Mình chưa hề có ý định tham gia cuộc thi netbuttrian trước khi đọc Ba hạt đậu xanh của mẹ. Viết về mẹ, người phụ nữ đau thương nhưng vĩ đại, chị mình đã viết, rất sâu lắng, rất đẹp, rất trọn vẹn. Viết về út Trung, chị đã họa nên bức tranh trung thực, xúc động. Viết về chị, mình sẽ bắt đầu từ đâu trong muôn ngàn sự hy sinh những riêng tư đời chị cho mình và Trung? Chị như mẹ, như cha, như bếp lửa ấm hồng sáng rực rỡ cho mình và Trung đủ ấm, đủ tin yêu để sống cho đàng hoàng tử tế.
Đêm nay, trong niềm xúc động còn ngập trái tim, mình muốn kể các bạn nghe một câu chuyện khác, câu chuyện chị chưa kể về bài học tình yêu, niềm khát sống mãnh liệt mà anh, Nguyễn Phú Hiệp, chồng mình đã trao cho mình trọn vẹn.
Anh đến với mình khi mình chỉ là con bé bất hạnh, nghèo nàn, mới ra trường còn chịu sự cưu mang của chị và mẹ mình đang trên một chuyến đi đến bến bờ xa thẳm. Anh đi bên mình, anh nói với mình rất nhiều về cuộc sống, về những mảnh đời của bao số phận tận khổ. Họ có thể cả đời chẳng được ai tặng cho một bông hoa đẹp, chưa một lần bước ra khỏi nơi cư trú, không bao giờ biết đến những nhà hàng sang trọng nhưng họ đã sống và sống rất tốt đẹp. Anh đã cho mình hiểu: mình còn được hạnh phúc và ngày mai sẽ tươi sáng hơn
Tình yêu của chúng mình không được tô điểm bằng hoa hồng hay dưỡng nuôi bằng không gian lãng mạn. Chúng mình yêu nhau trong xa cách, trong muôn trùng thử thách. Những tháng ngày mòn mõi cùng mẹ đi hết bệnh này đến bệnh việc khác, mẹ mổ 7 lần trong 8 tháng, mình gầy như nhánh cây khô. Suốt cả mùa đông dài đăng đẵng của năm 2005, mình đã được anh sưởi ấm bằng một tình yêu lớn lao vượt qua sông bể, qua núi non trùng điệp. Mình đã hiểu được rằng: Yêu mình, anh đã yêu cả đớn đau, bất hạnh đời mình!
Mẹ hao mòn theo những cơn đau khủng khiếp. Bác sĩ nói thời gian của mẹ chỉ còn 2 tháng. Mẹ muốn nhìn thấy mình hạnh phúc. Anh một mình lặn lội từ Cà Mau ra Bắc Giang xin phép mẹ cưới mình. Đám cưới được tổ chức trong niềm xúc động của bao người. Mẹ cười mà nghẹn ngào hạnh phúc. Mình bé nhỏ đứng nép vào anh, anh vững trãi, đầy yêu thương. Chú rể nồng hậu, chân chất được cả họ hàng nhà vợ thương yêu dù tiếp xúc được vài ngày, anh trở ra Cà Mau, mình ở lại Bắc Giang cùng mẹ. Đêm tưởng như rất dài, ngày tưởng như rất lâu nhưng cũng không thể dài hơn, lâu hơn nỗi nhớ của vợ chồng son trẻ. Nỗi nhớ của anh được nén lại bằng những buổi dạy kèm kiếm tiền phụ chị giúp mẹ. Anh đã cho mình hiểu một điều rất giản dị rằng: yêu thương không phải là lời nói, yêu thương là cúi xuống thật gần, lắng nghe được nhịp đập tim nhau, là vuốt ve âu yếm, là để bàn tay mình lặn đến chặn đứng những cơn đau. Mình đã được anh yêu thương như thế!
Mẹ mình mất vào một đêm mùa đông. Chị mình lả đi trong cơn nức nở. Anh ôm chặt lấy mình để ngăn nước mắt. Mùa đông năm ấy không hiểu sao có mưa, những cơn mưa dai dẵng không dứt. Gò đống Mối nơi mẹ nằm, cứ mỗi chiều chị em mình lủi thủi bó gối ngồi bên mộ mẹ trong những cơn rét mướt quất vào da thịt rát buốt. Anh xiết chặt tay mình, áp vào ngực anh như muốn nói: Anh sẽ ở bên em để lấp đầy những nỗi đau. Anh đã cho mình tin cổ tích tình yêu có thật ở trên đời!
Rồi mình sinh con, con gái đầu lòng là Minh Huệ. Huệ bụ bẫm, đáng yêu, giống anh như tạc tượng. Anh trong trẻo như ngọn gió mới, hiền hoà như ngọn nắng sớm mai, anh tặng cho mình cuộc sống tràn vỡ niềm vui, dù nhà chúng mình là căn nhà lá tạm bợ. Anh luôn yêu thương vợ và xem mình sinh ra chỉ để cho anh yêu thương. Mình cũng yêu chồng như hơi thở của mình. Huệ tròn 1 tuổi, mình lại sinh con trai, đặt tên là Việt Huy.
Nhưng…Ông trời không thuơng, gieo sầu gieo oán cho gia đình mình. Anh bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối khi Việt Huy tròn 7 tháng tuổi. Mình không biết thế nào là tận cùng đau khổ nhưng mình biết được những nỗi đau còn khổ hơn những cái chết. Mình một lần nữa không tin là không cứu được chồng, mình đã mang anh đi gần như dọc ngang đất nước để giành giật sự sống của anh từ tay tử thần… Sức cạn, chúng mình trở về nhà nhưng anh không nằm, anh vẫn đến cơ quan làm nốt những chuyên đề dang dở, anh nhờ anh em đến sửa lại mái nhà, anh sới mảnh đất trước nhà trồng rau, anh tắm cho Huệ, cho Huy, chải tóc cho mình.
Anh nắm tay mình cùng các con đi dạo trên những con đường rợp bóng cây. Chúng mình ngồi dựa vào nhau nhìn 2 con say ngủ và anh lại kể chuyện cho mình nghe, những câu chuyện về những con người mang dáng hình con người không trọn vẹn vẫn vươn mình sống. Anh trao mình niềm khao khát được sống và phải sống trọn vẹn cho dù chỉ còn một phút một giây trên cõi đời. Anh đã vượt qua lằn ranh giới của sự sinh tử thường tình.
Mình chưa đi đến tận cùng đau khổ nhưng mình đã biết có những sự sống được tiếp nối từ cái chết. Ngày cuối cùng của anh, anh ôm mình rồi khóc, anh khóc to thành tiếng, những tiếng khàn đục mà không có giọt nước mắt nào rơi ra. 4 tháng trong cơn đau vật vã của căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối khiến thân xác anh chỉ còn da bọc xương, khô héo, kiệt quệ không còn nước mắt để mà rơi.
Thì thầm anh bảo: " Anh thương Hằng của anh nhất trên đời. Anh không tiếc gì chỉ áy náy vì đã chẳng thể lo lắng cho mẹ con em thôi". Mình cắn chặt môi: " Em và 2 con sẽ sống tốt đẹp. Anh đừng lo lắng. Em yêu anh!".Nước mắt mình ướt đẫm vai anh, tràn trề trên giương mặt anh. Anh ôm chặt lấy mình tha thiết: " Anh yêu em" rồi trút hơi thở cuối cùng trên đôi vai gầy gò của mình. Anh đã mất trong vòng tay mình vào lúc 12g45 ngày 30 tháng 5 năm 2009, chúng mình hương lửa mặn nồng tròn 4 năm 4 tháng.
Nếu bạn hỏi trong những chuỗi bất hạnh ấy mình đã học được điều gì? Thì đây là câu trả lời: Mình đã biết mình đang sống không chỉ cho mình mà còn sống cả phần anh để yêu thương, chăm sóc 2 con trọn vẹn; mình đã biết trân trọng những giá trị đẹp đẽ của mẹ, của chị, của anh trao cho mình; mình đã biết hứng từng giọt ánh sáng của niềm vui để xua đi cái u ám của chất chồng mất mát; mình đã biết chan chứa yêu thương những gì mình đang có, con người ai cũng có tình yêu thương xin đừng đến ngày cuối cùng mới trao yêu thương...
Con mình rồi sẽ lớn, mình sẽ già dần theo tháng năm, tóc mình sẽ bạc đi nhưng tình yêu mình với anh còn trẻ mãi trong tim mình, trẻ như tuổi 28 của anh….
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận