03/01/2015 11:31 GMT+7

​Xuân về thắp lửa cho tổ ấm

PGS.TS tâm lý học HUỲNH VĂN SƠN (phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam)
PGS.TS tâm lý học HUỲNH VĂN SƠN (phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam)

TT - Năm 2015 đã điểm. Những màn pháo hoa rợp trời ở những thành phố lớn của nhiều quốc gia khác nhau như những ánh sáng kỳ vọng về một năm mới an lành, hạnh phúc.

Hạnh phúc - chặng hành trình không giản đơn. Mỗi người trong năm mới đều có kế hoạch cho chính mình và kế hoạch cho việc xây tổ ấm không thể nằm ngoài kế hoạch chung.

Bớt chút băng

Tổ ấm sẽ ấm hơn nếu không có bão, không có sự giá rét, hàn băng. Có khó gì đâu nếu quý ông chồng về nhà sớm hơn một chút để sum vầy.

Không quá cực nhọc nếu buổi cơm gia đình được nhóm lên bởi những người vợ nhẹ nhàng và ngọt ngào, vén khéo. Ngay cả những người con cũng đừng quên rằng bớt chút nhu cầu cá nhân để cùng mẹ cha tham gia trong những hoạt động gia đình...

Chút băng của đời thường có nguy cơ làm thương tổn mối quan hệ gia đình dẫu có dày công đến mấy. Đó chính là sự lạnh lẽo trong quan hệ đối xử với nhau. Nếu kiên quyết không để nó thường trú trong tổ ấm của mình trong năm mới, sao không hết lòng với những đổi thay. Cần cho nhau sự ngọt ngào của chính mình ngay trong tiếng gọi...

Đó là ánh mắt dõi theo từng hành động của nhau, là sự quan tâm đích thực bằng thái độ trìu mến, bằng những hành vi tận tụy. Đôi lúc cuộc sống không cần nhiều quá những sự kín đáo đến như bưng, hay cũng không cần quá nhiều sự khéo léo đến mức khó hiểu... Sự thật tâm nhưng cụ thể và thích ứng qua từng hành vi yêu thương sẽ làm tổ ấm thêm nồng.

Chút băng của đời thường sẽ bị phá vỡ khi mỗi cá nhân biết điều chỉnh chính mình trong cuộc sống thường nhật. Đừng vì món ăn quá chín hay quá cứng mà tranh cãi, đừng vì quyết định chọn điểm du lịch mà phải giận hờn nhau...

Đừng vì một tin nhắn lạc loài hay tin nhắn hữu tình của ai đó mà ta phải quay mặt mỗi phía trong cùng một chiếc chăn, cái giường quen thuộc. Đối thoại để cùng sẻ chia, đối mặt để cùng giải quyết vấn đề sao cho hợp lý... là những gì cần làm nhằm đảm bảo sự tồn tại cùng nhau, sự tồn tại của hạnh phúc.

Xây kế hoạch

Tổ ấm không thể vô tư ấm mãi. Mọi thứ đều cần có những kế hoạch. Điều đó đòi hỏi mỗi gia đình, mỗi tổ ấm cần biết xây dựng cho mình kế hoạch sao cho thật phù hợp.

Sự vén khéo của người phụ nữ khi chan hòa kế hoạch ấy có những niềm vui, sở thích của các thành viên mà không quá sức mình. Sự quyết đoán và thông tuệ của người đàn ông trong tổ ấm thể hiện như một bản lĩnh. Và sự hết lòng của những thành viên còn lại khi thấy trong kế hoạch ấy có hình ảnh của mình.

Và hẳn nhiên là không thể thiếu kế hoạch thư giãn tâm hồn. Cha mẹ bớt đi chút công việc để từ năm 2015 này ăn cơm tối cùng với nhà thường xuyên hơn. Chuẩn bị thêm hơn một tháng nữa để du lịch cùng với gia đình. Hay đơn giản hơn mà cũng đầy hạnh phúc khi cả gia đình bàn bạc mẹ sẽ tham gia lớp học yêu thích nào đó, ba sẽ tập thể dục, con sẽ tham gia sinh hoạt nhóm ở một trung tâm...

Kế hoạch dành cho tổ ấm không nhất thiết phải quá căng thẳng đến mức chi tiết, nặng nề. Nhưng trong đó có tình yêu thương và sự quan tâm đến từng thành viên, có sự hướng đến mục tiêu chung hạnh phúc của gia đình. Song hành với việc xây dựng kế hoạch đó chính là sự động viên từng thành viên, là sự giúp sức hay sẻ chia với từng người trong gia đình.

Niềm vui lan tỏa khi mỗi cá nhân đều biết đấy là nơi mình chọn trú ngụ mãi...

PGS.TS tâm lý học HUỲNH VĂN SƠN (phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tổ ấm xuân