03/05/2019 08:00 GMT+7

Xuất khẩu thuốc 'rộng cửa' với doanh nghiệp dược nội địa

T.D.V
T.D.V

Thị trường dược phẩm toàn cầu là 'miếng bánh rộng lớn' cho các doanh nghiệp dược nội địa muốn có chỗ đứng ở thị trường quốc tế. Những thị trường quy mô và tiềm năng nhất phải kể đến gồm Nhật Bản và khối ASEAN.

Theo Market Research, thị trường dược phẩm toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, trị giá 934,8 tỉ USD năm 2017 và dự kiến sẽ đạt tới 1.170 tỉ USD năm 2021. Liên Hợp Quốc ước tính, dân số toàn cầu sẽ vượt 9,3 tỉ người vào năm 2050, trong đó 21% số này nằm ở độ tuổi ngoài 60. Già hóa dân số, thu nhập đầu người và chi tiêu y tế tăng cao... là những yếu tố thúc đẩy ngành dược tăng trưởng bền vững ở mức 5,8%.

Xuất khẩu thuốc rộng cửa với doanh nghiệp dược nội địa - Ảnh 1.

Với trị giá 95 tỉ USD năm 2017, Nhật Bản hiện là quốc gia tiêu thụ dược phẩm lớn thứ 2 thế giới. Năng lực sản xuất lớn, song quốc gia này vẫn đang nhập khẩu hơn 38% tổng thị trường để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, hệ thống quản lý dược phẩm của Nhật Bản tương đối khắt khe. Bất cứ loại thuốc nào muốn vào Nhật Bản đều phải vượt qua hàng rào kỹ thuật của Cục Dược phẩm và Thiết bị Y tế (PMDA).

ASEAN với tổng GDP 2,6 nghìn tỉ USD và hơn 600 triệu dân cũng là thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt. Trong đó, Indonesia là thị trường dược phẩm lớn nhất khu vực với quy mô ước tính 10 tỉ USD năm 2021. Ngoài rào cản thương mại thấp với các hiệp định chung, Việt Nam còn có lợi thế đồng văn hóa và nhiều điểm chung về nhu cầu thuốc chữa bệnh, phương thức phân phối... với 9 nước còn lại trong khối.

Xuất khẩu thuốc rộng cửa với doanh nghiệp dược nội địa - Ảnh 2.

Việc Taisho vừa mới đây gom mua cổ phiếu thành công với giá cao và sở hữu trên 50% cổ phần Dược Hậu Giang được cho là tin vui với ngành dược trong nước. Dược Hậu Giang hiện là một trong 2 doanh nghiệp duy nhất được Cục Dược phẩm và Thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA) cấp chứng nhận JAPAN-GMP. Ngoài tấm vé thông hành về chất lượng, Dược Hậu Giang sẽ còn nhận được hậu thuẫn lớn từ đế chế dược phẩm Taisho khi thâm nhập vào thị trường Nhật, tận dụng các kênh phân phối sẵn có, giảm chi phí cho các hoạt động thăm dò thị trường, bán hàng và tiếp thị.

Sau Nhật Bản, Dược Hậu Giang cho biết ASEAN sẽ là thị trường mục tiêu thứ hai của doanh nghiệp. DHG Pharma vốn hiện diện tại nhiều quốc gia trong khối như Malaysia, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào, Singapore... nhiều năm nay. Các sản phẩm chủ lực có hàm lượng kỹ thuật cao gồm Hapacol, Klamentin, NattoEnzym, Bocalex... được người tiêu dùng chấp nhận. Tuy nhiên với chứng nhận quốc tế PIC/S và JAPAN-GMP, doanh nghiệp đặt mục tiêu sẽ tăng cường xuất khẩu, đa dạng danh mục hàng hóa cũng như mở rộng quy mô thị trường.

Hiện, các nước ASEAN đều chấp nhận các chứng nhận dược phẩm từ các quốc gia tham chiếu, như JAPAN-GMP của Nhật Bản. ASEAN cũng có 4 nước Indonesia, Malaysia, Thái LanSingapore đang sử dụng PIC/S làm tiêu chuẩn chung. Giao dịch các thuốc đạt 2 tiêu chuẩn này gặp nhiều thuận lợi, kỳ vọng sẽ đưa sản phẩm của Dược Hậu Giang nhanh chóng tiếp cận với người dân trong khu vực.

Năm 2017, với doanh thu xuất khẩu đạt khoảng 2,3 triệu USD, Dược Hậu Giang đứng thứ 2 về doanh thu xuất khẩu so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Doanh nghiệp cũng có mặt trong tổng số 225 doanh nghiệp thuộc 24 ngành hàng mạnh về xuất khẩu, được Bộ Công thương bình chọn là 'Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín'.
T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên