinh tế của các ấn phẩm khác, theo tôi Tuổi Trẻ cần mạnh dạn hơn đi vào những vấn đề khó mang tính định hướng chính sách. Như sang năm 2015, thị trường nội địa sẽ như thế nào khi chúng ta gia nhập cộng đồng ASEAN?

Hay cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có thật sự mang lại hiệu quả đáng kể khi tỉ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn tới trên 90% tại nhiều tập đoàn...

Các bạn nên có những bài bình luận, bài phân tích sắc sảo của các chuyên gia đầu ngành mà vài năm trước đây bạn đọc thường thấy trên Tuổi Trẻ.

Bên cạnh những bài viết có sức nặng, sâu sắc về một vấn đề, Tuổi Trẻ cần bám sát diễn biến của nền kinh tế hơn nữa để phản ánh sinh động, đa chiều về thực tế thị trường, về mong muốn, xu thế kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp...

Là tờ báo uy tín, thông tin trung thực, tôi luôn hi vọng và tin tưởng rằng Tuổi Trẻ sẽ góp phần hỗ trợ rất lớn cho bạn đọc khi cung cấp những thông tin hữu ích.

Ảnh: Mai Hương

* Chị Huê Thị Kim Nương (Vĩnh Long):

Viết nhiều câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi

Lúc trước tôi chỉ hay đọc mấy cuốn tạp chí gia đình, mấy tờ báo dành cho phụ nữ - nói chung là những báo có nhiều hình, nhiều màu, ít chữ vì gần gũi, đơn giản, dễ hiểu, đỡ mệt đầu. Nhưng rồi một lần tôi đi xe khách lên thành phố, trên xe có ai bỏ quên tờ báo Tuổi Trẻ. Tôi cầm lên đọc thấy hay, thấy báo dù nhiều chữ cũng không khô khan.

Bài báo đầu tiên của Tuổi Trẻ gây ấn tượng đó hình như là một câu chuyện pháp đình.

Từ ngày gắn bó với Tuổi Trẻ, tôi thích tờ báo ở chỗ trong một số báo bao giờ cũng có những câu chuyện về đời sống nhẹ nhàng. Những câu chuyện tưởng như chỉ được kể với nhau trong làng, trong xóm giờ cũng được lên báo.

Như mới đây báo đăng chuyện một nữ sinh có bầu sắp bị trường cho thôi học, may nhờ được thầy hiệu trưởng cảm thông nên thi đỗ tốt nghiệp; cậu học trò cá biệt nhắn tin khủng bố cô giáo vì bị cô mét mẹ chuyện chơi game, chuyện mấy đứa trẻ con lang thang không được nhập hộ khẩu...

Đầu năm học, hai đứa nhỏ nhà tôi về nói trường bắt mua đồng phục của trường bán, mẹ đừng mua vải về may trường không chịu đâu. Giở báo Tuổi Trẻ ra đã thấy có bài viết phản đối chuyện mấy trường học bắt học sinh “đồng phục” cả giấy bao tập, nhãn dán tập.

Báo bây giờ nhanh nhạy, quan tâm đến những chuyện thiệt nhỏ xảy ra tận tỉnh lẻ. Mà báo có viết về mấy chuyện đó thì chúng tôi mới thích đọc.

Nghe nói sắp tới báo Tuổi Trẻ sẽ cải tiến nữa, tôi mong sao càng ngày càng có nhiều chuyện thiệt gần gũi với đời sống được lên báo. Người dân chúng tôi nếu không viết được cũng kể được, nhà báo chỉ cần chịu khó tới đây, tụi tui kể cho nghe. Muốn người dân mua báo, báo ráng viết làm sao cho nhẹ nhàng, gần gũi, như vậy mới dễ đọc, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.

MAI HƯƠNG ghi

 

C.V.KÌNH - L.THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên