Cụ thể, hiện đường Bông Sao và đường 1107 Tạ Quang Bửu (hay còn gọi là đường dọc rạch Hiệp Ân) cắt ngang đường Tạ Quang Bửu ở hai bên dốc cầu Tạ Quang Bửu nên thường xảy ra xung đột giao thông, va quẹt xe. “Trong khi đó đất dưới dạ cầu Tạ Quang Bửu bỏ không rất lãng phí. Nên chăng làm đường chui dưới dạ cầu?” - một bạn đọc đề nghị.
Phóng to |
Sơ đồ thể hiện xung đột giao thông ở hai đầu cầu Tạ Quang Bửu - Đồ họa: V.Cường |
Trưa 28-3, chúng tôi chạy xe máy trên đường Tạ Quang Bửu, hướng từ đường Phạm Hùng vào cầu Tạ Quang Bửu. Khi đến gần dốc cầu, hàng chục xe máy đâm từ đường 1107 Tạ Quang Bửu ra khiến chúng tôi phải dừng xe lại nhường đường để những chiếc xe này quẹo lên cầu và một số chiếc tiếp tục đi thẳng vào đường 1107 Tạ Quang Bửu nối dài. Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ xe cộ đang lên dốc cầu phải dừng lại mà những xe đi hướng ngược lại đang đổ dốc cầu phải giảm tốc độ để nhường đường cho dòng xe đâm ra từ đường 1107 Tạ Quang Bửu.
Phía bên kia dốc cầu là đường Bông Sao cũng trong tình trạng tương tự. Đường Bông Sao tiếp giáp đường Tạ Quang Bửu, khi xe cộ từ đường này quẹo trái lên cầu khiến dòng xe từ trên cầu vừa đổ dốc phải giảm tốc độ, thậm chí phải dừng lại nhường đường. Một người dân sống gần đây cho biết vào giờ cao điểm, hai bên dốc cầu Tạ Quang Bửu giao thông rất lộn xộn. Nhiều hướng lưu thông của xe cộ cắt ngang nhau không quy tắc nào nên thường xảy ra va quẹt. Có nhiều trường hợp va chạm nhau và không phân định được đúng sai nên hai bên cự cãi dẫn đến xô xát. Trong khi đó, phần đất dưới dạ cầu Tạ Quang Bửu vẫn để không cho cây cối mọc um tùm và một công ty xây dựng công trình gần đó chiếm dụng để chứa vật liệu, máy móc.
Ông Trần Phát Tấn, phó giám đốc Ban quản lý dự án Q.8 (chủ đầu tư cầu Tạ Quang Bửu), xác nhận có tình trạng xung đột giao thông do hai đường cắt ngang ngay dưới chân cầu thời gian qua nhưng chưa đến mức nghiêm trọng. Theo ông Tấn, trong thiết kế ban đầu của cầu Tạ Quang Bửu không có đường chui dưới dạ cầu. Để giải quyết xung đột giao thông ở hai đầu cầu, ông Tấn cho biết có nhiều cách như lắp đặt dải phân cách, lắp đèn tín hiệu giao thông hoặc có thể làm đường chui dưới dạ cầu. Tuy nhiên, việc mở đường chui dưới cầu Tạ Quang Bửu sẽ gặp một số vấn đề.
Theo tính toán, chiều cao an toàn của đường dưới dạ cầu Tạ Quang Bửu phải đạt trên 4,5m, trong khi chiều cao hiện hữu chưa tới 3,5m. Như vậy buộc phải đào xuống thêm hơn 1m để đạt được chiều cao an toàn. Việc này sẽ khiến mặt đường thấp hơn mức nước triều cường vào thời điểm cao nhất là 1, 5m. Tuy nhiên, ông Tấn khẳng định những vướng mắc về kỹ thuật trên vẫn có thể giải quyết được.
Ông Tấn cho biết nếu thực hiện dự án mở đường dưới dạ cầu tốn khoảng 15 tỉ đồng, thực hiện trong vòng ba tháng. Tuy nhiên, theo ông Tấn, vào thời điểm hiện nay việc làm đường chui dưới dạ cầu chưa cần thiết vì lượng xe trên đường Bông Sao và đường 1107 Tạ Quang Bửu chưa nhiều. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục theo dõi lưu lượng xe trên cầu cũng như lượng xe cắt ngang tại hai dốc cầu để có hướng điều chỉnh hợp lý, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và cân nhắc việc mở đường chui dưới dạ cầu” - ông Tấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận