Biểu tình ở quảng trường Times. Ảnh: EPA |
Ở quảng trường Thời Đại tại New York, hàng ngàn người diễu hành và hô vang “Đã giơ tay rồi, đừng bắn”. Tại thành phố Chicago, hàng trăm người giơ cao những khẩu hiệu như “Không có công lý”, “Không có hòa bình”, “Hãy nói không với cảnh sát phân biệt chủng tộc”...
Một cuộc biểu tình cũng diễn ra ở thành phố Ferguson, “tâm chấn” của phong trào biểu tình “Khoảnh khắc im lặng quốc gia”. Bốn ngày liên tiếp trước đó, các vụ bạo động, đập phá đã nổ ra tại đây sau khi Brown bị bắn chết. Lực lượng an ninh đã trấn áp các cuộc biểu tình bạo động bằng hơi cay và đạn cao su.
Hôm 14-8, Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi người dân Ferguson “bình tĩnh, kiềm chế và biểu tình hòa bình”, đồng thời yêu cầu nhà chức trách Ferguson phải điều tra công khai và minh bạch. Cha mẹ của Brown cũng kêu gọi ngừng bạo lực.
Sau đó Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra liên bang (FBI) tuyên bố sẽ điều tra cái chết của Brown, bên cạnh cuộc điều tra của Văn phòng công tố hạt St. Louis.
Dư luận thành phố Ferguson khẳng định Brown bị sát hại vì màu da đen. Reuters dẫn lời giáo sư chính trị Terry Jones thuộc ĐH Missouri cho biết thành phố Ferguson từng có quá khứ phân biệt chủng tộc.
Theo báo USA Today, năm 1970 có tới 99% dân Ferguson là người da trắng. Tuy nhiên hiện tại người da trắng chỉ chiếm 29% dân số, người gốc Phi chiếm 67%. Điều đáng nói là Sở Cảnh sát Ferguson có 53 sĩ quan nhưng chỉ có ba người gốc Phi.
Hôm qua, thống đốc Missouri Jay Nixon đã chỉ định đại úy Ron Johnson, một người gốc Phi thuộc lực lượng tuần tra cao tốc, thay thế sĩ quan lãnh đạo cảnh sát hạt St. Louis. Ông mô tả thành phố Ferguson giống như “vùng chiến sự” và đó là điều không thể chấp nhận được.
Đại úy Johnson cam kết nhà chức trách sẽ phục hồi trật tự và tôn trọng người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận