08/05/2016 08:55 GMT+7

“Xung đột biển Đông”: Tham vọng của Trung Quốc quá rõ!

CÔNG TÂM (từ Đại học Yale, Connecticut)
CÔNG TÂM (từ Đại học Yale, Connecticut)

TTO - Vấn đề Biển Đông đã làm nóng giảng đường Đại học Yale (Mỹ) trong ngày khai mạc hội thảo “Xung đột Biển Đông” do Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) của đại học này đứng ra đăng cai.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long trình bày tham luận “Vị thế địa chính trị của Việt Nam và đối sách giải quyết những khủng hoảng ở Biển Đông” tại hội thảo sáng 6-5 - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Giáo sư Ngô Vĩnh Long trình bày tham luận “Vị thế địa chính trị của Việt Nam và đối sách giải quyết những khủng hoảng ở Biển Đông” tại hội thảo sáng 6-5 - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Ba phiên đầu tiên đã thu hút 70 người tham dự bao gồm các học giả, nhà hoạch định chính sách và các giới trí thức quan tâm đến đề tài.

Sự chuyển động lịch sử với những bằng chứng mới hay cách thức “diễn dịch mới”, lồng ghép với cán cân quyền lực khu vực đang thay đổi từng ngày là hai điểm nhấn quan trọng.

“Huyền thoại” và những “phát minh”

Ông Bill Hayton, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chatham House (Anh), đã trình bày về những “huyền thoại” về bản đồ và lập luận chủ quyền của Trung Quốc.

Từng dành nhiều thời gian nghiên cứu tại các kho lưu trữ ở Trung Quốc, Đông Nam Á và châu Âu, ông Hayton lập luận rằng những “tuyên bố lịch sử” liên quan Biển Đông của Trung Quốc chỉ xuất hiện sau năm 1933 nhằm đối phó với việc nước Pháp sáp nhập một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào lãnh thổ An Nam thuộc Pháp.

Trong khuôn khổ hội thảo, ban tổ chức có trưng bày các bộ sách về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa của nhiều tác giả.

Bên cạnh đó, Viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam cũng mang đến bộ “Bản đồ chủ quyền” triển lãm tại tiền sảnh của hội trường. 50 tấm bản đồ “Đại Nam nhất thống toàn đồ” và 50 tấm “An Nam đại quốc họa đồ” cũng được tặng cho các đại biểu tham dự.

Theo ông Hayton, trong những thập niên đầu thế kỷ 20 đã có nhiều nỗ lực của giới tinh hoa và trí thức Trung Quốc nhằm xây dựng một “khung xương” chủ quyền. Điều này cũng trùng hợp với sự nỗ lực chính thức đầu tiên của Trung Quốc để xác định lãnh thổ qua Ủy ban hoạch định bản đồ địa giới và hải giới.

Nỗ lực này, theo ông Hayton, “không phải là quá trình ghi chép hay thu thập lại những tài liệu hay các bằng chứng chủ quyền có sẵn mà là một quá trình tự phát minh, tưởng tượng và sáng tạo ra những bằng chứng thông qua việc huy động các nguồn tư liệu và văn khố phù hợp từ mọi nơi”.

Thảo luận về sự hình thành lịch sử, dụng ý và ý nghĩa của yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông, học giả Chris Chung từ Đại học Toronto (Canada) cũng đã chỉ ra hàng loạt câu chuyện khác nhau xung quanh bản đồ này.

Những câu chuyện phong phú, đa dạng và nhiều phiên bản được tích lũy theo thời gian nhằm xây dựng “chủ quyền” của Trung Quốc tại vùng biển đảo Nam Trung Hoa, qua đó lan tỏa niềm tin đến mọi tầng lớp dân chúng về một “chủ quyền không thể tranh cãi”, bồi đắp chủ nghĩa dân tộc cả trong và ngoài đất nước.

Sự chuyển động của lịch sử thế giới, quan hệ quốc tế, đặc biệt là các khái niệm về luật quốc tế trong thế kỷ 20, đang khiến các câu chuyện được “phát minh” này của Trung Quốc nhiều khi trở thành kệch cỡm.

Chẳng hạn như những tuyên bố gần đây của các quan chức cao cấp của Bắc Kinh về một “lịch sử chủ quyền lâu dài” trên Biển Đông và các đảo.

Các tuyên bố này không dựa trên những bằng chứng lịch sử chính xác và hợp pháp để hỗ trợ yêu cầu của mình, trong khi đó ngày càng có nhiều tài liệu lịch sử và bản đồ cổ (cả của Trung Quốc phát hành lẫn của các nước phương Tây) đưa ra những bằng chứng ngược lại.

Đó là những điểm phản biện quan trọng trong bài thuyết trình của tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - nghiên cứu viên khách mời tại Đại học Yale.

“Chủ nghĩa thực dân mới”

Trong khi phiên thảo luận đầu tiên về lịch sử kết thúc với nhiều đồng thuận thì trong phiên thứ hai với nội dung “Địa chiến lược tại Biển Đông” xuất hiện tương đối nhiều đánh giá trái chiều.

Các đánh giá chủ yếu tập trung vào cách tiếp cận Biển Đông như một mặt trận cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, và phương thức đánh giá khả năng của các bên trong việc chiếm thế thượng phong.

Tướng về hưu Daniel Schaeffer, thuộc Viện Asia think-tank 21 của Pháp, cho rằng động cơ chiến lược đang mang tính chủ đạo trong việc hình thành chính sách của các bên. Nguy cơ bị bao vây bởi thế trận của Mỹ và các đồng minh khu vực khiến ban lãnh đạo Bắc Kinh phải tăng tốc quá trình “vượt biển” nhanh nhất có thể.

Không những thế, quá trình này từ giai đoạn phòng thủ đã tiến dần sang một giai đoạn khác: thoát khỏi sự theo dõi và “kèm cặp” của nước khác với các phương tiện và tàu thuyền của mình.

Thành tố “cạnh tranh chiến lược” cũng là yếu tố quan trọng nhất trong việc chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy kế hoạch “đảo hóa” từ hai năm qua. Đó là nhận định của giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Úc).

Trung Quốc đang tìm cách đối phó với chính sách tái cân bằng của chính quyền Obama với khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng cách phát triển đủ sức mạnh quân sự để thống trị các chuỗi đảo đầu tiên chạy xuống phía nam từ Nhật Bản, Okinawa, Đài Loan và Philippines.

Tại tuyến đường Biển Đông, Trung Quốc dần thiết lập những cơ sở để bảo vệ tuyến đường biển thông tin liên lạc và bảo đảm sườn phía nam của nó chống lại sự can thiệp của hải quân và không quân Mỹ.

Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa sẽ là “căn cứ” không chỉ cho việc đánh bắt thủy sản, ngành công nghiệp dầu khí cũng như các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải mà còn nhằm hỗ trợ sự hiện diện quân sự ngày càng tăng trong tương lai.

Nếu có thể làm phép so sánh thì có thể thấy theo kiểu chủ nghĩa thực dân cũ là tuyên bố chiếm đóng lãnh thổ để phát huy kiểm soát dân số và tài nguyên thiên nhiên, trong khi Trung Quốc lại cải tạo, xây dựng các rạn san hô ngập nước để tạo thành các thực thể rộng hơn, khẳng định quyền kiểm soát các vùng biển và tài nguyên liền kề.

Để bảo vệ các quyền lợi này, Trung Quốc đã sẵn sàng hành động một cách cương quyết và hoàn toàn không lùi bước.

Sự kiện đụng độ với Philippines ở bãi cạn Scarborough trước đó là một bằng chứng cho nhận định như vậy, và những hành động tương tự hoàn toàn có thể diễn ra tại khu vực Trường Sa của Việt Nam.

Xu thế “quân sự hóa” nhanh chóng và cách ứng xử này là một kiểu “thực dân kiểu mới” - giáo sư Carl Thayer kết luận.

CÔNG TÂM (từ Đại học Yale, Connecticut)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên