23/05/2009 03:20 GMT+7

Yêu trong sáng như... Tây!

HỮU PHAN
HỮU PHAN

TT - Một du học sinh ở Pháp viết về chuyện yêu của SV Tây sau loạt bài về văn hóa yêu trong SV VN (“Đỏ mặt chuyện SV yêu”, Tuổi Trẻ ngày 9 và 16-5-2009).

bOag7luN.jpgPhóng to
Bày tỏ tình cảm một cách có văn hóa nơi công cộng đâu phải là quá khó với các bạn trẻ VN... - Ảnh: GIA TIẾN

Khi sống ở Pháp, tôi không lạ gì với hình ảnh những đôi trai gái yêu nhau, nắm tay dạo phố. Thi thoảng họ hôn nhau giữa đông người qua lại, như thể tình yêu của họ là thứ duy nhất trên con đường ấy. Ngoài công viên cũng có những đôi bạn trẻ cùng phơi mình trên bãi cỏ, hôn nhau trên ghế đá.

Bạn tôi hỏi: không thấy sa đọa hả? Tôi thì chỉ thấy cách thể hiện tình yêu của họ thật trong sáng, theo ý nghĩa “trong ánh sáng”, không có gì phải giấu giếm, lén lút, không có gì phải ngần ngại! Ta yêu nhau thật lòng cơ mà! Nói theo ngôn ngữ bình dân: yêu nhau chứ có phải ăn trộm, ăn cướp đâu mà sợ? Và vậy là họ yêu…tự nhiên hết sức, tự nhiên ở ánh nhìn ấm áp mà chàng trai dành cho cô gái, tự nhiên ở cả cách cô bạn Pháp nhón lên hôn trộm vào má chàng người yêu cao nghều…

Bạn hỏi tôi tại sao khác ở VN thế, ở mình làm vậy là bị phê bình ngay. Tôi hỏi lại: vậy bạn thấy có nhiều đôi yêu nhau nắm tay lãng mạn đi trên phố Sài Gòn không? Có những cái hôn bất ngờ, cái siết vai thật chặt? Hay phổ biến nhất là những cặp tình nhân đèo nhau vào tận một góc tối của công viên, nấp sau một bụi cây nào đấy. Xa hơn là chở nhau vào những quán cà phê đèn mờ, còn tới bến nữa là những nhà trọ ngoại ô.

Nhưng tại sao vẫn có một số bạn trẻ lại thích “yêu trong bóng tối” như vậy? Tôi nghĩ một phần do bản thân họ còn nhút nhát, sợ bị người khác biết, sợ bị bạn bè chọc (đặc biệt là các bạn nữ). Một phần bắt nguồn từ những đòi hỏi không lành mạnh (nhất là các bạn nam). Và một lý do quan trọng là tại cách nhìn của người xung quanh, nhất là các bậc phụ huynh, còn khắt khe quá. Các vị không muốn các bạn trẻ yêu trong bóng tối, nhưng cũng không chịu làm “đèn đường” để soi cho con đường tình của họ.

Khi đi làm thêm trong một nhà hàng Pháp, hầu như tối cuối tuần nào tôi cũng thấy có những đôi bạn trẻ đi cùng gia đình của chàng, hay của nàng, đến ăn tối. Họ nói chuyện thân mật, hào hứng; chàng và nàng cũng rất tự nhiên thể hiện tình yêu của họ trước mặt bố mẹ. Có lẽ ủng hộ một tình yêu chân thành chính là cách tốt nhất để “trong sáng hóa” tình yêu đấy.

" Muốn người khác nhìn mình yêu một cách trong sáng ư? Thế thì bản thân mình phải sáng đã!"

Theo dõi báo chí hay đọc blog trong nước, tôi thấy cũng có những bạn trẻ ở VN muốn “thoát ly”, thể hiện tình yêu như Tây nhưng lại làm… hơi quá: yêu nhau trên giảng đường, ở lì tại nhà trọ người yêu... Hình như các bạn chỉ biết “tăng cường độ theo Tây” chứ chưa biết điểm dừng giống họ. Những bạn nước ngoài xung quanh tôi tuy hôn nhau thắm thiết trên tàu điện, say đắm trên bãi cỏ… nhưng chưa bao giờ họ làm điều đó trong thư viện, lớp học. Họ biết giới hạn hành vi của mình ở những nơi có quy định riêng (thư viện), những nơi công cộng, lịch sự (nhà hát). Và đặc biệt, họ rất biết tôn trọng những người xung quanh.

Khi biết tôi sống cùng nhà với một anh chàng bản xứ, những người bạn của tôi thường hỏi: nó có dẫn bạn gái về nhà không? Xin thưa là có. Nhưng cô bạn người Pháp ấy đến nhà chúng tôi như bao người bạn bình thường khác, cô cùng Benoit (tên cậu bạn) nấu ăn rồi mời tôi dùng chung. Cả bọn vừa ăn tối, vừa xem phim. Được một lát thì ai rút về phòng ấy. Cư xử có chừng mực trong không gian chung, và tôn trọng cuộc sống riêng của mỗi người là phong cách tôi học được từ các bạn này. Chính ý thức sống lịch sự, biết tôn trọng người khác của Benoit đã làm cho ánh nhìn của tôi về cảnh cậu ôm người yêu khi xem phim rất đỗi bình thường. Đó là cuộc sống riêng của Benoit tôi cần phải tôn trọng, vì biết đâu mai mốt… đến lượt mình?

Nói “yêu như Tây” là yêu không lành mạnh, yêu kiểu tự nhiên chủ nghĩa… là hoàn toàn sai. Người nước ngoài cũng có những chuẩn mực đạo đức riêng. Ví dụ những việc như chụp cảnh yêu nhau rồi tung lên mạng, bên Pháp họ không chấp nhận như thế. Hay việc “sống thử” không phải bậc cha mẹ nào cũng đồng ý. Cái chính yếu nhất (không chỉ trong tình yêu) là phải có ý thức tôn trọng người xung quanh, tôn trọng người mình yêu, và biết tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm.

Tình yêu thì không có “made in Vietnam” hay “made in France”. Tình yêu chỉ có “made in your heart” - được sản xuất tại trái tim của chính bạn - mà thôi. Nên để thể hiện một tình yêu, trước hết hãy để trái tim bạn lên tiếng. Còn muốn yêu giống như Tây ư? Rất dễ, hãy yêu văn minh và lịch sự.

.......................................

Chuyện yêu của sinh viên TP dưới mắt một cựu sinh viên ngoại tỉnh!

Nàng tên H., SV năm cuối công nghệ thông tin, bố nàng là giảng viên một trường ĐH ở Hà Nội. Hằng ngày nàng đến “điểm danh” đều đặn ở nhà trọ của chàng người yêu tên Th. (học cùng lớp, quê Hải Phòng) trong bộ cánh áo cộc quần short. Nàng đảm đang lắm, rất chịu khó nấu nướng cho chàng rồi dọn dẹp nhà cửa giúp chàng. Nàng còn tha cả quần áo, sữa tắm, dầu gội…đến nơi chàng ở để giặt giũ, tắm rửa và được dịp nhờ chàng phụ một tay lúc gội đầu nhìn rõ là lãng mạn. Thông thường nàng chỉ viếng thăm chàng vào ban ngày, còn ban tối về nhà sum họp cùng bố mẹ. Nhưng khi bố nàng đi công tác thì nàng “bay đêm” ở chỗ chàng. Bà chủ nhà trọ biết vậy nhưng chỉ cười xởi lởi: “Gì chứ cứ trả thêm tiền nước là được!”.

Cũng là dân Hà Nội, V. (SV ngoại ngữ) đem lòng yêu một chàng ngoại tỉnh (cách Hà Nội hơn trăm cây số). Chàng trọ gần nhà V., chỉ cách vài con ngõ nên rất tiện cho V. gặp gỡ. Chàng sống cùng chị gái, nhưng ban ngày chị chàng đi làm nên V. và chàng thỏa sức tâm tình trong nhà trọ vào các buổi trưa hoặc khi không phải đến giảng đường. Đến giờ chị sắp về thì V. từ giã người yêu. Đến tối chàng lại xin phép chị gái đi tâm sự, cứ như là cả ngày mới được gặp nhau! Chị gái chàng cứ tưởng em trai và cô người yêu “ngoan đạo” lắm.

M. (SV tài chính) có người yêu cũng là dân Hà Nội. Dẫu thế hai người lại ít chịu hẹn hò ở nơi công cộng mà M. thường xuyên gọi điện rủ người yêu đến nhà mỗi khi bố mẹ cô vừa đi khỏi. Thật ra nhà M. còn có bà nội nhưng vì bà già cả nên M. không e dè. M. thường đợi người yêu từ ngoài cổng với trang phục mát mẻ áo hai dây, váy ngắn để toàn thể bà con trong ngõ có dịp rửa mắt những màn ôm hôn như phim. Sau đó hai người dung dăng dung dẻ dắt tay nhau lên phòng riêng của M. trên gác để tâm sự. Thời gian chàng lưu lại nhà M. tỉ lệ thuận với thời gian bố mẹ M. vắng nhà, vì vậy có khi chàng đóng đô trên gác suốt nửa ngày.

Tôi kể những chuyện trên đây không phải để minh oan cho SV ngoại tỉnh. Nhưng đúng là không phải chỉ SV sống xa nhà mới buông thả trong chuyện yêu đương. Thật ra, sự quản lý của phụ huynh chỉ là một yếu tố nhỏ. Chính ý thức của mỗi người mới là điều tối quan trọng. Điều cần có ở mỗi người trẻ khi yêu là phải biết yêu văn minh, phải biết coi trọng chính mình, coi trọng người yêu và những người xung quanh.

Chủ tịch Hội SV TP.HCM Lê Quốc Phong nói về chuyện tình yêu trong SV.

* Trong môi trường học tập, nhiều SV yêu như… biểu diễn. Anh nghĩ sao về điều này?

- Yêu là chuyện bình thường của mọi người, SV đâu phải là ngoại lệ. Tuy nhiên cách thể hiện tình yêu cần chừng mực và phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt. Chuyện một bộ phận SV thể hiện tình yêu ở nơi công cộng một cách quá trớn là không đẹp. Điều này càng không nên trong môi trường sư phạm và những nơi công cộng cần có sự tôn trọng người xung quanh. Tôi nghĩ không chỉ tổ chức Hội SV mà cả xã hội đều không đồng tình cách thể hiện tình yêu kiểu đó…

Theo tôi, ở lứa tuổi SV tình yêu đẹp là tình yêu giúp đôi lứa đang yêu học tập tốt hơn, có đời sống phong phú hơn và đồng thuận trong việc giữ gìn cho tình yêu trong sáng.

* Hội SV đã giúp gì để các bạn SV nhìn ra vấn đề chưa đẹp nói trên?

- Hội SV TP.HCM đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn tâm lý, tạo diễn đàn công khai để SV có điều kiện trao đổi với nhau về những hành vi ứng xử chưa phù hợp, nhằm giúp các bạn trẻ nhìn ra vấn đề, điều chỉnh hành vi yêu có văn hóa... Tuy nhiên hiệu quả và sức tác động của những nội dung này chưa cao. Hiện nay tổ chức Đoàn - Hội xác định cần phải quan tâm nhiều đến hoạt động tư vấn hỗ trợ tâm lý, định hướng lối sống cho SV.

Trong Đại hội Hội SV toàn quốc đã đặt chuyện kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội, giúp SV có kiến thức cơ bản để định hướng giá trị sống tốt là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội SV.

* Anh đã nhắc đến chuyện kỹ năng. Vậy theo anh, yêu cũng cần kỹ năng?

- Yêu cũng cần kỹ năng chứ! Kỹ năng trong tình yêu là việc trang bị những điều kiện cần thiết để nhìn nhận và thể hiện tình yêu một cách đúng đắn và đẹp nhất. Hiện nay kiến thức giới tính trong SV ở TP.HCM không đồng đều, cũng có bộ phận SV hiểu không rõ về vấn đề này. Đã có nhiều trường xác định truyền thông về giới tính giúp SV có thêm thông tin bổ ích cho bản thân. Tuy nhiên theo tôi, cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này để khi SV gặp chuyện thì các bạn có đủ bản lĩnh để tự vượt qua và có cách giải quyết vấn đề tích cực.

HỮU PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên