Phóng to |
Niềm vui này sẽ lại đến với TBN? - Ảnh REUTERS |
Lối đá kỹ thuật với tên gọi là tiqui- taca đã gieo biết bao kinh hoàng cùng nỗi buồn bại trận cho rất nhiều đội khi chạm trán với Tây Ban Nha trong bốn năm qua. Ý thừa biết sự lợi hại ấy, và họ đã khắc chế đối thủ bằng cách sử dụng chiến thuật 3-5-2 để chống lại sáu tiền vệ của Tây Ban Nha.
Ý thường tấn công dọc hai biên với sự dâng cao của Maggio và Chiellini, đồng thời kết hợp những đường chuyền dài vượt tuyến có độ chuẩn xác cao từ Pirlo. Lối chơi ấy giúp họ “xé” được sự kết dính của hàng tiền vệ đối phương, kềm hãm được nhịp độ trận đấu, không cho Tây Ban Nha rộng đất hoạt động.
Lối chơi ấy giúp Ý thành công trong hiệp một rồi có bàn mở tỉ số từ sự kết hợp giữa Pirlo và Cassano. Hiệp hai, Ý xuống sức và thế là tiqui- taca lợi hại có cơ hội. Sự lợi hại xuất hiện đồng nghĩa với việc đương kim vô địch có bàn gỡ hòa khi Silva bật tường cho Fabregas lập công.
Trung thành với lối chơi tấn công những trận còn lại vòng bảng, Ý lọt vào tứ kết với Anh. Đến đây, họ chuyển sang chiến thuật phòng ngự với mục tiêu- không ghi bàn trước thì không được để thủng lưới. Lối đá ru ngủ, cù nhầy ấy làm nản lòng đối phương, gây bực dọc với ai yêu bóng đá đẹp. Song không phải hễ cứ muốn là được, nếu như Ý không có được bản lĩnh, kinh nghiệm trận mạc và sự vận hành lối chơi nhịp nhàng.
Ý chơi không hay nhưng vẫn đánh bại Anh để lọt vào bán kết. Một lần nữa, Ý làm ngỡ ngàng người xem qua lối chơi tấn công hết sức biến hóa. Họ khiến Đức khóc hận với hai pha làm bàn của Balotelli. Đức bị đánh bại bởi tính chủ quan, nhưng phải thừa nhận rằng HLV Prandelli đề ra chiến thuật hợp lý là chơi đôi công và khóa hàng tiền vệ Đức bằng cách đá áp sát.
Sự thành công từ việc từ bỏ lối đá phòng ngự để chuyển sang tấn công, đang từng bước giúp Ý thăng hoa, trở thành hiện tượng thú vị trong bối cảnh Euro 2012 làm người xem chán ngán bởi tính thực dụng. Vậy thì họ tiếp tục thăng hoa trong trận chung kết?
Tôi không cho là vậy vì Tây Ban Nha đang cho thấy họ là thách thức lớn với mọi đối thủ. Không đội nào có được sự nhẫn nại cao như họ. Năm trận đã qua- trừ trận gặp Bồ Đào Nha- thì lối đá tiqui- taca vẫn thống trị. Không áp đảo được thì họ đá chậm lại, đan bóng cho nhau, tìm cách kéo dãn đội hình phòng thủ nhiều tầng của địch thủ.
Kỹ thuật cá nhân siêu đẳng giúp họ kiểm soát bóng- tùy thời điểm- để buộc đối phương phải cuốn theo. Một khi rơi vào thế rượt đuổi để chống trả thì sớm hay muộn đội đó cũng bị Tây Ban Nha chọc thủng lưới- tất nhiên không kể trận gặp Bồ Đào Nha.
Giá như Tây Ban Nha vẫn còn đó tay săn bàn lợi hại, một trung phong cắm đích thực như David Villa, tôi tin chắc rằng họ sẽ không trao những viên thuốc ngủ cho khán giả như từng trao nhiều lần tại Euro 2012. Không có Villa, Tây Ban Nha vẫn thắng, nhưng đôi lúc chật vật.
Trong trận chung kết, Tây Ban Nha sẽ vẫn rình rập trước Ý. Rất có thể, trận đấu kéo dài đến 120 phút nếu cả hai cùng chơi thận trọng quá mức. Nhưng Tây Ban Nha sẽ thắng bởi họ có lực lượng dự bị đồng đều, chơi ăn ý hơn đối thủ.
Một điều khác để tôi đặt cược vào Tây Ban Nha là việc họ luôn tăng tốc vào nửa cuối hiệp hai. Đó chính là thời điểm mà Ý hay bị thủng lưới do sức bền thể lực hụt hơi.
Với dân chuyên môn chúng tôi thì cuộc đụng độ Tây Ban Nha- Ý hi vọng sẽ mang lại nhiều điều thú vị về cuộc đấu trí, ứng dụng chiến thuật từng thời điểm và quan trọng nhất là việc thay người chiến thuật của đôi bên. Không ai chiếm ưu thế tuyệt đối, và chiến thắng sẽ thuộc về đội nào tận dụng được tình huống quý giá.
Tôi kỳ vọng Tây Ban Nha sẽ làm được điều mà 12 nhà vô địch châu Âu trước kia, chưa từng làm được- bảo vệ thành công ngôi vô địch! Bởi trong bóng đá, không điều gì là không thể xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận