Ảnh chị Ngân trưng ra làm bằng chứng là chủ sở hữu số trang sức bị thất lạc |
Cách đây hơn một năm, ngày 4-8-2014 trong khi phân loại rác, bà Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) nhặt được một cái bóp có chứa nhiều vòng đeo tai, nhẫn, dây chuyền… tổng cộng gần 5 lượng vàng.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Bích Ngân (31 tuổi, phường 8, TP Cà Mau) đã đến cơ quan công an xin nhận lại số vàng và Công an Cà Mau xác định số vàng trên là của bà Ngân.
Bà Ngân đồng ý “hỗ trợ” cho bà Mai 10 triệu đồng nhưng bà Mai không đồng ý mà cho rằng theo luật “vàng đó phải thuộc về tôi".
Trước diễn biến này, Công an TP Cà Mau cho biết hướng giải quyết vụ việc là chuyển qua tòa án.
Về vấn đề này, luật gia Nguyễn Thanh Lương (Hội Luật gia quận 2, TP. HCM) cho biết vì 5 lượng vàng đang có tranh chấp nên tòa án có thẩm quyền sẽ xác định xem có phải đó là số vàng của bà Nguyễn Thị Bích Ngân đã bị đánh mất hay không.
Bà Ngân phải có nghĩa vụ chứng minh số vàng trên thuộc quyền sở hữu của mình trước khi bị mất.
Tuy nhiên, luật gia Lương cho biết bà Mai đã nhặt được số vàng cách đây hơn một năm.
Theo khoản 2, điều 241 BLDS xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi thì sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì sẽ áp dụng theo Khoản 2, Điều 241 để giải quyết.
Cụ thể, điều 241 quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên như sau: sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được.
Nếu vật có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu. Phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
Như vậy, theo luật gia Nguyễn Thanh Lương, căn cứ Khoản 6, Điều 170 BLDS thì bà Mai đã được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản là số vàng này.
Ngược lại, căn cứ Khoản 6, Điều 171 BLDS còn xác định việc chấm dứt quyền sở hữu đối với bà Ngân.
Tuy nhiên, điều ổn thỏa hơn hết là hai bên cần thương lượng hòa giải theo truyền thống tập tục (ngoại trừ phần giá trị còn lại của Nhà nước).
Công an phải cho bà Mai sở hữu một phần số vàng nhặt được Sau khi nhặt được gói vàng, bà Mai đã làm đúng quy định của pháp luật là báo cho cơ quan công an để thông báo tìm chủ tài sản. Việc bà Ngân đến nhận là chủ sở hữu gói vàng, dù có đủ chứng cứ chứng minh cũng không được công nhận quyền sở hữu gói vàng đó nữa bởi đã hết thời hạn nhận lại tài sản theo quy định là trong vòng một năm kể từ ngày thông báo. Trong trường hợp này, cơ quan công an cần thực hiện đúng quy định của điều 241 Bộ luật dân sự, giao phần tài sản mà bà Mai được hưởng cho bà, phần còn lại sung công quỹ nhà nước đúng như quy định. Nếu căn cứ mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định hiện nay là 1.150.000 đồng thì 10 tháng là hơn 11,1 triệu đồng. Gói vàng là trang sức gần 5 lượng nên ước tính giá trị cũng hơn 100 triệu đồng. Bà Mai có thể được hưởng 11,1 triệu đồng cùng với 50% của phần vượt quá 11,1 triệu đó, phần còn lại thuộc về Nhà nước. Cơ quan công an cần giao tài sản, xác lập quyền sở hữu cho bà Mai. Còn việc bà Ngân cho rằng mình là chủ sở hữu tài sản thì có quyền nộp đơn đến tòa để khởi kiện vụ án. Có thể có người cho rằng về mặt đạo lý khi nhặt được tài sản thì nên trả cho người đánh mất nhưng ở trường hợp này đã có pháp luật quy định. Bà Mai cũng không có thẩm quyền và khả năng để đánh giá tài sản đó có đúng là của bà Ngân hay không nên việc bà Mai đòi quyền của mình đối với sở hữu gói vàng là chính đáng và được pháp luật công nhận. |
Biên bản trình báo việc mất tài sản của bà Ngân cách đây hơn một năm |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận