05/11/2018 09:33 GMT+7

Yêu thương ngược về phía núi

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TTO - Nhớ lại những ngôi trường mầm non ở thành phố với đầy đủ phòng ốc tiện nghi, phòng học nhạc, học vi tính, đồ chơi cho bé..., rồi nhìn những lớp học tuềnh toàng nơi rẻo cao, gió lùa hun hút mà không khỏi cám cảnh.

Yêu thương ngược về phía núi - Ảnh 1.

Cô giáo Vàng Thị Ly cùng các em trong phòng học mới xây ở điểm trường Chua Ta B - Ảnh: L.Đ.D.

Sau chuyến đi biên giới trở về, thầy giáo, võ sư Nguyễn Văn Dũng, chưởng môn Nghĩa Dũng karatedo, nói với chúng tôi: "Thầy muốn các môn sinh của Nghĩa Dũng karatedo chung tay xây một ngôi trường cho vùng cao. Các em có thể cho thầy biết địa điểm có thể xây được với kinh phí hợp lý".

Mong rằng ngôi trường mới sẽ giúp các cháu nhỏ có nhiều kỷ niệm đẹp về những năm tháng đầu tiên đi học, giúp các cháu hứng thú học tập và học thật giỏi để mai này có thể tiếp cận với thế giới văn minh hiện đại sau những dãy núi kia.

Thầy giáo, võ sư Nguyễn Văn Dũng (chưởng môn Nghĩa Dũng - karatedo)

Hai ngôi trường "sinh đôi"

Và ngay lúc đó chúng tôi nhớ tới điểm trường ở Chua Ta B (xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên), nhớ tới phòng học tuềnh toàng và những em bé người Mông ở đó. 

Những số liệu, hình ảnh về ngôi trường tạm bợ được chuyển cho thầy Nguyễn Văn Dũng và sau đó trên trang Facebook của Nghĩa Dũng karatedo, thầy bày tỏ ý định với các môn sinh, chỉ cần mỗi môn sinh nhịn... một bữa ăn sáng sẽ góp phần xây một điểm trường khang trang cho trẻ em Tây Bắc.

Quả nhiên, chỉ sau mấy ngày phát động, số tiền của các môn sinh đóng góp xây điểm trường mầm non Chua Ta B đã vượt quá dự định. Cũng lúc đó, sau khi báo tin về việc Nghĩa Dũng karatedo sẽ xây trường Chua Ta B, các thầy giáo ở Phòng GD-ĐT Điện Biên Đông nhắn cho chúng tôi: "Rất cảm ơn anh em đã kết nối, nhưng gần bản Chua Ta B còn có thêm một điểm trường mầm non tương tự, đó là điểm trường ở bản Trống Giông. 

Ít hôm nữa các em ở Chua Ta B có trường đẹp mà các em bản Trống Giông không có thì cũng... thương. Anh em đã thương thì thương luôn các em Trống Giông nhé".

Vào thời điểm ấy, bà Đỗ Thị Kim Liên, lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi, trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Nam Phi có tài trợ một số công trình cho các vùng miền. 

Biết được kế hoạch ấy, chúng tôi đã gửi hồ sơ về điểm trường Trống Giông cho bà và gần như ngay tức khắc, bà quyết định hỗ trợ 150 triệu đồng để xây cho các cô trò điểm bản Trống Giông một ngôi trường tương tự như Chua Ta B.

Kinh phí đã có nhưng để xây trường mới, phần đất sẽ xây phải cao ráo, thoáng đẹp hơn điểm cũ, mà đất trong bản hầu hết đã có chủ. Thế là ông Vàng Xá Ly, nguyên trưởng bản Chua Ta B, hiến ngay mảnh đất rộng của mình để các nhà hảo tâm xây trường mới. Tương tự, ở bản Trống Giông, bí thư chi bộ Hạng Giống Chứ cũng hiến tặng 360m2 đất để xây.

Hôm chúng tôi trở lại dự lễ khánh thành hai điểm trường mầm non, cô giáo Lê Thị Thương, hiệu trưởng Trường mầm non xã Phì Nhừ, một xã nghèo của huyện Điện Biên Đông, xúc động chia sẻ: "Hôm nay là một ngày rất vui và đáng nhớ đối với cô trò chúng tôi. Cô trò chúng tôi chính thức chia tay với những điểm trường mầm non xập xệ, dột nát để chuyển sang điểm trường mới do các nhà hảo tâm tài trợ xây dựng. Vui lắm, vui lắm!".

Dân bản vui lắm, vui lắm!

Ông Hạng A Di, chủ tịch UBND xã Phì Nhừ, cho biết: "Phì Nhừ có 24 thôn bản với 18 điểm trường mầm non. Xã nghèo, dân nghèo nên mấy chục năm qua hầu hết các điểm trường đều xuống cấp, dột nát, gió lùa khi đông lạnh. 

Các điểm trường từ trước đến nay đều do người dân cùng giáo viên tự dựng lên bằng vách gỗ, vách đất. Nay trẻ em ở hai bản được học trong những lớp học mới chắc chắn, đẹp đẽ thế này thì không chỉ cô trò, người dân vui mà chúng tôi cũng rất vui khi đón nhận sự chia sẻ ấm áp này".

Có mặt cùng nhiều phụ huynh trong ngày khánh thành điểm trường, lại thấy các con được tặng quần áo mới, đồ dùng học tập, ông Vàng Gióng Cáu - trưởng bản Chua Ta B và ông Và A Sùng - người dân bản Chua Ta B - không giấu được niềm vui, tranh nhau nói: "Giờ các con cháu mình đến trường mới không lo mưa dột, không sợ bị lạnh nữa rồi. Dân bản vui lắm, cảm ơn các nhà từ thiện".

Ông Hạng Giống Chứ cho biết bản Trống Giông có hơn 60 hộ dân, hầu hết là người dân tộc Mông, nhưng vì nghèo nên điểm trường cho hơn 60 đứa trẻ được dựng lên từ năm 2000 đến nay vẫn không thay đổi. Chỉ là những phòng học gỗ cũ kỹ, nay đã xuống cấp đổ xiêu đổ vẹo, mái thì thủng, mưa dột tứ tung. 

"Mình 64 tuổi rồi, nay thấy trẻ con ở bản có điểm trường mới kiên cố, khang trang thế này thì vui lắm, không phải lo các cháu nơm nớp ngồi học trong những phòng học xiêu vẹo nữa" - bí thư chi bộ bản Trống Giông bộc bạch.

Chứng kiến niềm hân hoan, vui sướng của người dân, cô trò hai điểm trường mầm non Chua Ta B và Trống Giông, một môn sinh của Nghĩa Dũng karatedo tại Hà Nội, đang giữ cương vị thứ trưởng của một bộ, có mặt trong chuyến đi khánh thành trường mới, đã quyết định vận động bạn bè để hỗ trợ thêm gần 800 áo ấm cho tất cả cô trò khối mầm non trong xã. 

Một tháng trước đây do chuyển công tác vào Phú Yên, anh đã nhờ chúng tôi trong chuyến công tác lên đây kết hợp trao giùm số áo ấm của môn sinh Nghĩa Dũng karatedo đến với các em nhỏ ở Điện Biên Đông. 

Hôm đến điểm trường Chua Ta B, gặp lại cô giáo Vàng Thị Ly đang dạy các em trong ngôi trường mới, nhìn những gương mặt trẻ thơ trong phòng học ấm áp, bất giác chúng tôi nghe cay nơi khóe mắt.

Bao nhiêu năm đi đi về về cùng rẻo cao, chúng tôi luôn chứng kiến một hành trình đáp đền ngược về biên ải của nhiều tổ chức thiện nguyện. Nếu chương trình "Cơm có thịt" của nhà báo Trần Đăng Tuấn và các cộng sự đã mang đến hàng vạn bữa cơm, hàng vạn áo ấm, hàng chục tỉ đồng xây trường cho vùng cao thì vẫn có nhiều, rất nhiều nhóm thiện nguyện khác hoạt động thầm lặng dành cho biên cương không thể nào đong đếm hết.

Một mùa đông nữa chuẩn bị về với rẻo cao biên ải. Trên không gian mạng đã nghe lao xao các cuộc "off" chuẩn bị cho những chuyến đi ngược miền biên ải. Và chúng tôi hiểu đó cũng là mong muốn sống tử tế đang được nhen lên và lan tỏa giữa cộng đồng. Có niềm vui nào, niềm yêu thương nào lớn hơn thế nữa!

Bà con biên giới đang "từ thiện" cho chúng ta

phinhu 2

Bà Đỗ Thị Kim Liên trong một chuyến đi thiện nguyện trao quà cho trẻ em vùng biên ải cùng báo Tuổi Trẻ - Ảnh: L.Đ.D.

Có một dòng chảy nghĩa tình từ nhiều năm nay đang lặng thầm ngược về biên cương. Có người gọi đó là "chuyến đi từ thiện". Không sai nếu gọi như thế, nhưng nói cho thật đúng thì đó là đi để tri ân những người dân biên ải. Và nói thật chính xác thì chính những người dân biên giới mới là người đang "từ thiện" cho chúng ta, những người đang sống ở đồng bằng và thành thị.

Chính bà con rẻo cao chứ không ai khác đã "từ thiện" cho chúng ta những ngày bình yên, sống với những tiện nghi hiện đại, còn những nhọc nhằn sơn lam chướng khí bà con vẫn đang gánh trên vai, sát cánh cùng người lính để giữ vững chủ quyền biên giới.

Giữa hai sự cho đi và nhận về ấy, chắc chắn chúng ta đã nhận được nhiều hơn từ sự hi sinh của những người bám trụ phía biên cương. Những ngôi trường, những chiếc áo ấm mà nhiều năm nay chúng tôi dành tặng các em bé rẻo cao là sự tri ân mang ý nghĩa như thế.

Bà Đỗ Thị Kim Liên (Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi)

'Trà My trên cát bỏng' tưới mầm tử tế

TTO - Trà My hôm nay không đi trên cát bỏng, mà đi về trên những con đường ở TP.HCM, những chuyến xe, chuyến bay liên tỉnh khắp Việt Nam.

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên